Mới đây, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đề xuất áp thuế hoặc phạt tiền ở mức 45% của phần tài sản, thu nhập tăng thêm mà “không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc” của cán bộ Nhà nước.
Có ý kiến người dân cho rằng đã là “tài sản bất minh” tức là do tham ô tham nhũng mà có, nên học tập cách làm của các nước khác là thu hồi toàn bộ, sung công quỹ.
Lại có người lo ngại rằng: “Nếu họ mua vàng cất rồi từ từ xài thì sao?”
Nhìn chung, người dân đều muốn quan chức trong sạch, trừng trị nghiêm những kẻ cậy chức cậy quyền thu lợi bất chính. Công quỹ không phải từ trên trơi rơi xuống, đó là tiền mồ hôi xương máu của nhân dân.
Việc kê khai tài sản, thu nhập là một cách nhằm phát hiện những nguồn tiền bất chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kê khai này còn hình thức, hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do việc kê khai chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình khoảng hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập.
Như vậy, khi không có ai kiểm soát, phát hiện thì những khối tài sản bất minh này không có cách nào ngăn chặn, xử lý. Những cuộc thảo luận, ý kiến, suy nghĩ biện pháp, v.v. dường như đều “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, không cách nào giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng.
***
Kỳ thực, làm người là có tiêu chuẩn làm người, làm quan chức cũng có tiêu chuẩn quan chức. Tiêu chuẩn này không phải do pháp luật đặt ra, vì pháp luật mỗi nơi mỗi thời mỗi khác, mà là quy phạm đạo đức đặt định từ xa xưa, thiếu nó thì xã hội đã sớm hỗn loạn, con người cấu xé lẫn nhau không khác gì cầm thú.
Vì tự bản thân mỗi người ước thúc chính mình trong giới hạn đạo đức đó, nên không ai phạm vào điều ác, điều gian. Ngay cả ở chốn không người, không có ai giám sát tra hỏi, họ vẫn có thể hành xử ngay chính.
Thời nhà Hán có một vị quan tên là Dương Chấn. Dương Chấn từng tiến cử Vương Mật ra làm quan. Một lần, ông đi ngang qua đất Xương Ấp là nơi Vương Mật cai trị. Nhớ ơn đề bạt ngày xưa, Vương Mật xin đến yết kiến rồi đêm khuya đem vàng đến dâng Dương Chấn. Thế nhưng Dương Chấn từ chối và nói rằng:
– Trước kia biết ông là người khá, tôi mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa rõ bụng, còn đem vàng cho tôi?
Vương Mật cố nài ép, thưa:
– Xin Ngài nhận cho. Đêm khuya không ai biết.
Dương Chấn đáp:
– Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao gọi rằng không ai biết?
Vương Mật nghe nói xấu hổ bưng vàng lui ra.
Vậy đã rõ. Ngoài người đưa và nhận hối lộ ra, còn có Trời biết, đất biết. Người làm quan thu lợi bất chính, còn mặt mũi nào đứng giữa Trời đất đây? Cổ nhân tín ngưỡng vào Thần, tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”, mọi hành vi thiện ác đều không qua khỏi ánh mắt thiên thần, nên làm gì cũng cân nhắc thận trọng, sao cho không thẹn với Trời. Vả lại, quy luật thiện ác hữu báo không chừa một ai, ngày nay bòn rút của dân, ngày sau ắt nếm mùi đói khổ.
***
Thế nhưng…
Nhiều người hôm nay đã không còn tin Thần nữa, cũng không tin nhân quả báo ứng nữa rồi. Tín ngưỡng Thần Phật vốn duy trì đạo đức dân tộc mấy nghìn năm qua, nay bị coi là “mê tín”. Cái gì không nhìn thấy thì không tin. Nên mới vì lợi quên nghĩa, “chê kẻ nghèo hèn không chê phường kỹ nữ”.
Khi mà người ta không còn đạo đức tín ngưỡng ước thúc, thì việc gì cũng dám làm. Pháp luật có hoàn thiện đến đâu cũng không thể quản được tâm người, khi không có ai giám sát, trừng trị thì họ vẫn thích gì làm nấy. Nào là kê khai tài sản, nào là thanh toán qua tài khoản ngân hàng, tất cả cũng chỉ là biện pháp bề mặt. Muốn triệt để tiêu trừ tham nhũng, chỉ có chính lại tâm người, cứu vãn đạo đức con người mà thôi.
Ngân Hà
Có thể bạn quan tâm: