Sau khi Đài Truyền hình Việt Nam gắn mác 18+ cho bộ phim “Quỳnh Búp bê”, tác phẩm lại gây tranh cãi nhiều hơn vì câu hỏi đã được gắn mác thì có nên giữ lịch phát sóng vào khung giờ vàng? Cuối cùng, VTV đã cho tạm dừng phát sóng bộ phim này. Trước đó, đã có những tranh luận xung quanh bộ phim vì có quá nhiều cảnh nóng, bạo lực và sử dụng trang phục không hợp lý. Nhiều lý lẽ được đưa ra, nhưng có vẻ một điều đã bị bỏ quên.
Bộ phim khai thác trực diện nạn buôn người và thân phận tủi hổ của những cô gái bị buộc phải dấn thân vào con đường mại dâm. Tuy nhiên bộ phim cũng dấy lên không ít tranh cãi bởi nó được chiếu vào khung giờ vàng, trên đài truyền hình quốc gia, thời điểm mà rất nhiều gia đình, bố mẹ con cái đều quây quần bên chiếc tivi để “kết nối gia đình”. Trong đó, có quá nhiều những cảnh hiếp dâm, đánh đập phụ nữ, tra tấn, gái mại dâm hành nghề và những ngôn từ táo bạo quá mức để lên sóng mà không có kèm cảnh báo gì cho người xem.
Lý lẽ bảo vệ
Đạo diễn bộ phim khi được phỏng vấn có chia sẻ rằng: “Các tác phẩm trần trụi là rất cần thiết để lột trần hiện thực, cung cấp thông tin cho người dân, để mỗi người thấu hiểu chúng ta đang sống trong thời đại nào và cần có trách nhiệm gì. Với ‘Quỳnh Búp Bê’, những cảnh đánh đập, nóng bỏng là một phần thực trạng của nghề mại dâm… Không quá khó hiểu nếu có người sốc khi xem phim. Nhưng cũng có những bà mẹ bày tỏ hết lòng ủng hộ bộ phim. Họ còn khuyến khích con cái xem để lấy làm bài học, cảnh giác và tự bảo vệ mình” – (Vietnamnet).
Biên kịch Kim Ngân cũng cho rằng: “Quan điểm của tôi là nhìn càng gần sự thật càng tốt, chỉ như vậy mới hiểu chân tơ kẽ tóc và rút ra kinh nghiệm. Ví dụ nếu muốn nhìn vào tệ nạn mại dâm để hiểu tác hại của nó thì hãy nhìn trực diện, miễn sao ở chừng mực chấp nhận được, tức không có cảnh lõa lồ hay quá phản cảm trên phim”.
Và nhiều khán giả cũng đồng tình, thậm chí cho rằng những cảnh trên phim còn chưa trần trụi, gai góc bằng điện ảnh nước ngoài, và rằng thời đại này thì cái lý “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” đã không còn phù hợp.
Nhưng có vẻ tất cả những lý lẽ này, đã bỏ quên một điều gì đó
Khi chúng ta tiếp xúc quá nhiều với cái ác, cái xấu và đặc biệt là nó rất hiếm gặp, rất khó để quan sát được trong đời sống bình thường, thì ngoài việc có thêm hiểu biết, nó chắc chắn còn để lại trong tâm trí chúng ta những hình ảnh có gắn với cảm xúc không mấy tích cực. Có thể là sự khó chịu, ám ảnh, cũng có thể là sự tò mò và hiện thực hóa trải nghiệm.
Cái ác không cần được mô tả chi tiết, người ta chỉ cần được biết về kết quả và được giáo dục để không mang lại kết quả đau thương đó cho người khác cũng như cho bản thân mình. Có rất nhiều cách để nói về cái xấu và kết quả cũng đã đủ để khiến người ta không muốn phạm phải sai lầm tương tự. Nhưng khi mô tả quá chi tiết về quá trình, diễn biến, cái xấu lúc đó được phô diễn. Nó không chỉ là quá trình phản ánh hiện thực nữa mà như là một sự truyền bá, một sự mời mọc và kích thích. Nếu tiếp xúc quá nhiều với những thứ xấu xí, con người sẽ bị chúng ám ảnh và thay đổi hành vi.
Khổng Tử đã từng nói rằng: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy”.
Tiếp xúc nhiều với những thứ thiện lương, hòa ái, truyền cảm hứng tốt đẹp, con người sẽ tự nhiên mà hành động có tiết tháo, kính cẩn, khiêm nhường. Còn tiếp xúc nhiều với những thứ bất hảo, cũng như ở gần vũng sình, lẽ nào không thể bị lấm lem. Mà dù có đủ tỉnh táo để không bị lấm lem, thì cái mùi xú uế có thể không làm ảnh hưởng đến tinh thần, gây ức chế và ám ảnh hay không. Người lúc nào cũng chất chứa những cảm xúc u uất, liệu có thể có cái nhìn tích cực và mang điều tích cực tới cho người khác.
Không thể nói rằng cho trẻ em biết về mặt trái xã hội để chúng tự bảo vệ bản thân, để chúng biết mà tránh… Thật ra nó có khác gì việc cho chúng xem cảnh xử bắn tử tù, thậm chí bắt chúng nhìn cận cảnh, quan sát từng cảm xúc, từng phản ứng cho tới khi sự sống rời đi khỏi thân xác tội lỗi đó. Và sau khi chứng kiến hết những hình ảnh gây sốc đó, bạn rỉ tai đứa trẻ rằng, đó là kết cục, là sự trừng phạt cho hành vi xấu. Những gì để lại trong đầu đứa trẻ, chắc chắn không chỉ là một bài học đạo đức rằng không được làm điều xấu.
Sự tha hóa đạo đức hay tình yêu thương, nó đều có sự lan tỏa. Con người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ và tính cách, dù có khả năng tiết chế thế nào, nếu cứ được chứng kiến, va chạm liên tục với những điều vốn bộc lộ phần “con” nhiều nhất, dù có là những cảnh mà chuyên gia cho là đầy tính “nghệ thuật” và “nhân văn”, thì họ sẽ dần mất đi sự ước thúc và thấy nó “tự nhiên”. Sẽ không còn gì ngăn cản được họ “hiện thực hóa” dục vọng ngày càng nhiều và mạnh mẽ. Và khi không thể tiết chế được nữa thì vi phạm đạo đức hay pháp luật là điều có thể xảy ra.
Có vẻ như chúng ta đang tư duy chưa đúng, khi cho rằng muốn loại bỏ những góc khuất của xã hội, những cái xấu, thì phải lôi nó ra ánh sáng, trưng bày cho mọi người cùng biết chân tơ kẽ tóc của nó. Chúng ta đang quên mất rằng, khi lan truyền, thực hành những điều tốt đẹp, lưu giữ và nâng cao đạo đức trong các thế hệ, thì cái xấu tự khắc sẽ giảm dần.
Một xã hội bao dung và hòa ái sẽ dùng đạo đức để ước thúc hành vi các cá nhân, đó là cải biến từ gốc rễ. Nếu chỉ nêu bật cái xấu, bêu riếu nó, thì chỉ cấp thêm cơ hội cho người ta đẩy cao cái tâm phán xét cay nghiệt, ham muốn trừng phạt dã man, thậm chí tò mò kích động mà muốn hiện thực hóa nó ở trong điều kiện thích hợp. Nó chẳng khác nào kích động thêm phần thú tính trong con người. Và quan trọng nhất, đó chỉ là giải quyết vấn đề ở bề mặt, ở trên ngọn mà chưa động được tới gốc rễ của nó.
Tác động không nhìn thấy của những gì chúng ta tiếp xúc hàng ngày
Nhà nghiên cứu người Nhật, Masara Emoto được Đại học Mở Quốc tế chứng nhận là bác sĩ theo phương pháp y học thay thế đã công bố những kết quả chấn động thế giới liên quan tới những giọt nước của mình.
Trong phần đầu của cuốn sách “Bí mật của nước”, ông Emoto đã đề cập đến một phương pháp trị liệu cho những người ung thư, đó là “Trị liệu mục đích sống”. Bằng nhiều cách như làm những việc họ thích, cười thật nhiều và trải nghiệm những cảm xúc tích cực, hệ thống miễn dịch được tái sinh và bệnh ung thư thường sẽ thuyên giảm.
Trong cộng đồng y học, kiến thức về việc trí óc và trải nghiệm cảm xúc có thể ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể đã ngày càng trở nên quen thuộc và được ưa dùng. Rót đầy tâm trí bạn bằng những hình ảnh tốt đẹp sẽ khiến cơ thể bạn khỏe mạnh.
Và điều đó đã được minh họa rõ nét qua sự hình thành rất khác nhau của các tinh thể nước. Khi chúng được tiếp xúc với những lời nói tốt đẹp, thậm chí là hình ảnh về một từ ngữ tốt đẹp bằng nhiều thứ tiếng, khi nhiều người cùng nghĩ những điều tốt đẹp hướng tới mẫu nước thử nghiệm, khi nước được “nghe” những bài hát kinh điển mang cảm xúc tích cực… nước sẽ hình thành tinh thể mang hình dáng rất cân đối và đẹp mắt.
Ngược lại, khi nước được tiếp xúc với những ngôn từ, năng lượng, âm thanh và cảm xúc tiêu cực, hình ảnh tinh thể nước sẽ thể hiện một sự đổ vỡ, lộn xộn, mất cân bằng. Cơ thể con người với hơn 70% là nước, chắc hẳn sẽ không nằm ngoài tác động vô hình như trên đối với từng tinh thể nước.
Ông Emoto đã mang nghiên cứu của mình đi thuyết trình ở khắp thế giới, rất nhiều nơi mời ông tới nói chuyện, hội trường luôn kết thúc bằng những tràng pháo tay không ngớt và mọi người đều đứng dậy tỏ lòng thán phục. Họ được đánh thức về việc lan truyền những điều tốt đẹp, rằng cảm xúc tích cực mà chúng ta dành cho nhau, dành cho chính mình có tác động quá lớn lao. Hãy cẩn trọng lời nói, hãy tìm kiếm và tạo ra những trải nghiệm cảm xúc tích cực. Những hình ảnh bạn nhìn thấy hàng ngày chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng không nhỏ trong những tinh thể nước trong cơ thể bạn, và tất nhiên là chính bạn.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh được sự tác động giữa phim ảnh, thông tin bạo lực với cách hành xử của con người. Theo The Straits Times, trong một nghiên cứu, nhóm chuyên gia của tiến sĩ Cengiz Altay tại Đại học Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh phim ảnh bạo lực làm giảm hiệu suất tư duy của những đứa trẻ. Đặc biệt là trẻ càng thông minh thì tác động này càng rõ rệt.
Nghiên cứu khác cho thấy, các em nhỏ sau khi phim có cảnh bạo lực hay dùng hành động tấn công thô bạo hơn. Điều đó nói rõ một vấn đề rằng phim ảnh có tác động lên hành vi con người. Trên thực tế trong rất nhiều phim ảnh có hình tượng người ác thông qua các thủ đoạn phạm tội mà giành được tài sản và vị trí cao trong xã hội. Tuy nhiên cuối cùng họ bị chính nghĩa trừng phạt. Nhưng điều đó chỉ là kết quả của cái ác, còn bạo lực thì vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến người xem. Đó cũng là một kết luận được các nhà nghiên cứu tâm lý điều tra và thử nghiệm.
Khi tiếp xúc quá nhiều với những hình ảnh bạo lực, dâm đãng, kích động dục vọng, bạn có chắc rằng mình không cảm thấy khó chịu. Nếu không, thì quả thật cũng đáng lo. Và trẻ em khi tiếp nhận quá nhiều những hình ảnh đó, liệu kiến thức non nớt của chúng có đủ để phân biệt, nhận định, phán xét, kết luận, hay chỉ đơn giản là lưu giữ, sao chép và tò mò hiện thực hóa.
Những người ủng hộ chiếu bộ phim 18+ trên vào khung giờ vàng cho rằng, nếu để trẻ em xem thì bố mẹ cũng ngồi cùng để hướng dẫn, giải thích cho các em. Đó là cách nghĩ chưa thấu đáo, bỏ qua cảm giác của con trẻ, bỏ qua ảnh hưởng lâu dài của hình ảnh, ngôn từ bạo lực, kích động.
Khi cái xấu tràn ngập truyền thông đại chúng
Ngày nay, khi những cảnh ăn mặc hở hang của phụ nữ tràn ngập truyền thông đại chúng, các ca sĩ, diễn viên, người mẫu thi nhau “khoe hàng” trên trang cá nhân… người ta lại đem ra so sánh rằng những gì chiếu trên truyền hình quốc gia chưa ăn thua gì so với những thứ đó. Hóa ra, khi người khác làm sai thì ta cũng có quyền làm sai. Cái lý đó, từ lúc nào đã trở nên đúng vậy?
Khi những cảnh bạo lực, đẫm máu trong các bộ phim anh hùng, đề cao chính nghĩa, đội lốt người tốt để hợp pháp hóa, lý tưởng hóa việc trả thù, giết chóc, người ta sẽ dần vô cảm trước bạo lực.
Đó chính là kết quả kinh khủng của việc lan truyền những hình ảnh lệch lạc: Bình thường hóa cái biến dị, cái xấu, cái ác.
Đó là điều những lý lẽ bảo vệ việc đưa bạo lực, tình dục lên các phương tiện truyền thông đại chúng chưa đề cập tới. Nếu truyền thông chưa nhận thức được vai trò dẫn dắt, định hướng, lan truyền những giá trị tốt đẹp của mình, mà lại tiếp tay cho việc nhuộm đen tâm trí người xem, dựa vào yếu tố kích thích tâm tình người ta để khai thác những thứ có ảnh hưởng lâu dài đến xã hội, thì đó là điều đáng lo ngại hơn cả.
Thuần Dương
Có thể bạn quan tâm: