Steven Spielberg là người đã thay đổi bức tranh dòng phim thương mại. Nhìn vào sự nghiệp làm phim của Steven Spielberg, ta có thể thấy cách tiếp cận “truyền thống” của nhà làm phim này đối với điện ảnh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về mặt kỹ thuật trong ngành, đồng thời còn tạo ra một chuẩn mực cho các nhà làm phim khác như Christopher Nolan, Peter Jackson.
Rất khó để làm ra một bộ phim có khả năng chạm đến hàng triệu người, bởi vì chúng ta không cùng chung một thế giới quan và đôi khi để đổi lấy việc được số đông chấp nhận ta phải chịu hy sinh những ý tưởng của mình. Cùng tham khảo những bài học thú vị cũng như những câu chuyện hay ho xung quanh nhà làm phim bậc thầy Steven Spielberg mà thecinemaholic đã tổng hợp.
Điều này thật đau lòng và đi ngược lại với mục đích của nghệ thuật. Nhiều người thường tranh cãi xoay quanh những bộ phim đơn giản nhưng được thể hiện theo một cách khoa trương tốn kém của ông. Tuy nhiên, khi thật sự nghĩ về nó, không thể không đồng ý rằng tất cả chúng đều sản phẩm của trí tưởng tượng và tạo ra những điều kỳ diệu chính là động lực duy nhất của Spielberg.
Với tư cách là một nhà làm phim trẻ, bạn không nên quá băn khoăn về việc bộ phim của mình thuộc dòng phim nghệ thuật hay thương mại. Điều quan trọng là bạn đã sáng tạo ra một điều gì đó có thể tương tác với mọi người bằng hình ảnh và bạn nên phấn đấu theo đuổi sự nguyên bản của ý tưởng chứ không phải lo lắng về thể loại hay dòng phim. Steven Spielberg xứng đáng là hình mẫu lý tưởng cho các nhà làm phim trẻ và dưới đây là 6 bài học hữu ích của ông dành cho các đạo diễn tương lai.
6. Đừng chỉ mơ đến bộ phim của mình, hãy tạo ra nó!
“Công chúng thích tất cả mọi thứ về trí tưởng tượng – những thứ xa rời thực tế 1 cách sáng tạo nhất có thể.”
Người ta thường khuyên những anh chàng biên kịch không nên thẩn thơ quá nhiều, hãy trở lại Kansas và viết những gì có trong đầu anh ta. Với tư cách là một nhà làm phim, bạn cũng nên làm điều tương tự. Hầu hết chúng ta dành một nửa thời gian của mình để mơ về những bộ phim và không bao giờ chịu thoát ra khỏi nó. Trong khi với khoảng thời gian ấy bạn nên để cho máy chạy thì hợp lý hơn. Spielberg từng nói: nếu bạn có một chiếc máy quay, hãy bấm máy; nếu bạn có một ý tưởng, hãy chia sẻ. Một trong những bộ phim yêu thích của tôi hồi bé là “Jurassic Park” và Spielberg thừa nhận rằng ông ấy đã làm nó vì đó là những gì ông ấy luôn mơ ước được xem khi còn là một đứa trẻ. Mặc dù thành công của bộ phim này phần nào dựa vào nguồn kinh phí khổng lồ của nó, nhưng việc Steven Spielberg biến giấc mơ thưở nhỏ thành hiện thực cho ta biết rằng luôn có dấu ấn cá nhân của đạo diễn trong các tác phẩm của mình.
5. Sử dụng kinh phí một cách hiệu quả nhất
“Tại sao phải trả 1 Đô la cho một cái dấu trang? Sao không sử dụng tờ Đô đó để làm dấu trang?”
Một nghệ sĩ đích thực biến cách biến những rào cản thành tiền đề sáng tạo, và kinh phí làm phim chính là một trong những rào cản khiến cho rất nhiều nhà làm phim phải đau đầu. Hãy lấy bộ phim đầu tay của Spielberg “Duel” làm ví dụ. Ông dùng 2 công cụ chính – một chiếc xe hơi và một chiếc xe tải – để tạo ra những cảnh phim hồi hộp ở mức độ cao chỉ sau “Jaws”. Thay vì phải quay một trường đoạn hành động hoành tráng và tốn kém, ông đã linh hoạt sử dụng sự tương phản giữa cảnh cận và cảnh toàn để nhấn mạnh tính chất căng thẳng của trường đoạn. Spielberg tập trung rất nhiều vào kỹ thuật quay phim trong những năm đầu sự nghiệp của ông, ví dụ như trong phim “The Sugerland Express” và “Jaws”; điều này rất quan trọng vì nó giúp tiết kiệm chi phí và nhất là khi không phải lúc nào ta cũng có thể có được những điều mình yêu cầu. Đừng bao giờ để kinh phí là lý do bạn từ bỏ dự án của chính mình.
4. Không cần thiết lúc nào cũng ổn định
“Chúng ta là những người khác nhau qua mỗi năm. Tôi không nghĩ chúng ta có thể sống suốt một đời mà không bao giờ thay đổi.”
Đừng vì sự ổn định mà tạo áp lực lên bản thân. Hãy cố gắng khám phá càng nhiều càng tốt, và đừng bao giờ dằn vặt bản thân bởi câu hỏi đúng sai. Một ví dụ cụ thể là bộ phim “Minority Report” của Spielberg không được giới phê bình đánh giá cao. Ông ấy có một ý tưởng và ông ấy thực hiện nó, không quan tâm đến việc giới phê bình sẽ nói gì. Ông ấy sau đó làm “Munich”, và sẽ không quá khi nói rằng đây là một trong những bộ phim hay nhất của thế kỷ. Spielberg là một đạo diễn đã đủ vững vàng để chia sẻ những ý tưởng của mình và không bao giờ thối lui chỉ vì những phản ứng tiêu cực. Với tư cách là một nhà làm phim, bạn đừng để mình lung lay trước những thất bại, thay vào đó hãy học hỏi để cải thiện mình hơn.
3. Sự phụ thuộc vào công nghệ
“Công nghệ có thể là người bạn tốt nhất của chúng ta, và công nghệ cũng có thể là kẻ phá bĩnh lớn nhất trong đời ta. Nó làm gián đoạn câu chuyện của ta, gián đoạn khả năng suy nghĩ và mơ mộng của ta, sự mơ mộng về những điều kỳ diệu, bởi vì chúng ta đã quá bận rộn trên con đường từ quán café về văn phòng với một chiếc điện thoại trên tay.”
Tôi không phải là một fan của công nghệ CGI, và tin rằng nó nên là điều cuối cùng mà một nhà làm phim nhớ đến. Với “The Adventures of Tintin”, Spielberg đã vô cùng xuất sắc khi biến một câu chuyện trong truyện tranh thành một bộ phim hoạt hình. Chúng ta thấy có nhiều bộ phim live-action được chuyển thể từ truyện tranh và hoạt hình, nhưng phần lớn chúng thất bại ở phần quan trọng nhất: sự kỳ ảo. Bằng cách làm phim hoạt hình, Spielberg đã tạo ra một phiên bản ảo diệu hơn so với đời thực và từ đó cho phép ông làm được những điều mà live-action không làm được.
2. Câu chuyện tạo ra bộ phim
“Mọi người đã quên cách kể một câu chuyện như thế nào. Những câu chuyện giờ đây không còn phần giữa và phần kết nữa. Chúng thường có một phần mở đầu, một phần mở đầu không bao giờ chấm dứt.”
Spielberg là một trong số ít những đạo diễn đã thử qua tất cả các thể loại nhưng vẫn luôn trung thành với cấu trúc kịch bản 3 hồi. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có một ý tưởng không phù hợp hoặc là một câu chuyện có cấu trúc quá tệ – chỉ có phần mở đầu và kết thúc, còn phần giữa tồn tại chỉ để nối 2 phần đầu và cuối lại với nhau. Có một điểm đáng trân trọng trong những câu chuyện của Steven Spielberg đó là: cho dù phần đầu hay phần cuối có hay ho, hoành tráng như thế nào đi chăng nữa, điều thật sự giá trị vẫn nằm ở phần giữa của kịch bản. Ông ấy dành thời gian để xây dựng nhân vật, kết nối các nhân vật với nhau và thông qua mối quan hệ đó chúng ta thấy nhân vật phát triển. Đó chính là lý do khiến câu nói trong “E.T” – “Tôi sẽ ở ngay đây” – trở nên thật cảm xúc.
1. Tinh thần đồng đội
“Hồi tôi còn là một đứa trẻ, không có một sự hợp tác nào cả; chỉ có bạn với chiếc máy quay trên tay và ra lệnh cho lũ nhóc chạy loanh quanh. Nhưng khi đã trưởng thành, làm phim chính là khi ta biết trân trọng tài năng của những người xung quanh bạn và nhận thức được rằng bạn sẽ không bao giờ làm được những tác phẩm này nếu chỉ có một mình.”
Công việc quan trọng nhất của một đạo diễn là gắn kết tất cả mẩu trên phim trường và ý tôi không phải đang nói đến một con khủng long T-rexes máy hay một chiếc máy bay chiến đấu mà các mẫu đó chính là diễn viên, quay phim, người đóng thế, kỹ thuật âm thanh, hay nhân viên kỹ xảo. Nhiệm vụ của một người đạo diễn là phải trân trọng từng thành viên và khả năng của họ để họ có thể phát huy hết sở trường của mình. Spielberg từng đạo diễn nhiều bộ phim với kinh phí cao, nhưng câu nói “kinh phí càng cao, tự do càng nhiều” là một câu nói rất dễ gây hiểu lầm. Dĩ nhiên, nó sẽ cho bạn những công cụ để thể hiện ý tưởng của mình, nhưng bạn phải hiểu rằng đạo diễn không phải là người trực tiếp làm những công việc cụ thể. Anh ta phải giữ vững tầm nhìn và điều hành mọi người một cách hiệu quả để họ làm điều đó cho anh ta. Cũng giống như một kiến trúc sư, người đạo diễn sẽ mô tả một bản phác thảo, ngoại trừ việc ở đây sẽ không có bút chì và giấy. Trong làm phim, sự hỗ trợ lẫn nhau là vô cùng quan trọng.