Mcredit đã có một năm đầu tiên kinh doanh như thế nào, thưa ông?
Năm 2017 là năm hoạt động kinh doanh đầu tiên của Mcredit kể từ khi chính thức ra mắt thương hiệu vào giữa tháng 12/2016. Đây là một năm có nhiều cột mốc quan trọng đối với công ty.
Tính đến hết 31/03/2018, tổng dư nợ của Mcredit đạt 2.242 tỷ đồng, tiếp cận được 352.105 khách hàng, mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ phủ rộng 42 tỉnh/ thành với 648 điểm, mạng lưới đối tác thu/ chi hộ tại hệ thống của MB, Viettel, VN Post, Payoo… được mở rộng lên đến hơn 13.000 điểm, nhằm gia tăng nhiều tiện ích cho khách hàng.
Qua một năm hoạt động, những nỗ lực của Mcredit đã được ghi nhận khi vinh dự nằm trong top 10 các nhà tuyển dụng được yêu thích nhất ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và top 100 “Nhà tuyển dụng được yêu thích 2017” dựa theo báo cáo khảo sát của CareerBuilder.
Đặc biệt, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cũng vừa vinh dự đón nhận Giải thưởng Rồng Vàng 2017 với thành tích “Dịch vụ tín dụng tiêu dùng hàng đầu” do Thời Báo Kinh tế Việt Nam và Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng.
Chúng tôi rất mừng khi đạt được kết quả này, đây là một minh chứng cho các sản phẩm của Mcredit đã được thị trường đón nhận và tin dùng.
Có được một khởi đầu tốt đẹp như vậy, ông dự báo thế nào về những cơ hội và triển vọng của thị trường mà các công ty tài chính tiêu dùng như Mcredit được hưởng lợi?
Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong các năm gần đây. Theo số liệu được công bố gần đây, năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng kỷ lục 65% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Cơ cấu cho vay tiêu dùng đa dạng, chủ yếu tập trung ở cho vay mua, sửa chữa nhà ở, vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại… phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập hàng tháng dưới 10 triệu đồng với các khoản vay có giá trị thấp dưới 100 triệu đồng.
Trong khi đó, thị phần tín dụng tiêu dùng tại nhóm các công ty tài chính chỉ chiếm chưa đến 8%. Con số này còn rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường và nhu cầu của nhóm khách hàng thuộc phân khúc này. Theo đó, những dự đoán tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường tín dụng tiêu dùng đạt mức 29-30% mỗi năm trong vài năm tới là có cơ sở.
Đại diện Mcredit lên nhận Giải thưởng Rồng Vàng 2017 với thành tích “Dịch vụ tín dụng tiêu dùng hàng đầu”.
Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi như vậy, Mcredit xây dựng kế hoạch kinh doanh ra sao, thưa ông?
Năm 2018, Mcredit đặt mục tiêu chiến lược trở thành Top 5 công ty tài chính tiêu dùng an toàn và hoạt động hiệu quả với kế hoạch mở rộng mạng lưới lên đến 752 điểm giới thiệu dịch vụ trên 51 tỉnh/ thành phố mang lại tiện ích cho khách hàng”.
Để thực hiện được chiến lược quan trọng này, bên cạnh việc tập trung cải thiện các sản phẩm hiện có và triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới, Mcredit xác định con người là nền tảng nội lực vững chắc cùng với văn hóa doanh nghiệp dựa trên 4 giá trị cốt lõi: "Cam kết – Hợp lực – Sáng tạo – Hiệu quả”.
Với Tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược phát triển rõ ràng, tôi tin rằng chặng đường phát triển tiếp theo của Mcredit sẽ bền vững và đầy ý nghĩa.