Tỷ lệ số tiền mà công ty công nghệ Mỹ dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) so với tổng doanh thu chỉ bằng một nửa đối thủ.
Nhà phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein cho biết năm ngoái Apple đã chi 12,7 tỷ USD vào R&D. Con số này cao hơn số tiền mà họ đầu tư vào các sản phẩm mới trong giai đoạn 1998-2011, khoảng thời gian hãng giới thiệu iPhone, iPad và iPod. Tuy nhiên, xét trên quy mô và sự phát triển của Apple thì công ty có thể gặp phải sai lầm trong việc chi tiêu cho tương lai.
Cụ thể, Sacconaghi nói rằng hãng công nghệ cao này chỉ dành 2% dòng tiền tự do cho R&D, trong khi các công ty cùng ngành là 25%. Dòng tiền tự do được hiểu là số tiền mặt doanh nghiệp tạo ra sau khi để lại một phần cho việc duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ % trên cho thấy Apple không đầu tư nhiều bằng đối thủ cạnh tranh.
Cố CEO Apple Steve Jobs giới thiệu mẫu iPhone mới.
Các nhà phân tích cũng cho biết Apple chỉ dành 5,1% doanh thu của mình cho R&D, trong khi chi tiêu của các công ty công nghệ khác là 10%. Sacconaghi tin rằng nhà sản xuất iPhone phải tăng gấp đôi số tiền cho việc nghiên cứu và phát triển để phù hợp với tỷ lệ doanh thu của mình, nhằm tiếp tục duy trì khoảng cách với đối thủ.
Ngoài ra, Apple là nhà sản xuất có doanh thu lớn nhất trong số 10 công ty công nghệ hàng đầu Mỹ xét theo vốn hoá thị trường. Tuy nhiên, hãng chỉ xếp thứ sáu trong số 10 doanh nghiệp chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. "Tăng tiền cho R&D có thể giúp tạo ra các sản phẩm mới", Sacconaghi cho biết.
Apple bị cho là mất phương hướng trong việc đổi mới vào giai đoạn 2012-2013. Sau đó, công ty giới thiệu các sản phẩm mới như Apple Watch, AirPods và HomePod. Hãng vươn lên trở thành nhà sản xuất đồng hồ thông minh lớn nhất thế giới nhưng không có sản phẩm nào trong số trên có tác động lớn tới người dùng toàn cầu như từng làm trước đây với iPod, iPhone và iPad.