Não bộ của chúng ta kỳ diệu lắm. Nó cho phép chúng ta làm được những chuyện không tưởng, nhưng đồng thời những hành động tưởng như cực kỳ đơn giản thì lại không làm nổi.
Hành động dưới đây là một ví dụ. Thử xem nhé:
- Đầu tiên, giơ hai tay lên trước mặt.
- Tay trái giơ ngón trỏ, chỉ lên trên, tay phải giơ ngón cái, hướng về phía trước.
- Sau 2 - 3s, đổi tay: tay phải giơ ngón trỏ, tay trái giơ ngón cái.
- Cứ đổi như vậy với tốc độ ngày càng nhanh. Tốc độ yêu cầu là đổi liên tục, mỗi lần 1s.
Bạn có làm được không? Nếu được, bạn có tố chất trở thành một tay trống điêu luyện, hoặc chỉ cần qua luyện tập là làm xiếc tung hứng được. Thậm chí, bạn có thể thuộc vào nhóm cực kỳ ít người có khả năng sử dụng linh hoạt cả hai tay cùng một lúc (được gọi là ambidexter).
Tại sao hành động đơn giản này lại khó đến thế?
Cũng giống như việc một tay vẽ hình vuông, một tay vẽ hình tròn vậy, bạn rất khó có thể làm được cả hai việc cùng một lúc trên cả hai tay. Chuỗi hành động này đòi hỏi bạn kích hoạt cả hai bán cầu não hoạt động, và đương nhiên, tình trạng nhầm lẫn là không thể tránh khỏi.
Trên thực tế, khi con người sinh ra, chúng ta có một bên chiếm ưu thế. Phần lớn là bên phải, trong khi số nhỏ hơn là bên trái - tức là thuận tay trái (chiếm khoảng 10% dân số). Chúng ta có xu hướng ưu tiên tay thuận của mình hơn: viết bằng tay thuận, tập võ ưu tiên bên thuận...
Nhưng những ambidexter thì khác. Họ bẩm sinh đã có thể sử dụng linh hoạt cả hai tay, tức là linh hoạt trong cách não bộ vận hành. Nhưng rất tiếc, những người có khả năng này chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số thế giới mà thôi.
Và ngay cả trong số các ambidexter, vẫn có những người vượt lên trên với khả năng: sử dụng cả 2 tay cùng lúc. Họ có thể viết bằng 2 tay cùng một lúc, thậm chí mỗi tay một thứ tiếng như trường hợp của Chen Siyuan. Cô gái Trung Quốc này đã từng rất nổi tiếng vì khả năng một tay viết tiếng Anh, một tay viết tiếng Trung một cách linh hoạt trong cùng một thời điểm.
Cần phân biệt rõ ambidexter và những người tập sử dụng tay không thuận
Trên thực tế, vẫn có những người sử dụng được cả hai tay, nhưng họ trở nên như vậy là vì hoàn cảnh bắt buộc, chứ không phải bẩm sinh họ là ambidexter.
Có thể lấy ví dụ như những người thuận tay trái: nhiều người luyện viết bằng tay phải, nên họ có thể viết bằng cả hai tay. Nhưng tay thuận của họ vẫn là tay trái, nên không thể gọi là ambidexter được.
Ambidexter được gì, mất gì?
Dù có khả năng vận dụng linh hoạt giữa 2 bán cầu não, nhưng đó thực chất cũng là bất lợi của những người thuận cả 2 tay.
Cần biết rằng, não bộ của con người rất tệ trong việc tập trung vào làm nhiều việc một lúc. Ví dụ như khi nghe nhạc và làm việc, bạn thực chất chỉ tập trung vào một thứ thôi, và thứ còn lại hiệu quả thông tin thu nạp vào không hề cao.
Nếu như cố gắng tập trung vào cả 2, não bộ lại phải liên tục chuyển đổi, và mỗi lần chuyển là một lần bạn chịu tổn thất nhất định. Hệ quả, năng lượng dùng cho não bộ bị tiêu tốn nhiều hơn, mà hiệu quả cũng chưa chắc được đảm bảo.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thuận cả hai tay thực chất có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra về trí tuệ, khả năng ghi nhớ, tính logic... Chúng cũng khó khăn trong việc học ngoại ngữ, và thậm chí còn có nguy cơ mắc rối loạn tăng động cao hơn trẻ bình thường. Âu cũng vì não bộ của chúng bị phân tán tư duy quá nhiều, khó tập trung được.
Tuy nhiên, thuận hai tay cũng đem đến những lợi điểm nhất định. Theo nghiên cứu của ĐH Montclair, những người có khả năng này thường có cảm xúc rất ổn định, khó bị lung lạc. Ngoài ra, họ có rất nhiều năng khiếu trong các môn thể thao, nghệ thuật và âm nhạc.
Rất nhiều vĩ nhân trong lịch sử có thể sử dụng linh hoạt cả hai tay. Leonardo da Vinci, Pete Rose, Richard Feynmen, hay thậm chí cả Albert Einstein là những người như vậy. Nghĩa là xét trên một góc độ nào đó, người thuận hai tay thực sự có thể xem là thiên tài.
Bạn có thuộc vào 1% những người có "nguy cơ" làm thiên tài không? Để lại bình luận nhé.