Nhanh lẹ, tiện dụng song hành cùng việc bùng nổ mua sắm qua mạng đẩy các doanh nghiệp giao nhận hàng vào cuộc đua quyết liệt hòng chiếm lĩnh thị phần.
Ngồi nhà... ăn quán
Một sáng trong tuần của tháng 7, chị Dương (ngụ Q.3, TP.HCM) nghe mẹ thông báo mới làm xong món bánh chị yêu thích nhưng không có ai mang đến cho chị. Ngay lập tức, chị đặt dịch vụ giao hàng của Grab sang nhà mẹ mang bánh về cho chị, tổng cộng cước phí hết 22.000 đồng và chỉ sau 15 phút, chị đã nhận được hàng. Theo chị Dương, do đã quen xài ứng dụng gọi xe Grab nên việc giao nhận hàng hóa cũng tiện lợi và chị sử dụng khá thường xuyên.
Điều này khiến dịch vụ giao nhận hàng hóa của Grab dù chỉ mới ra đời gần 2 năm qua đã nhanh chóng bành trướng ra địa bàn Hà Nội và đến giờ, bất cứ đâu có GrabBike thì ở đó có GrabExpress. “Thừa thắng xông lên”, giữa tháng 5 vừa rồi, Grab cũng đưa ra phiên bản thử nghiệm dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến - GrabFood trong ứng dụng Grab tại 5 quận: 1, 3, 7, Bình Thạnh và Tân Bình (TP.HCM) với 500 đối tác là các nhà hàng, quán ăn. Với những tiện ích như ứng dụng tự động định vị vị trí khách hàng để đề xuất danh sách các nhà hàng ở gần họ, khách hàng có thể theo dõi vị trí của đối tác tài xế ngay trên ứng dụng theo thời gian thực, 1 món cũng giao..., GrabFood đã chính thức “phủ sóng” toàn thành phố chỉ sau chưa đầy 2 tháng. Đặc biệt, khách hàng có thể sử dụng tính năng GrabChat để trao đổi với tài xế về bất kỳ lưu ý nào cho món ăn, ví dụ không cay, để lạnh… tùy theo yêu cầu, ý thích.
GrabFood đã chính thức “phủ sóng” toàn thành phố chỉ sau chưa đầy 2 tháng.
Việc các ứng dụng vận tải phát triển kèm các dịch vụ như giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn… như Grab được dự báo sẽ là đối thủ đáng gờm cho các công ty giao nhận truyền thống. Điều này cũng khiến cho ứng dụng gọi xe Aber (Đức) và Go-Viet (từ sự hậu thuẫn của hãng gọi xe hàng đầu Indonesia - Go-Jek) khi gia nhập thị trường VN cũng đều công bố chiến lược sẽ mở rộng dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa sau khi đã “chắc chân” với dịch vụ gọi xe.
Nội chiếm lĩnh, ngoại tăng tốc
Năm 2017, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) VN có mức tăng trưởng 25% thì tốc độ tăng trưởng doanh thu của các DN chuyển phát cao hơn nhiều, từ 62 - 200%. Vì vậy theo dự báo, khoảng 30% dân số tại VN được dự đoán sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020 cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành TMĐT sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
Thống kê không đầy đủ cho thấy hiện nay cả nước có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, chỉ có số ít doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn và được nhắc đến nhiều trên thị trường giao nhận hàng hóa nội địa như VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm (thuộc SEA Group đến từ Singapore). Ước tính chỉ riêng 4 đơn vị nêu trên đã chiếm khoảng 60 - 65% thị phần giao hàng các gói kiện nhỏ tại VN. Trong đó có đến 3 DN nội địa. Việc các DN trong nước đang chiếm phần lớn thị phần là do đã ra đời từ trước. Trong khi đó, các DN nước ngoài trước đây chưa vào VN có thể do quy mô thị trường còn nhỏ, TMĐT chưa phát triển… Tuy nhiên trong vòng 2 năm qua, nhiều DN nước ngoài cũng tăng tốc đáng kể như Lalamove đến từ Hồng Kông, hay sàn TMĐT Lazada cũng tách bộ phận giao nhận hàng hóa để thành lập nên công ty riêng là Lazada E-Logistics. Đại diện Lazada E-Logistics đã công bố sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD trong vòng một năm tới để xây dựng năng lực vận hành, đẩy mạnh các hoạt động để cung cấp dịch vụ không chỉ riêng cho công ty mẹ mà cho nhiều công ty khác.
Ước tính chỉ riêng 4 đơn vị VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm đã chiếm khoảng 60 - 65% thị phần giao hàng các gói kiện nhỏ tại VN.
Đặc biệt “ông lớn” trong logistics thế giới DHL giữa năm 2017 cũng chính thức gia nhập thị trường giao nhận nội địa tại VN khi ra mắt Công ty DHL eCommerce VN với lời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư để giành thị phần tại quốc gia có gần 100 triệu dân này. DHL cho biết, dịch vụ của hãng sẽ vận chuyển hàng đến các điểm trong khu vực TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành trung tâm trong thời gian 1 - 2 ngày, kèm theo các dịch vụ như thu tiền hộ...
Nhận định về thị trường hiện nay, ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty Scommerce.asia (công ty mẹ của hai đơn vị Giao hàng nhanh và Ahamove), với sự xuất hiện của các nền tảng giao hàng công nghệ như Grab, Lalamove hay Ahamove với mô hình giao hàng tức thời và sự linh hoạt có được từ hàng trăm ngàn tài xế cùng người giao hàng (shipper) tự do sẽ trở thành đối thủ chính của các DN giao hàng truyền thống trong các năm tiếp theo. “Thị trường TMĐT tại VN mới chỉ chiếm khoảng 1,5 - 2% thị trường bán lẻ, trong những năm tiếp theo con số này sẽ phải tăng lên đến 10 - 15% thị trường bán lẻ. Từ đó kéo theo nhiều DN ngoại lớn sẽ tiếp tục đầu tư rất nhiều tài chính để chiếm lĩnh thị trường giao hàng trong những năm tiếp theo”, ông Lương Duy Hoài chia sẻ thêm.
Cần đầu tư lớn
Cam kết chạy đua về thời gian giao hàng của các sàn TMĐT, của hàng triệu người bán hàng online là một trong nhiều phương thức để thu hút khách hàng. Ví dụ Tiki đã đưa dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ từ cuối năm 2017 đi vào hoạt động. Mới đây, DHL eCommerce VN cũng công bố dịch vụ giao hàng trong ngày cho khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
Nhưng để rút ngắn thời gian giao hàng, bản thân các công ty phải đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng công nghệ, nhân sự và mạng lưới ra nhiều tỉnh thành trên cả nước với chi phí tài chính ước tính ở mức vài chục triệu USD trở lên. Trong khi đó, theo tính toán của một công ty giao nhận, khi nào số lượng đơn hàng tăng lên ở mức 50.000 đơn/ngày thì mới hòa vốn và từ mức đó trở lên mới có lãi. Vì vậy hoạt động của các công ty giao nhận thường phải chịu lỗ trong 2 - 3 năm đầu hoạt động. Nguồn lực tài chính sẽ là câu chuyện đầu tiên để đặt ra bài toán sinh tồn cho đến thời điểm có lãi sau đó.
DHL eCommerce VN cũng đã công bố dịch vụ giao hàng trong ngày cho khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo chia sẻ của ông Lương Duy Hoài, hạ tầng giao nhận hàng hóa ở VN mới ở thời kỳ đầu với đa phần các giai đoạn được xử lý thủ công. Vì vậy các DN vận tải đều sẽ phải đầu tư mạnh mẽ vào các hạ tầng tự động hóa, các hạ tầng nhà kho chuyên nghiệp, hạ tầng vận tải lớn bao gồm cả hàng không để sẵn sàng tăng tốc. Ví dụ bản thân Giao hàng nhanh trong năm 2018 - 2021, đặt mục tiêu sẽ đầu tư 30 triệu USD để triển khai và vận hành 10 trung tâm phân loại hàng tự động, đầu tư vào hạ tầng 300.000 m2 nhà kho và hàng ngàn xe vận tải 2 - 15 tấn vận hành khắp cả nước để sẵn sàng cho giai đoạn cạnh tranh tiếp theo.
Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada E-Logistics, nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ, đầu tư hệ thống như hạ tầng công nghệ… là những điều bắt buộc cho DN ngành này. Những điều đó nhằm để đáp ứng được chất lượng dịch vụ đã cam kết với khách hàng, đặc biệt thời gian giao hàng đến tay người mua với chi phí thấp nhất.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, đánh giá VN là một trong những thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á. Do đó tốc độ phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển giao hàng nhanh sẽ rất lớn. Ước chừng trong vòng từ 5 - 10 năm nữa, giá trị thị trường vận tải hàng hóa trực tuyến tại VN có thể sẽ vào khoảng 10 tỉ USD. Đây là miếng bánh béo bở đối với các DN Việt nhưng nếu không có sự chuẩn bị rõ ràng, thị trường này sẽ lại đi theo vết xe đổ của ngành logistics, để DN ngoại bành trướng và chiếm tới hơn 60% thị phần hiện nay. “Để tận dụng tối đa nguồn lực của các DN trong nước, cần bản thân vận động thay đổi tư duy, nhận thức, chiến lược, phát triển liên tục không ngừng về công nghệ của mỗi DN. Đồng thời cần sự hỗ trợ về các chính sách, hạ tầng từ phía nhà nước”, ông đề xuất.