Với việc tăng 9 điểm so với quý cuối năm 2017 nhờ vào sự tăng trưởng niềm tin về triển vọng việc làm và tình trạng tài chính cá nhân, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua - giúp Việt Nam tiếp tục là nước lạc quan thứ 4 trên thế giới.
Kết quả trên dựa theo số liệu mới nhất được The Conference Board® và Nielsen vừa công bố.
Đông Nam Á và Bắc Mỹ là 2 khu vực có mức độ niềm tin người tiêu dùng cao nhất. Người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á rât lạc quan, với chỉ số niềm tin tăng 2 điểm từ mức 119 ở quý 4 năm 2017 lên 121 điểm trong quý 1 năm nay. Ba trong sáu quốc gia đạt điểm số cao nhất bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia. Tuy Philippines có sự sụt giảm lớn nhất trong khu vực về chỉ số niềm tin, giảm 3 điểm, nhưng Philippines vẫn trụ ở vị trí thứ hai trong danh sách top 10 các quốc gia lạc quan trên toàn cầu với 128 điểm. Trong quý này Malaysia tăng 10 điểm, đạt 104 điểm. Và Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia được xếp trong số 5 nước tăng hàng đầu trên thế giới. Singapore chứng kiến mức tăng 3 điểm trong khi Thái Lan đã kết thúc quý đầu năm nay ở mức 110 điểm, giảm 1 điểm.
“Nhìn chung, các nước trong khu vực Đông Nam Á thường có chỉ số niềm tin cao hơn các nước ở khu vực phát triển. Sự tự tin của người tiêu dùng có thể dựa trên các tính hiệu tích cực của nền kinh tế song song với tốc độ tăng trưởng nhanh và tiềm năng phát triển xa hơn. Các nước mới nổi như Việt Nam, Philippines và Malaysia có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm từ 5% đến 7% trong quý cuối năm 2017. Do đó, với đà tăng trưởng kinh tế ở các ngành công nghiệp, kết hợp với tín hiệu tích cực dòng vốn đầu tư nước ngoài, việc tăng thu nhập hộ gia đình và chính sách định hướng tăng trưởng của chính phủ có thể chuyển thành sự lạc quan của người tiêu dùng ”, nhận định của bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc, Nielsen Việt Nam. "Tuy nhiên, tâm lý tích cực của người tiêu dùng tại Việt Nam lại không dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh, với mức tăng trưởng trong quý 1 chỉ đạt 1,8%. Tốc độ tăng trưởng này chậm hơn dự kiến và phản ánh sự biến động của ngành FMCG ở Việt Nam, có thể do thay đổi hành vi tiêu dùng".
Chi tiêu đồng thời cũng tiết kiệm
Sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Và mong muốn này dần dần trở nên mạnh mẽ hơn trong 4 quý vừa qua. Gần một nửa người tiêu dùng sử dụng tiền nhàn rỗi cho quần áo mới (51%, + 2 điểm) và chi tiêu cho các ngày nghĩ lễ (46%, + 2 điểm). Bên cạnh đó, khoảng hai trong số năm người tiêu dùng chi cho các sản phẩm công nghệ mới (46%, + 6 điểm), vui chơi giải trí bên ngòai (43%, + 2 điểm) và sửa chữa nâng cấp nhà cửa (42%). Quan trọng hơn, chi trả cho các gói bảo hiểm bảo hiểm y tế cao cấp cũng tăng mạnh trong quý này với mức tăng 9 điểm (38%).
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tiết kiệm mạnh mẽ. Gần ba phần tư người Việt được hỏi (73%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm (so với mức 72% trong quý trước). Báo cáo cũng tiết lộ rằng tiết kiệm là một phần không thể thiếu trong việc quản lý tài chính của người tiêu dùng Đông Nam Á, với 67% số người được hỏi sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, “Khi các dịch vụ bảo hiểm y tế đã từng được cho là không cần thiết lắm vào những năm trước đây, thì hôm nay người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu có những khoản chi tiêu dành cho các chương trình bảo hiểm sức khỏe. Và xu hướng này phản ánh một trong những thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng tự trang bị cho mình với các dịch vụ bảo hiểm, họ sẽ có được một cảm giác bảo vệ và an toàn mà họ cần.”
Công việc ổn định và sức khỏe tốt vẫn là mối quan tâm lớn của NTD Việt
Trong quý này, danh sách 5 mối quan tâm lớn nhất của người Việt vẫn giống như quý trước. Công việc ổn định dẫn dầu trong danh sách các mối quan tâm lớn của người Việt (43%). Sức khỏe là mối quan tâm lớn thứ hai (41%). Các mối quan tâm khác đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (23%), sự phát triển của nền kinh tế (23%) và sức khỏe & hạnh phúc của bố mẹ (16%).
“Trong thế giới công nghệ và thông tin ngày nay, người tiêu dùng được trang bị tốt hơn vì họ có thể dễ dàng tìm kiếm tin tức và thông tin. Họ có thể thấy trước một số thách thức ngắn hạn như điều kiện hiện tại của nền kinh tế, tình trạng ổn định công việc, sức khỏe và việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những mối lo ngại này có thể dẫn đến hạn chế trong việc chi tiêu ngẫu hứng của họ trong năm nay và do đó các doanh nghiệp phải luôn có sự theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng”, bà Quỳnh nhận định thêm.