Trong phiên điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ của CEO Mark Zuckerberg trước Thượng viện Hoa Kỳ, Zuckerberg khẳng định: “Chúng tôi không vi phạm thỏa thuận với FTC. Không ai ngạc nhiên khi một ứng dụng Facebook có thể thu thập thông tin người dùng thông qua bạn bè của họ. Tất cả đã được thông báo ngay từ đầu”.
Để được cấp phép hoạt động, Facebook đã phải cam kết một thỏa thuận với FTC. Thỏa thuận đó ghi rõ Facebook cần có sự đồng ý của người dùng trước khi dữ liệu của họ được chia sẻ với các bên thứ ba.
Vụ bê bối Cambridge Analytica làm tiết lộ dữ liệu cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook, trong khi chỉ có khoảng 270.000 người cài đặt và sử dụng ứng dụng thăm dò ý kiến. Do đó FTC cáo buộc Facebook đã vi phạm thỏa thuận cam kết ban đầu.
Zuckerberg khẳng định ứng dụng thăm dò ý kiến trong vụ scandal Cambridge Analytica đã hoạt động đúng như quy định của nền tảng Facebook đặt ra vào thời điểm đó. Khi Facebook ra mắt nền tảng ứng dụng của mình vào năm 2007, công ty đã giải thích với người dùng rằng khi họ cài đặt một ứng dụng, họ có thể chia sẻ không chỉ thông tin cá nhân của bản thân mà cả của bạn bè họ nữa.
Bên cạnh đó, CEO Mark Zuckerberg cũng nhấn mạnh Facebook đã thay đổi các quy định của nền tảng ứng dụng vào năm 2014, nhằm hạn chế khả năng thu thập dữ liệu của những người phát triển ứng dụng thứ 3.
Zuckerberg nói với các thượng nghị sĩ: “Bởi vì nền tảng ứng dụng hoạt động đúng theo những quy định đã được đặt ra vào thời điểm đó, về mặt kỹ thuật nó tuân theo các quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang và không vi phạm luật”.
Do đó, không có chuyện Facebook lừa dối người sử dụng. Tuy nhiên CEO Facebook cũng thừa nhận nền tảng của mình đã không được thiết kế thực sự tốt trước năm 2014. Mọi thứ đã được sửa đổi và về cơ bản Facebook không thể bị kiện.
FTC hiện vẫn đang tiến hành cuộc điều tra Facebook, liên quan đến các vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng.
Tham khảo: Business Insider