Chia sẻ của nhiếp ảnh gia Lilia Alvarado trên Bored Panda
Gần đây, tôi đã chia sẻ một bức ảnh mà tôi khá tự hào trên Instagram. Tôi nhận về những phản ứng trái chiều, từ tích cực cho đến những phàn nàn rằng tác phẩm của tôi không xứng đáng được gọi là một bức ảnh chụp mà đúng hơn là một sản phẩm của đồ họa máy tính hay ảnh đồ họa. Điều này khiến tôi suy nghĩ. Liệu mọi người có thực sự hiểu được khái niệm nhiếp ảnh và tại sao họ lại kiên quyết chống lại việc chỉnh sửa ảnh?
Tôi trở nên đam mê nhiếp ảnh sau khi sinh hai con gái song sinh Annabella và Juliette. Chúng truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày, cho từng bức ảnh của tôi. Nhờ nhiếp ảnh, tôi từng bước khám phá thế giới của hai con, cố gắng nắm bắt tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời của thời thơ ấu và tái cạo lại những khoảnh khắc mà tất cả chúng ta đều mỉm cười khi nhìn lại. Điều này bao gồm việc sử dụng bất cứ công cụ chỉnh sửa ảnh nào giúp tôi tiến gần nhất với mục đích ấy. Photoshop chỉ là một trong những công cụ đó.
Nhiếp ảnh được phát minh cách đây hơn 180 năm nhưng các phần mềm chỉnh sửa ảnh kỹ thuật số ra mắt gần đây đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Mặc dù vậy, nó cho thấy chúng ta thiếu hiểu biết về lịch sử nhiếp ảnh. Chỉnh sửa ảnh xuất hiện từ trước khi có Photoshop và thực tế nó luôn là một phần thiết yếu trong công việc của các nhiếp ảnh gia.
Tìm hiểu sâu hơn, tôi khám phá ra rằng các nhiếp ảnh gia nghệ thuật và tin tức đã chỉnh sửa ảnh từ thủa sơ khai của ngành nhiếp ảnh. Vì thế, sẽ rất sai trái khi coi một bức ảnh bị chỉnh sửa không còn là một bức ảnh chụp nữa. Nếu chúng ta loại bỏ các hính ảnh đã chỉnh sửa ra khỏi danh mục ảnh chụp thì sẽ chẳng còn bất cứ bức ảnh nào.
Kể từ khi phát minh ra nhiếp ảnh, chỉnh sửa ảnh đã trở thành một phần quan trọng trong đó. Các nhiếp ảnh gia thế kỷ 19 gọi chỉnh sửa ảnh là kỹ thuật loại bỏ những khiếm khuyết. Bằng nhiều cách thức thô sơ, họ loại bỏ yếu tố thừa hoặc thêm vào bức ảnh các yếu tố mà họ thấy cần thiết.
Các nhiếp ảnh gia ngày trước có thể vẽ trực tiếp lên kính âm bản hoặc kết hợp nhiều khung hình trong phòng tối để đạt được mục đích. Các bức ảnh có thể bị cắt, đốt hoặc thậm chí sơn vẽ ở mức độ nào đó. Nhiếp ảnh gia làm điều này để minh họa tốt hơn câu chuyện trên báo, tài liệu. Ngay cả những bức ảnh trong album gia đình cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào phim hóa chất và thiết lập màu được sử dụng. Có thể coi những bức ảnh là một câu chuyện trong thế giới thực được kể lại theo một cách tuyệt vời.
Tôi biết Photoshop sẽ đáng lo ngại nếu bị lạm dụng trong lĩnh vực ảnh báo chí. Nhưng tôi không phải là nhiếp ảnh gia báo chí. Tôi nghĩ công việc của mình giống như tạo ra một bộ phim tĩnh. Chỉnh sửa hình ảnh luôn là một phần trong quá trình làm phim thế nhưng chẳng ai coi một bộ phim dùng phông xanh hoặc CGI không phải là một bộ phim. Đương nhiên, chỉnh sửa ảnh cũng cần có kỹ năng, tính nghệ thuật. Vì thế, như đã nói, tôi sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ chụp, chỉnh sửa ảnh để tiến gần hơn tới mục tiêu của mình.
Nhiếp ảnh theo nghĩa đen là viết hoặc vẽ bằng ánh sáng. Quá trình tạo ra một bức ảnh đồ họa chẳng hạn như ảnh minh họa hoặc hoạt hình, không thể được coi là viết/vẽ bằng ánh sáng. Điều này trái ngược với cách làm việc của tôi. Theo một cách đơn giản, tôi tạo ra hình ảnh bằng cách sử dụng một cái hộp có lỗ cho ánh sáng đi qua để tạo ra cái gọi là ảnh chụp. Sau đó, quá trình chỉnh sửa ảnh bằng phần mềm của tôi không thay đổi điều này. Trong mọi trường hợp, về cơ bản những gì tôi làm không khác với những gì nhiếp ảnh gia thế hệ trước làm trong phòng tối.
Tôi muốn những chia sẻ của mình nâng cao nhận thức về lịch sử nhiếp ảnh và nhiếp ảnh nói chung. Tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến của các bạn. Bạn định nghĩa như thế nào về nhiếp ảnh? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về nhiếp ảnh, chỉnh sửa ảnh như thế nào là nhiều và như thế nào là hợp lý?
Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm của Lilia Alvarado, ảnh trên là ảnh gốc và ảnh dưới là ảnh đã qua chỉnh sửa.