Content marketing là gì? Tại sao các nhà làm content marketing cần thay đổi những cách tiếp cận trong quá khứ để đạt được hiệu quả cao hơn trong năm 2018?
Content marketing là gì? Hiểu một cách đơn giản, content marketing chính là tiếp thị bằng nội dung. Trên thực tế, dù số lượng nội dung được đăng tải trên internet gia tăng nhanh chóng qua từng năm, số lượng lượt xem nội dung lại đang sụt giảm, theo Báo cáo xu hướng nội dung 2018 của Buzzsumo.
Nhà tiếp thị Sujan Patel - nhà đồng sáng lập Web Profits - cho biết trong một bài viết trên Entrepreneur, nguyên nhân là do các đối thủ trong lĩnh vực content marketing ngày càng mạnh, và thị trường nội dung ngày càng bão hòa và cạnh tranh nhiều hơn. Vì thế theo ông, những người làm nội dung cần thay đổi những cách tiếp cận trong quá khứ.
Sujan Patel đã quảng bá cho hơn 100 bài viết trên hơn 20 website trong năm 2017. Thông qua đó, ông đã tìm ra một số chiến thuật quảng bá nội dung thực sự hiệu quả. Sau đây là 3 chiến thuật content marketing hàng đầu trong số đó:
1. "Đứng trên vai" những chủ đề phổ biến
Khi có một thứ gì đó được làm tốt, nó sẽ được phổ biến rộng rãi. Bằng cách tận dụng một chủ đề phổ biến, bạn sẽ biết chắc rằng thị trường đang tồn tại một nhu cầu về nó. Đồng thời, bạn cũng có thể tận dụng một nội dung gốc nào đó và kết nối với những người có liên quan để giúp quảng bá bài viết.
Khi Glassdoor xuất bản Danh sách những công ty vừa và nhỏ tốt nhất để làm việc, chúng tôi biết rằng mình muốn tạo ra một bài viết thật hay dựa trên danh sách đó. Để quảng bá nó, chúng tôi đã liên hệ với 50 công ty trong danh sách, và cả Glassdoor nữa. Chúng tôi tận dụng báo cáo này như một cách để mở thêm những cánh cửa và xây dựng các mối quan hệ.
Bằng cách đó, chúng tôi có thể tập hợp thông tin để tạo ra một bài viết đầy đặn, đồng thời kết nối hiệu quả với những người có thể sẽ chia sẻ bài viết với mạng lưới những mối quan hệ cá nhân của họ.
Kết quả là, bài viết đó trên website của chúng tôi có tổng cộng hơn 32.000 lượt khách truy cập và 152 back link (liên kết trỏ tới trang web từ một website khác).
2. Tìm kiếm những "khoảng trống nội dung"
Hầu hết các chủ đề đều được viết đi viết lại nhiều lần. Nhưng khi viết về một trong số những chủ đề đó, bạn có thể tìm kiếm một "khoảng trống" chưa từng được đề cập, và dùng nội dung của mình để lấp đầy nó.
Hồi năm 2015, khi nhìn vào chủ đề về Buyer Persona(1), tôi nhận thấy có một điều gì đó đã bị bỏ lỡ. Đã có khá nhiều bài viết về tại sao Persona(2) lại quan trọng, và nhiều bài gợi ý giao tiếp với khách hàng, nhưng chưa có ai đề cập đến việc phải nói gì khi trò chuyện với khách hàng qua điện thoại.
Bằng cách định hình khoảng trống nội dung, tôi nhận thấy một nhu cầu và đào sâu vào chủ đề đó. Kết quả là, tôi tạo ra một bài viết với tiêu đề "150 câu phải hỏi về Buyer Persona" (150 Buyer Persona Questions You Must Ask).
Khi viết về một chủ đề lớn, điều bạn nên làm là suy nghĩ về cách để quảng bá nó. Tôi không chờ đến khi xong bài viết mới bắt đầu suy nghĩ về cách quảng bá. Thay vào đó, việc quảng bá nên diễn ra cùng lúc với quá trình tạo ra bài đăng.
Trong ví dụ trên, tôi bắt đầu bằng việc tìm kiếm cụm từ "buyer persona" trên Google và tìm kiếm những người đang viết về nó và những người là chuyên gia trong lĩnh vực này. Lúc đó, tôi tiếp cận họ và mời họ cộng tác vào bài viết của mình.
Trong số hàng trăm người tôi đã liên lạc, có khoảng 30 hay 40 người thực sự tham gia đóng góp vào bài viết của tôi, và chúng tôi có được khoảng 15.000 lượt khách truy cập.
Bài viết này tốn nhiều thời gian hơn những bài viết thông thường, nhưng để tạo ra một nội dung có thể quảng bá tốt, đôi khi bạn phải chấp nhận đánh đổi. Và cuối cùng, trong trường hợp này, kết quả đạt được rất xứng đáng để đánh đổi.
3. Nội dung của bạn phải tốt hơn người khác gấp 10 lần
Điều đặc biệt nhất cảu bạn so với đối thủ khi thực hiện content marketing là gì? Theo Rand Fishkin – nhà sáng lập website chuyên về marketing Moz, để tạo nên sự khác biệt, nội dung cần phải tốt hơn các đối thủ của nó gấp 10 lần. Điều này thực sự khó khăn, vì thị trường ngày nay đã bị quá tải và bão hòa nội dung.
"Chúng ta không thể chỉ nói ‘Tôi muốn đứng trong hàng ngũ 10 kết quả đầu tiên trên công cụ tìm kiếm khi mọi người gõ một từ khóa nào đó’. Chúng ta phải hỏi ‘Làm thế nào tôi có thể tạo ra một cái gì đó tốt hơn gấp 10 lần so với bất kỳ đối thủ nào hiện tại?", Fishkin nhận định.
Tạo ra content hay hơn gấp 10 lần, nghĩa là tạo ra content có thể quảng bá hiệu quả. Và khi nó thực sự tuyệt vời hoặc đủ hay, bạn có thể quảng bá nó như một sản phẩm.
Đó là những gì chúng tôi đã làm với sản phẩm Email Outreach Playbook - một dạng sách điện tử cung cấp những thông tin hữu ích về nghệ thuật gửi email bán hàng. Mục tiêu của chúng tôi là có thêm khách hàng từ nội dung này. Chúng tôi sử dụng 5 hoặc 6 cách tiếp cận, bao gồm ra mắt trên Product Hunt, quảng bá trên Facebook và trên LinkedIn. Chúng tôi quảng bá nó trong khoảng thời gian 9 tháng.
Kết quả là chúng tôi có được 40.000 khách truy cập, và có thêm được 400 khách hàng trong một năm rưỡi qua. Và hiện tại, nội dung này vẫn tiếp tục được chia sẻ.
Vậy chìa khóa thành công khi thực hiện content marketing là gì? Đó là, không nhất thiết phải thường xuyên tạo ra một content hay gấp 10 lần. Thay vào đó, bạn nên tạo ra một content xuất sắc, rồi đầu tư hết sức để quảng bá cho nó trong một khoảng thời gian hợp lý.
(1) Persona: một bản liệt kê các thông tin sở thích, nhu cầu, tính cách, nhân chủng, thu nhập và các hành vi tiêu dùng của các nhóm khách hàng khác nhau. (2) Buyer Persona: các đại diện hình mẫu dựa trên nghiên cứu về người mua là ai, họ đang nỗ lực làm gì, những mục tiêu nào thúc đẩy hành vi của họ, họ nghĩ như thế nào, họ mua như thế nào, tại sao họ quyết định mua, họ mua ở đâu và khi nào họ mua.