Có người cho rằng, chỉ có những cô giáo không yêu nghề mới đánh mắng trẻ. Thiết nghĩ dẫu là ai, làm nghề gì thì trước tiên cũng cần phải “làm người”, mà “làm người” đứng đầu lại là chữ Nhân.
Những đứa trẻ ngộ nghĩnh đáng yêu với đôi mắt trong veo, khuôn mặt bầu bĩnh và nụ cười giòn tan thường làm tan chảy triệu triệu trái tim con người. Trẻ em như những chồi biếc mới nhú, còn đang ngơ ngác trước vạn vật trên đời. Chúng sinh ra là được yêu thương và chở che. Ấy vậy mà, đâu đó vẫn có những cảnh “bạo hành trẻ em” diễn ra khiến chúng ta đau lòng.
Loài vật, cây cối còn biết sống nhân ái huống chi là con người
Peter Wohlleben có biệt biệt danh là “người hiểu ngôn ngữ của cây cối”. Ông là chuyên gia lâm nghiệp người Đức và là tác giả của cuốn “The Hidden Life of Trees” (Cuộc sống bí ẩn của cây cối), một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Ông tiết lộ: “Cây cối thường làm bạn với nhau. Ta thấy các tán cây dày thường không che lên các cây khác vì chúng không muốn chặn ánh sáng của bạn bè”. Vậy nên nếu đứng từ mặt đất mà nhìn chúng ta sẽ thấy những đường biên rõ nét giữa các tán lá, trông hệt như những khe nứt hay dòng sông uốn lượn trên bầu trời.
Hay một vài quan sát khá thú vị của các nhà khoa học cũng cho chúng ta thấy được sự “nhường nhịn” và quy tắc “không chấp kẻ yếu” của các loài động vật sống trong thế giới hoang dã. Khi hai con sư tử đánh nhau, chỉ cần một bên vươn cổ sang phía địch thủ, thì đối phương biết rằng đây là tín hiệu của sự “khuất phục”. Ngay tập tức chú sư tử còn lại sẽ áp dụng thái độ “nhượng bộ” bằng cách ngừng tấn công. Hay như khi hai con chó đang cắn nhau, chỉ cần một con nằm lăn ra đất, ngửa bụng lên trời, tỏ vẻ “bái phục chịu thua” thì trận tranh hơn thua này sẽ kết thúc.

Ấy vậy mà, trong một clip cô giáo “nuôi dạy trẻ” tát tới tấp vào mặt trẻ trong giờ ăn khiến đứa bé hoảng sợ bỏ chạy nhưng cô vẫn kéo lại và tiếp tục “ra tay”. Phải đợi đến khi một cô giáo khác xuất hiện bế em vào lòng, em mới thoát nạn. Hay một cảnh tượng hãi hùng khác khi hai tay cô giáo túm chặt lấy đầu đứa trẻ mà đánh mà đấm, trong khi hai chân đứa trẻ để thõng lơ lửng giữa không trung. Còn nhiều hành vi ngược đãi đáng buồn hơn vẫn diễn ra đâu đó trong cuộc sống.
Dẫu là ai, làm nghề gì thì trước tiên cũng cần phải “làm người”, mà “làm người” đứng đầu là chữ Nhân
Đức Khổng Tử dạy rằng: “Nhân giả ái nhân” (Người nhân từ sẽ yêu thương con người). Theo giải thích của Khổng Tử, “Nhân 仁” chính là yêu thương con người, mà biểu hiện cụ thể là lòng trắc ẩn, chăm sóc, chở che cho những người yếu ớt, kém may mắn hơn mình.
Chúng ta có thể thấy được sự nhân hậu ấy từ cô Lu Lijing, một phụ nữ sống tại Bắc Kinh. Cô đã dành 12 năm bền bỉ trên chuyến hành trình mang tình thương, sự ấm áp đến với những em bé thiệt thòi. Mặc dù độc thân, nhưng cô đã tự tay chăm sóc cho 2000 đứa trẻ xa lạ. Trên con đường gian nan, đầy rẫy khó khăn ấy, những đôi mắt trong trẻo, nụ cười thơ ngây và khát vọng của những đứa trẻ đã nhen lên ngọn lửa yêu thương trong trái tim cô. Cô hiện đang là người sáng lập một tổ chức phi chính phủ có tên “Những giọt sương rơi trên hoa nhỏ”. Tổ chức của Lijing cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho các trẻ em mồ côi.

Trẻ em ngây thơ và thuần khiết như những thiên sứ, chúng sinh ra để yêu thương và đáng được yêu thương. Đặc biệt là những năm tháng đầu đời thường quyết định sự hình thành tính cách và quan niệm của trẻ về thế giới tương lai. Thiết nghĩ chỉ vì tức giận hay mệt mỏi mà đánh đập, mắng mỏ những em bé non nớt không có khả năng phòng vệ ấy thì thật đáng hổ thẹn.
Lẽ nào bài học đầu tiên của trẻ lại là những ký ức hãi hùng như vậy? Điều này rất dễ dẫn đến sự phát triển lệch lạc về nhân cách của trẻ sau này, khi quen giải quyết mọi chuyện bằng việc mắng mỏ và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Có người cho rằng, những cô giáo ấy không yêu nghề nên mới đánh mắng trẻ “mạnh tay” như vậy. Thiết nghĩ dẫu là ai, làm nghề gì thì trước tiên cũng cần phải “làm người”, mà “làm người” đứng đầu lại là chữ Nhân (nhân từ).
Mạnh Tử cũng có câu: “Phi trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã”, nghĩa là “Không có lòng trắc ẩn đâu phải con người”. Chúng ta có thể thấy rằng lòng nhân ái chính là nền tảng cơ bản của đạo làm người. Một người mà ngay cả lòng nhân từ và đạo làm người cơ bản cũng không có thì sao có thể xứng đáng đứng vào hàng ngũ những người “ươm mầm hạt giống tâm hồn” cho trẻ?
Không tin nhân quả, không kính ngưỡng Thần Phật là cội nguồn của mọi hành vi bất hảo
Những người hữu Thần đều tin rằng: “Trên đầu ba tấc có thần linh”, “Người dẫu thì thầm Trời nghe như sấm”. Vì biết kính ngưỡng các vị Thần, vì biết nể sợ luật trời “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo” nên dẫu làm gì, nghĩ gì những người hữu thần cũng biết tự tu dưỡng và ước thúc bản thân. Hoặc chí ít thì họ cũng làm như lời Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác).
Giữa bốn bức tường kín mít có thể không ai nghe thấy tiếng khóc vì đau đớn của trẻ thơ, cũng có thể không có một chiếc camera nào quay lại cảnh tượng lúc đó. Nhưng từng suy nghĩ, nhất cử nhất động của con người lại đều được ghi chép rất chi tiết trong cuốn sổ Nam Tào, nơi phán xử công và tội khi con người nhắm mắt lìa đời.

Trái Đất chỉ như một hạt bụi lơ lửng giữa hệ ngân hà vĩ đại và vũ trụ bao la. Những điều chúng ta biết chỉ “như muối bỏ bể”. Những điều nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta lại quá nhiều. Dẫu tin hay không thì sự tồn tại của những sinh mệnh cao cấp trong các tầng không gian vũ trụ vô biên này hoàn toàn không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chúng ta.
Niềm tin chân chính ấy còn giúp bạn kiềm chế được những nét tính cách khó chịu trong con người mình. Khi con người biết tu sửa bản thân theo chính đạo, họ sẽ biết cách chung sống hòa hợp với những người xung quanh và trở thành một người có ích.
Ngược lại nếu là những kẻ vô Thần vô Thánh, không sợ trời, chẳng sợ đất thì họ sẽ chẳng chút ngại ngần, sợ hãi khi làm điều xấu, điều ác. Họ sẵn sàng đánh đập, mắng mỏ những người yếu thế theo kiểu “quần ngư tranh thực”, “cá lớn nuốt cá bé” vậy. Họ có thể “mạnh tay” với cả những đứa trẻ bé bỏng, tội nghiệp không chút khả năng tự vệ như chúng ta đang thấy.
Dẫu ở vào thời nào thế nào thì những giá trị đạo đức truyền thống và niềm tôn kính với Thần Phật vẫn là điều vô cùng cốt yếu. Điều ấy đảm bảo cho xã hội vận hành và phát triển lành mạnh, cho cuộc sống được bình yên và tràn đầy yêu thương, hạnh phúc.
Người lớn sẽ cứ già đi từng ngày, trẻ nhỏ cũng sẽ lớn lên từng ngày. Lớp lớp, lớp lớp các thiên thần bé nhỏ cứ sinh ra, trưởng thành và nắm lấy cương vị chủ nhân tương lai của đất nước. Vậy nên qua đây xin được tha thiết nhắn nhủ với những giáo viên mầm non rằng: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, xin được nhắc ngàn lần hơn thế!”.
Đỗ Quyên
Có thể bạn quan tâm: