Do bạn bè thách đố, một bé trai 11 tuổi ở Nghệ An đã uống hơn 1 lít rượu khiến não bị tổn thương, rối loạn ý thức, hôn mê li bì và sốt cao 39 độ. Hiện cậu bé vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy hiểm…
Vụ tai nạn cho thấy mức độ lạm dụng bia rượu ở nước ta đã đến mức báo động đỏ, tác hại của vấn nạn rượu bia đã hiển hiện khắp nơi và khắp các tầng lớp xã hội, đủ các lứa tuổi và thành phần: già trẻ trai gái, nghiêm trọng hơn là tác động của nó đối với trẻ vị thành niên, những chủ nhân tương lai của đất nước đã sớm bị rượu bia hủy hoại từ rất sớm khi chưa đủ trí lực nhận biết đúng sai, tốt xấu, thậm chí là chưa đủ cả thể lực để chống chọi với độc tố của rượu bia.
Việc gì cũng uống
Các quán nhậu mọc lên ở khắp mọi nơi: từ các ngóc ngách hang cùng ngõ hẻm, đến nơi đường phố đông vui, từ các nhà hàng sang trọng đến các quán nhậu bình dân, rồi tràn ra vỉa hè ven đường, khu sân chơi, bên bờ sông, bờ hồ… nơi nơi gặp quán nhậu, người người ăn nhậu, nhà nhà ăn nhậu…
Xưa chỉ thấy cánh mày râu uống rượu bia, thể hiện khí phách đàn ông “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Giờ đây thì già trẻ trai gái đều uống tất, các chị em xưa kia vốn được coi là yểu điệu thục nữ, chân yếu tay mềm thì nay trong cuộc rượu cũng xuất hiện nhiều “cao thủ nữ nhân” tửu lượng cao chót vót khiến bao đấng nam tử mày râu cũng phải chịu thúc thủ trước tửu lượng kinh hồn của các cô, các chị, các em. Có lẽ đây là một trong những biểu hiện ứng với thời kỳ mà Đạo gia gọi là: “âm dương đảo chiều”, “âm thịnh dương suy”.
Rượu bia đã bị lạm dụng bừa bãi, gặp đâu cũng uống, gặp ai cũng uống, vui uống, buồn uống, có người yêu cũng uống, mà thất tình uống, thi đỗ uống, thi trượt cũng uống, sinh con uống, ma chay hiếu hỉ cũng uống, lễ chạp uống, đầu tháng uống, cuối tháng uống, vận hên uống, vận xui cũng uống, thăng chức uống, kỷ luật cũng uống, lên lương uống, phạt thưởng cũng uống… uống, uống, uống… Lúc nào, việc gì, ở đâu, người người đều tìm được lý do để uống!
Hiện nay nếu bạn muốn tìm một quán rượu thanh tao yên tĩnh để bằng hữu tri kỷ dốc bầu tâm sự, hoặc đàm đạo văn chương để vui cái thú tao nhân mặc khách để hoài cổ về vốn văn hóa truyền thống khi xưa thì có lẽ chẳng thể tìm được. Các quán nhậu ngày nay ồn ào, náo nhiệt, xô bồ, quay quắt… chỉ có người nói mà không có người nghe. Sau vài chén “lê tê phê” là tai ù mắt hoa, người nọ hét vào tai người kia, đâu còn không gian yên tĩnh để mà trò chuyện tâm tình nữa.
Rượu say rồi, bạn bè chiến hữu từ chỗ thân tình chuyển sang đấu khẩu, nhiều trường hợp còn xảy ra xô xát, ẩu đả, từ bạn thành thù, nhiều trường hợp gây thương tích, thậm chí mất mạng cũng chỉ bởi vài câu nói say trong bữa nhậu. Quả là “Tửu nhập tâm như hổ nhập tâm”, uống nhiều rượu vào rồi thì không là người thường nữa mà đã giống như mãnh hổ, chỉ chực giáp đấu, hơn thua, thắng bại… thôi thì đủ cả!
Kéo theo vấn nạn rượu bia là các tệ nạn mà nó hoặc là trực tiếp hay gián tiếp gây ra; hoặc là có nguyên nhân liên quan, liên đới như: phóng nhanh vượt ẩu, đánh võng đua xe, cãi nhau đánh lộn, trộm cắp cướp giật, giết người đoạt mạng, ma túy mãi dâm, hiếp dâm…. cũng theo đó mà không ngừng tăng theo. Vấn đề đã trở nên vô cùng đáng sợ.
Tự khi nào con người đã lấy rượu để giải sầu, lấy rượu làm niềm vui, lấy men say của rượu để kích thích cuộc sống mà họ cho là “chán ngắt vô vị” này để đến hơi thở cũng mang mùi tiền bạc, danh lợi, sắc tình… giống như Tản Đà đã từng than thở:
“Cảnh đời gió gió mưa mưa Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn”…
Văn hóa uống rượu xưa
Xưa các bậc tao nhân mặc khách, các nho sỹ quan lại, tầng lớp quý tộc phong lưu, khi gặp nhau chuyện trò đàm đạo đều không thể thiếu được rượu, họ coi rượu như một chất xúc tác, là men say cho tình bằng hữu giao hảo và sự thăng hoa về tâm hồn… chẳng thế mà Đỗ Phủ đã từng ca tụng cái cốt cách, phong thái uống rượu làm thơ của người bạn tri kỷ là Lý Bạch khi hai người đối ẩm như sau:
“Trốn thiền khi rượu đã say, Lý Bạch một đấu thơ ngay trăm bài”…
Ngay cả khi độc ẩm Tô Đông Pha cũng viết:
“Vầng trăng sáng có tự khi nào Nâng chén rượu lên hỏi trời cao”
Người xưa coi uống rượu là một biểu hiện của văn hóa ứng xử, cổ ngữ nói rằng: “Uống rượu, đó cũng là học vấn, đâu phải chỉ là chuyện ẩm thực”, lại cũng có câu: “Khi say càn khôn lớn, bầu rượu tháng ngày dài”.
Xưa nay kẻ trí đa phần nhận thức thế giới trong tâm cảnh cơn say vừa hết, triệt ngộ nhân sinh, tu luyện phẩm đức bản thân. Uống rượu truy cầu ý cảnh, không thể uống bừa. Sách Thượng thư – tửu cáo viết: “Vô di tửu” (Không uống rượu thường xuyên, bình thường ít uống rượu), “Cấm say sưa” (Cấm uống rượu quá độ). Gió mát trăng thanh, mưa bụi tuyết bay, hoa nở đầy sân, rượu ủ vừa tới, đều là những thời khắc đẹp uống rượu.
Các tao nhân mặc khách mượn rượu để hội ngộ người tri kỷ, mượn chén rượu để cùng vui thú thơ ca, cùng thưởng thức cái đẹp của cuộc đời, của thiên nhiên:
“Khi chén rượu khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”…
(Nguyễn Du)
Mượn rượu để tri âm tri kỷ hàn huyên, đàm đạo, hài hòa cái tình cá nhân với mọi người, uống rượu để trợ vui, uống rượu theo lễ, khắc chế bản thân, có chừng mực. Quy tắc uống rượu xưa là “Tam tước bất thức” mà người xưa uống rượu phải tuân theo. Bậc chính nhân quân tử uống 3 chén là đủ rồi, uống hết 3 chén là tự giác bỏ chén xuống, rút lui khỏi bàn tiệc, 3 chén chính là ý: “Duy tửu vô lượng bất cập loạn” (Uống rượu đủ lượng không để bị loạn tính) mà trong “Luận ngữ – Hương đảng” nói đến, cũng chính là vừa thích hợp, đủ lượng là được rồi.
Cổ nhân hiểu rõ tác dụng cũng như tác hại của rượu, nên biết kiềm chế bản thân, để tận dụng tác dụng của rượu là: giãn gân cốt, tăng cường tuần hoàn máu; tránh tác hại rượu gây ra là: rượu có thể gây loạn tính, thần hồn điên đảo. Do đó người quân tử, trí thức xưa luôn luôn làm chủ được bản thân, mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc vui thú nhất cũng vẫn phải tỉnh táo, thủ lễ, không đánh mất bản thân:
“Uống rượu không say bậc anh hào, Sắc đẹp không mê mới là cao. Tiền tài bất nghĩa thì không lấy, Khẩu khí chẳng sinh mới thanh tao”…
(Tô Đông Pha)
Phật gia có giảng đời người là bể khổ, chìm nổi trong sáu nẻo luân hồi, sống trong mê, chết trong mộng, nào có khác gì kiếp phù du, nên người quân tử xưa đôi khi cũng chỉ là mượn chén rượu cho quên đi nỗi buồn nhân thế, giống như Lý Bạch đã từng viết:
“Sáng tóc như tơ chiều bạc phơ, Nhân sinh đắc ý cứ vui cho, Chớ để chén vàng trơ dưới nguyệt. … Cùng uống tiêu tan vạn cổ sầu’’…
Những con số biết nói: Hậu quả và tác hại khôn lường từ bia rượu
Theo Tổ chức y tế thế giới, có đến gần 200 loại bệnh là từ rượu mà ra. Nó hủy hoại cơ thể con người, gây nên nhiều bệnh nan y, làm suy thoái nòi giống. Phổ biến nhất là các bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tiêu hóa, tâm thần…
Còn theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Mỗi ngày nước ta có 24 người chết và 60 người bị tàn tật suốt đời do tai nạn giao thông. Tính ra mỗi năm có trên dưới 8.000 người chết và chừng 20.000 người bị thương. Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất 40% số nạn nhân tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra. Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì TNGT, trong đó hơn 40% liên quan đến rượu bia.
Tệ nạn rượu bia còn hủy hoại con người, gia đình và xã hội, kéo tụt lùi sự phát triển của đất nước. Năm 2013, cả nước xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, trị giá 2,95 tỷ USD thì “nướng” vào rượu bia 3 tỷ USD. Với 3 tỷ USD để “uống bệnh tật” vào người ấy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chúng ta có thể xây được 60.000 ngôi nhà xã hội, đủ đáp ứng nhu cầu các hộ nghèo mà không phải vận động, quyên góp hoặc chi tiêu từ bất kỳ nguồn ngân quỹ nào hết.
Những con số kể trên cũng chỉ là thống kê lượng rượu bia thương mại do sản xuất trong nước và nhập khẩu, chưa tính đến số lượng rượu bia khổng lồ do nhập lậu trôi nổi và đặc biệt là lượng rượu do người dân tự nấu. Trong khi lượng rượu “quốc lủi” này chiếm đại đa số thị phần rượu tiêu thụ ở các vùng nông thôn, miền núi, nó còn đi đến các nhà hàng, thành phố dưới dạng rượu thuốc, rượu ngâm với đủ loại cỏ cây, côn trùng, rắn rết, chim thú, thậm chí cả bào thai động vật, rễ và hoa quả cây anh túc…
Đó là còn chưa tính đến tác hại của một lượng rượu giả khổng lồ, được các gian thương bất lương pha chế bằng cồn công nghiệp và nước máy. Lượng rượu giả này không những gây thất thoát cơ man nào là tiền của trong nhân dân mà còn gây ra nhiều vụ ngộ độc và cái chết thương tâm cho những người uống rượu.
Như vậy chúng ta đã đốt số tiền lớn hơn nhiều số thóc lúa xuất khẩu của cả hai vựa lúa khổng lồ là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chỉ để chi tiêu cho cái việc tưởng chừng như đơn giản đến mức tầm thường được gọi là: “uống rượu bia”! Lại đốt thêm một số tiền còn lớn hơn nữa cho chăm sóc y tế và giải quyết các vấn đề tai nạn, bệnh tật liên quan đến bia rượu. Cùng với số tiền tổn thất còn lớn hơn nữa vì xã hội mất thời gian và công sức lao động do vấn nạn này mang lại
Với số tiền khổng lồ đó, sẽ giúp được bao nhiêu người dân vùng núi, vùng sâu vùng xa vượt qua cảnh nghèo đói, cơm không đủ no, áo không đủ mặc? và giúp bao nhiêu trẻ em nghèo không có sách vở, quần áo được đến trường? Tình trạng lạm dụng rượu bia một cách bừa bãi, vô độ thiếu kiềm chế, như hiện nay chính là tự mình hại mình, hại người, và làm nghèo đất nước.
Đặc biệt, nhiều phụ huynh không ý thức được tác hại của rượu bia lên hệ thần kinh và nội tạng non nớt của trẻ, nên đã cho trẻ uống. Có người còn nghĩ, uống chút bia tốt cho tiêu hóa, nên đã cho các cháu nhỏ chỉ vài tuổi uống bia. Đây là việc làm nguy hại vô cùng, chẳng những phá hủy sức khỏe của các cháu, mà còn gây ra nhận thức sai lệch cho thế hệ trẻ, khiến các em, các cháu có nhận thức lệch lạc và cho rằng rượu bia là tốt. Có lẽ cũng vì vậy mới nảy sinh ra màn thách đố uống rượu của các cháu bé 10 – 11 tuổi ở Nghệ An.
Để các cháu uống bia rượu là tội lỗi rất lớn của phụ huynh. Theo luật bảo vệ trẻ em, hành vi “dụ dỗ, lôi kéo trẻ em, cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em” sẽ bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng. Những ai bán rượu bia cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em cũng bị xử phạt với số tiền tương tự.
Hy vọng các bậc phụ huynh giành chút thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về tác hại của rượu. Hạn chế tối đa việc uống rượu, còn nếu bỏ được rượu bia là tốt nhất, vừa có ích cho sức khỏe, đảm bảo an toàn giao thông, lại đỡ tốn tiền, và quan trọng hơn là giữ được nhân cách, tránh bị loạn tính, không tạo nên hình ảnh xấu trong con mắt mọi người, đồng thời cũng là làm gương cho cho con em mình. Giáo dục trẻ em, ngàn vạn lời nói, trăm ngàn bài học hay đều không có tác dụng bằng chính bản thân cha mẹ làm mẫu.
Nam Phương
Có thể bạn quan tâm: