Golden Gate và Redsun được biết đến nhiều nhất hiện nay với gần 30 thương hiệu cùng chuỗi hơn 300 nhà hàng trên cả nước.
Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) hay Công ty Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt trời đỏ (Redsun ITI) là hai đơn vị sở hữu chuỗi nhiều nhà hàng lẩu, nướng, bia tươi nhất hiện nay. Golden Gate sở hữu 17 thương hiệu với những cái tên không mấy xa lạ như Ashima, Hutong, Gogi, Vuvuzela hay Cowboy Jack's. Còn Redsun có 9 thương hiệu, gồm King BBQ, ThaiExpress, Hotpot Story, hay Seoul Garden...
Sở hữu những chuỗi nhà hàng lớn, cả hai đều đặn thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ 32 tỷ đồng, Golden Gate bước vào lĩnh vực dịch vụ ăn uống với chuỗi nhà hàng đầu tiên mang thương hiệu Ashima. Hai năm sau, hai chuỗi nhà hàng mới lần lượt được khai trương là lẩu băng chuyền Kichi-Kichi và Sumo BBQ.
Trong mảng kinh doanh lẩu, nướng, bia tươi thì Golden Gate đang là một trong những công ty lớn nhất với 17 thương hiệu khác nhau.
Tuy nhiên, đà tăng tưởng của công ty này chỉ thực sự đến sau năm 2013 khi Golden Gate thành lập được trung tâm phân phối và chế biến thực phẩm tại khu công nghiệp An Khánh. Đồng thời, công ty cũng mở rộng thêm với một loạt thương hiệu mới, gồm Daruma, Gogi House, 37th Street hay Ba Con Cừu. Doanh thu giai đoạn này của Golden Gate lần đầu vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2012.
Những năm sau đó, nhiều mô hình mới (concept) được công ty này đưa ra thị trường, từ những chuỗi bia tươi như Vuvuzela hay City Beer Station cho đến Western Concept như Cowboy Jack's. Doanh thu của Golden Gate nhảy vọt lên 1.200 tỷ vào năm 2014 và gấp gần ba lần (hơn 3.300 tỷ) vào năm 2017.
Đối trọng với Golden Gate trên thị trường chuỗi nhà hàng lẩu, nướng là Redsun. Được thành lập năm 2008, Công ty Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt trời đỏ (Redsun ITI) hiện có hơn 10 thương hiệu ẩm thực, với một số cái tên không kém nổi tiếng như Seoul Garden, ThaiExpress, King BBQ, Sushi Kei hay Hotpot Story. Nếu Golden Gate cuối năm 2017 có 227 nhà hàng thì toàn hệ thống của Redsun cũng có hơn 140 nhà hàng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả thực tế thì Redsun có phần thua kém so với ông chủ của chuỗi Vuvuzela. Theo số liệu của VIRAC, năm 2016, doanh thu của công ty này mới đạt hơn 360 tỷ đồng với mức lợi nhuận không đáng kể.
Trong các chuỗi của Redsun, ngoài King BBQ hay ThaiExpress khá nổi tiếng trên thị trường, những chuỗi còn lại vẫn còn khá khiêm tốn. Riêng quy mô của chuỗi King BBQ bao gồm cả nhượng quyền đã chiếm hơn một nửa trên tổng số nhà hàng của Redsun. Trong khi đó, quy mô của Golden Gate mang tính đồng đều hơn khi đánh vào nhiều phân khúc ẩm thực.
Mang đặc trưng là mô hình dịch vụ ăn uống nhưng thực tế, khoản chi lớn nhất mà khách hàng trả cho việc sử dụng dịch vụ tại các chuỗi này lại không phải là chi phí nguyên liệu thực phẩm sử dụng.
Biên lợi nhuận gộp của Golden Gate năm 2017 lên tới 62%, hay nói cách khác, trong 100 đồng trả cho dịch vụ tại những nhà hàng này chỉ có 38 đồng cho chi phí nguyên liệu. Còn các khoản chi phí bằng tiền khác chiếm hơn 40% tổng doanh thu, quá nửa trong số này là chi phí nhân viên và thuê mặt bằng.
Dù vậy, vẫn có một điểm khá tương đồng giữa hai chuỗi nhà hàng này là cơ cấu cổ đông và thành viên sáng lập. Dù hoạt động với nhiều phong cách ẩm thực khác nhau từ Nhật, Hàn, Thái Lan, Mỹ, nhưng thực tế những người chủ của hai chuỗi này đều là người Việt.
Theo biên bản phiên họp thường niên 2018, Đại hội đồng cổ đông của Golden Gate được tổ chức với 5 thành viên tham gia, đại diện cho 4 cổ đông chính là ông Đào Thế Vinh, ông Trần Việt Trung, ông Nguyễn Xuân Tường và Công ty cổ phần Golden Gate Partners.
Tuy nhiên, biên bản họp mới đây cũng nhắc tới việc 4 cổ đông lớn nhất của Golden Gate đã cầm cố hơn 2,6 triệu cổ phần (tương đương 41,8% vốn điều lệ) của doanh nghiệp này cho Yellow Star Investment.
Trước đó, báo cáo tài chính năm 2015 của Golden Gate cho biết, 4 cổ đông lớn nhất đang chi phối 99,1% vốn điều lệ của công ty gồm Công ty cổ phần Golden Gate Partners (54,4%) và 3 cổ đông cá nhân là Đào Thế Vinh (13,86%), Trần Việt Trung (15,56%), Nguyễn Xuân Tường (15,28%).
Kinh doanh chuỗi nhà hàng mang lại biên lợi nhuận gộp hơn 60%.
Với Redsun, doanh nghiệp này mới tăng vốn từ 70 tỷ lên 150 tỷ vào cuối tháng 1/2018. Trong đó, cổ đông lớn nhất là bà Phan Thị Kim Chi sở hữu 52,58%. Bà Chi hiện cũng đồng thời là tổng giám đốc của chuỗi này. Hai cổ đông sáng lập khác là Phạm Cao Vinh và Lê Vũ Minh với sở hữu lần lượt 16,18% và 22,24%. Tổng sở hữu của cả ba chiếm 91% vốn của Redsun.
Đến cuối năm 2017, Golden Gate này có tổng tài sản 1.458 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức khiêm tốn gần 64 tỷ. Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), lợi nhuận chưa phân phối đến cuối 2016 của công ty này đạt 511 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn.
Với quy mô có phần khiêm tốn hơn, tổng tài sản của Redsun mới đạt hơn 360 tỷ đồng, bằng khoảng một phần tư so với Golden Gate. Trong đó vốn chủ sở hữu chỉ hơn 37 tỷ, chủ yếu do công ty này tăng vốn bù lại phần lỗ lũy kế trước đó.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018 mới được công bố, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu hơn 4.400 tỷ đồng với kỳ vọng mở thêm 89 nhà hàng (36 nhà hàng ở khu vực miền Bắc và 53 ở khu vực miền Nam). Trong đó Golden Gate chủ yếu tập trung vào 3 thương hiệu Kichi-Kichi, Gogi và Hutong.