Trên mặt lưng hầu hết những chiếc iPhone đều từng có dòng chữ: “Thiết kế bởi Apple ở California. Lắp ráp ở Trung Quốc”. Lực lượng lao động dồi dào, lương nhân công thấp nhưng lại có tay nghề cao khiến Trung Quốc trở thành một miền đất hứa để Apple sản xuất, lắp ráp những chiếc iPhone của mình. Trong số những nhà máy đối tác của Apple, Foxconn có lẽ là cái tên được biết đến nhiều nhất.
Đây cũng là “ông chủ” lớn nhất Trung Quốc với nhân sự từng được ghi nhận lên tới con số 1,3 triệu người. Xét trên phạm vi toàn thế giới, chỉ có Walmart và McDonald có lượng nhân sự lớn hơn con số này. Đằng sau cánh cổng nhà máy Foxconn, dưới đây là những câu chuyện chưa kể ở “căn nhà” nơi những chiếc iPhone ra đời.
Vì iPhone là một cỗ máy nhỏ bé nhưng cực kì phức tạp, việc lắp ráp chỉ một chiếc điện thoại cũng yêu cầu một dây chuyền lắp ráp với sự tham gia của hàng trăm người cùng các công đoạn như dựng thân máy, thử nghiệm, kiểm tra và đóng gói. Một công nhân Foxconn từng chia sẻ mỗi ngày có 1.700 chiếc iPhone qua tay cô. Cô có nhiệm vụ đánh một loại chất đánh bóng đặc biệt trên màn hình điện thoại. Như vậy nếu mỗi phút cô xử lý được 3 chiếc điện thoại thì cô vẫn phải làm việc tới 12 giờ một ngày.
Các công việc cần sự tỉ mỉ cao hơn, ví dụ như gắn chip vào bảng mạch hay lắp ráp mặt lưng, lại có thời gian hoàn thiện lâu hơn (khoảng một phút một đơn vị). Như vậy, vẫn sẽ có 600 đến 700 chiếc iPhone được xử lý mỗi ngày.
Việc không thực hiện đủ hạn mức hoặc mắc sai lầm có thể khiến một nhân viên bị khiển trách công khai từ lãnh đạo. Công nhân được yêu cầu ngồi im lặng làm việc và ngay cả đi vệ sinh cũng cần được xin phép.
“Nó như thể một sự xúc phạm với mọi người,” một công nhân chia sẻ với The Guardian. Trong một số trường hợp, nếu quản lý cho rằng nhân viên đã mắc sai lầm đủ lớn, họ thậm chí phải chuẩn bị thư xin lỗi. “Họ sẽ phải đọc thư xin lỗi to cho tất cả mọi người cùng nghe.”
“Họ gọi Foxconn là một cái bẫy,” Xu, một nhân viên Foxconn chia sẻ. “Nó đã lừa rất nhiều người.” Xu chia sẻ rằng Foxconn hứa hẹn sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí nhưng đổi lại lại ép công nhân phải trả những hoá đơn điện nước đắt đỏ.
Phòng kí túc xá hiện tại được thiết kế dành cho 8 người nhưng có khi có tới 12 người ở chung một phòng. Foxconn cũng được cho là trốn tránh thực hiện bảo hiểm xã hội cho nhân viên trong khi đó thường xuyên chậm trả hoặc thậm chí là không trả các khoản phụ cấp.
Bên cạnh đó, rất nhiều công nhân còn phải kí các hợp đồng trong đó nêu rõ các khoản phạt lớn nếu họ nghỉ việc trước khi khoảng thời gian ba tháng thử việc kết thúc.
Văn hoá công việc áp lực cao, sự lo lắng và đôi khi là sự xúc phạm khiến công nhân Foxconn dễ bị trầm cảm.
“Nếu không có người chết thì chẳng phải là Foxconn,” Xu nói. “Mỗi năm đều có người tự tử và họ coi nó là chuyện bình thường.” Xu từng chia sẻ với The Guardian có một vụ tự tử một vài tháng trước đó mà anh tận mắt chứng kiến. Đó là một sinh viên làm việc trong dây chuyền lắp ráp iPhone. “Một người mà tôi biết và đã từng gặp ở căng tin,” anh chia sẻ. Sau khi bị quản lý mắng, anh ta đã cãi lộn và công ty đã gọi cảnh sát mặc dù anh ta không hề có dấu hiệu bạo lực mà chỉ giận dữ thôi. Ba ngày sau đó, anh ta nhảy từ cửa sổ tầng chín.
Tại sao vụ việc lần này báo chí lại không nhắc đến? Xu và bạn anh nhún vai khi được hỏi. “Ở đây nếu có ai chết, một ngày sau đó mọi thứ sẽ biến mất. Bạn sẽ quên nó thôi.”
Năm 2012, 150 công nhân đã tụ tập trên mái nhà và doạ nhảy xuống. Họ là một nhóm công nhân được hứa hẹn những thay đổi và cải thiện nhưng không được đáp ứng. Họ lấy mạng sống của mình ra làm công cụ đàm phán. Năm 2016, một nhóm công nhân khác, nhỏ hơn, cũng làm điều tương tự. Chỉ vài tháng trước đó, 8 công nhân trèo lên mái nhà doạ nhảy xuống trừ khi được trả lương đúng hẹn.
Đó là lý do tại sao xung quanh các toà nhà ở Foxconn có gắn rất nhiều lưới đỡ. The Guardian gọi đây là “những chiếc lưới đỡ người.”