Pháp
Học sinh phải tham gia kỳ thi duy nhất để tốt nghiệp trung học và xét tuyển vào đại học, được gọi là Thi tú tài (baccalauréate).
Tú tài Pháp là chứng chỉ tốt nghiệp giáo dục trung học phổ thông, kỹ thuật, hoặc chuyên nghiệp tại Pháp, tương đương với Khung Phân loại Giáo dục Quốc tế ISCED cấp III.
Đạt điểm trung bình (10 trên 20 điểm) là điều kiện cơ bản nhất để được xét tuyển vào các trường đại học tại Pháp. Cho đến đầu thế kỉ XX, danh từ Tú tài chỉ bằng cấp đầu tiên ở bậc đại học (tương đương với bằng Cử nhân ngày nay) và được trao cho thí sinh sau khi đã đậu các bài thi do các giáo sư Khoa Văn và Khoa học tổ chức.
Tương đối giống với bằng A Level của Vương quốc Anh hay bằng Matura tại một số nước Châu Âu, bằng Tú tài Pháp cho phép học sinh Pháp và quốc tế sở hữu một chứng chỉ chuẩn hóa, thông thường ở tuổi 18. Chứng chỉ này sẽ cho phép học sinh bắt đầu làm việc ở một số nghề nhất định, tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục bậc cao, hoặc học tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, nghề.
Hầu hết học sinh hoàn tất trung học phổ thông tại Pháp hay lycée sẽ tham dự kỳ thi này. Tuy nhiên, vì luật định tú tài Pháp là một chứng chỉ đánh giá điều kiện để tiếp tục tại các cơ sở giáo dục bậc cao hơn, do đó, học sinh khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông tại Pháp có quyền không tham dự kỳ thi này.
Tú tài Pháp được chia thành ba phân luồng:
- Baccalauréat général - tú tài phổ thông và được chia thành ba ban (série): Série Littérature - ban Văn (ban L); Série Scientifique - ban Khoa học (ban S); Série Science Économiques et Sociales - ban Kinh tế và Xã hội (ban ES)
- Baccalauréat technologique - tú tài kỹ thuật
- Baccalauréat professionnel - tú tài chuyên nghiệp
Anh
Bậc học phổ thông tại Vương Quốc Anh là 11 năm, học sinh bắt đầu đi học từ 5 tuổi (học mẫu giáo từ 3 tuổi).
Tiểu học 6 năm bắt đầu từ 5 – 11 tuổi. Học sinh học hết tiểu học không thi tốt nghiệp. Trung học 5 năm bắt đầu từ 11 – 16 tuổi. Học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ thi tốt nghiệp GCSE (General Certificate of Secondary Education).
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tuỳ vào nhu cầu và thực lực của mình, học sinh sẽ chọn học đại học hay học nghề. Nếu học sinh chọn học tiếp đại học, các em đăng ký học tiếp A level (chứng chỉ A) hoặc IB (tú tài Quốc tế) gọi là bậc dự bị đại học, chương trình này kéo dài 2 năm (từ 16-19 tuổi). Học sinh nước ngoài còn có thể chọn chương trình tương đương gọi là Dự bị đại học quốc tế (International Foundation), chương trình này thường chỉ 1 năm.
Mỹ
Trong hệ thống giáo dục Mỹ không có những kỳ thi bắt buộc tổ chức trên toàn quốc vào ngày giờ nhất định. Như AP Test (Advanced Placement, các lớp cao cấp) do tiểu bang, hay "Common Core" do sở học chánh địa phương tổ chức thì được lên lịch trong khoảng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, tùy mỗi trường chọn ngày giờ thuận tiện.
Bài thi SAT kiểm tra khả năng học thuật, như một thước đo sát hạch đầu vào. Qua đây đánh giá khả năng suy luận, kỹ năng phân tích và sự nhạy bén trong xử lý tình huống của học sinh. Việc sở hữu một điểm số cao cũng có nghĩa là bạn có ưu thế và cơ hội hơn trong việc đảm bảo vị trí tại một trường đại học danh tiếng.
Bài thi SAT mới bao gồm 2 phần. Một là toán học và phần còn lại là ngôn ngữ. Hình thức thi chủ yếu là thi trắc nghiệm. Phần toán học sẽ bao gồm kiến thức về số học, đại số, hình học, tính toán, xác suất... Trong khi đó, ngôn ngữ sẽ bao gồm các loại câu hỏi như loại suy, hoàn thành câu và đọc hiểu đoạn văn.
Với bài thi tiếng Anh, thí sinh cần phải nắm vững các thuật ngữ thường dùng. Việc này sẽ định hướng cách giải các bài toán nhanh chóng và chính xác trong khoảng thời gian hạn hẹp.
Nhật
Kết quả của kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia diễn ra trong hai ngày giữa tháng 1 hàng năm được các trường đại học công lập và một số trường tư chấp nhận. Có 29 bài thi trong 6 môn học (Toán, Khoa học, Văn học Nhật Bản, Ngoại ngữ, Công dân, Địa lý - Lịch sử).
Thí sinh sẽ chỉ làm những bài thi theo yêu cầu của trường đại học mà họ nộp đơn vào. Các câu hỏi đều dưới dạng trắc nghiệm và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.
Australia
Học sinh muốn tốt nghiệp trung học phải thỏa mãn hai điều kiện: đã hoàn tất thành công chương trình trung học và việc học của họ đã được Cơ quan Phụ trách học trình và thẩm định của Victoria (VCAA) thẩm định qua một kỳ thi cuối năm lớp 12. Kỳ thi này có sáu môn thi cùng với bài kiểm tra thành tích tổng quát (General Achievement Test - GAT), trong đó chỉ có tiếng Anh là môn bắt buộc, năm môn còn lại học sinh được chọn lựa phù hợp với ngành nghề mà họ dự định theo học ở đại học hoặc cao đẳng, và đã được chọn lựa ngay từ lớp 10 hoặc lớp 11.
Chương trình trung học phổ thông (VCE): Dành cho các học sinh có nguyện vọng học tiếp lên đại học. VCE có trên 90 môn học để lựa chọn, trong đó có 42 môn học văn hóa và trên 30 môn thuộc về chương trình giáo dục nghề nghiệp và đào tạo (Vocational Education and Training - VET). Ngoài ra còn có 46 môn ngôn ngữ khác ngoài Anh ngữ (Languages Other Than English - LOTE) để học sinh lựa chọn.
Chương trình trung học phổ thông kết hợp giáo dục nghề nghiệp và đào tạo (VCE-VET): Dành cho những học sinh vừa muốn có chứng chỉ tốt nghiệp trung học VCE (điểm học nghề được tính như các môn học VCE khác) vừa có văn bằng nghề nghiệp được công nhận trên toàn quốc. Văn bằng nghề giúp học sinh có điều kiện theo những chương trình đào tạo nghề cao hơn tại các trường cao đẳng dạy nghề (TAFE) hoặc tăng thêm cơ hội kiếm việc làm khi rời ghế trường phổ thông.
Hàn Quốc
Kỳ thi Đại học ở Hàn Quốc từ lâu đã được biết đến là một trong những kỳ thi áp lực nhất thế giới. Người Hàn Quốc vô cùng coi trọng kỳ thi này, bởi họ quan niệm rằng Đại học sẽ mở ra con đường tương lai xán lạn cho con em mình.
Năm học mới của học sinh Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 12. Học sinh nước này có 2 kì nghỉ là nghỉ hè vào tháng 7, 8 và nghỉ đông vào tháng 1, 2. Thời gian thi Đại học hàng năm ở Hàn Quốc là vào tháng 11 (thường vào khoảng thứ 5 trong tuần thứ 2 của tháng 11).
Học sinh tốt nghiệp cấp 3 cần tham dự kỳ thi cấp quốc gia College Scholastic Aptitude Test (CSAT) kéo dài 8 tiếng đồng hồ, bao gồm các môn: Quốc ngữ, Toán học, Tiếng Anh, các môn khoa học (tối đa 4 môn), các môn xã hội (tối đa 4 môn) và có thể chọn thêm môn ngoại ngữ 2 (tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập hay tiếng Việt). Các bài thi chủ yếu được thiết kế theo dạng trắc nghiệm. Thí sinh đăng ký thi vào các trường nghệ thuật sẽ phải tham gia thi môn năng khiếu.
Kết quả bài thi là căn cứ để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường Đại học trên toàn quốc. Thí sinh sẽ tự lượng sức mình để chọn trường phù hợp. Có rất nhiều trường hợp trượt Đại học không phải do kết quả thi kém, mà là vì chưa chọn đúng trường.