“Họ dấn thân tham gia một sứ mệnh giải cứu mà tất cả đều biết rằng có thể họ sẽ phải liều tính mạng của chính mình để đánh đổi cho mạng sống người khác”…
13 thầy trò đội bóng Lợn Hoang đã bình an vô sự sau 18 ngày chật vật giữa ranh giới của sự sống và cái chết vì mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6. Hàng ngàn, hàng vạn trái tim trên đất Thái và khắp các vùng miền trên thế giới đều vỡ oà trong những giọt nước mắt cảm động và nụ cười hạnh phúc. Chưa bao giờ người ta thấy người với người lại xích lại gần nhau và cần tới nhau đến như vậy.
Mấy ngày nay người dân ở Chiang Rai, thành phố gần hang Tham Luang nhất, đã đổ ra đường để ăn mừng thành công của cuộc giải cứu “kỳ tích” 12 cậu bé và huấn luyện viên trẻ. Người đi bộ vui mừng nhảy múa bên ngoài khu vực bệnh viện, nơi các cậu bé đang được chăm sóc. Ông Rachapol Ngamgrabuan, một quan chức tại văn phòng báo chí tỉnh Chiang Rai cũng không giấu nổi những giọt nước mắt: “Tôi đã khóc. Mừng quá. Rất mừng khi thấy tất cả người Thái yêu thương lẫn nhau”.
Những vị anh hùng tham gia cuộc giải cứu giờ này cũng đã có thể thở phào nhẹ nhõm và hạnh phúc khi nhìn thấy đội bóng được bình an vô sự. 18 ngày mà dài tựa như cả thế kỷ. Bởi lẽ từng phút từng giây đều căng thẳng, đầy áp lực khi họ phải vật lộn dưới hang sâu hiểm nghèo và con nước dữ lên xuống mỗi giờ. 18 ngày giằng xé giữa hy vọng và âu lo, giữa niềm tin và thất vọng, 18 ngày giành giật giữa sự sống và cái chết.
Sau những phút giây trọng đại của đời mình, những vị anh hùng lại trở về cuộc sống thường nhật. Nơi ấy họ cũng giống như bao người khác, có cuộc sống và mái ấm của riêng mình. Chắc hẳn nhiều người tự hỏi sức mạnh nào đã làm nên phép màu kỳ diệu, sức mạnh nào đã hun đúc nên những tâm hồn cao thượng như vậy?
Đối với Ekkapol Ake Chantawong, huấn luyện viên 25 tuổi, sức mạnh đó là đức tin
Đức tin khiến huấn luyện viên Ake luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà quên đi bản thân mình.
Giới chức xác nhận Ake là một trong những người thân thể suy kiệt nhất trong nhóm vì đã nhường thức ăn, nước uống cho các cầu thủ nhí. Anh cũng dạy các cậu bé cách thiền để giữ năng lượng và quan trọng hơn là giữ được tâm thái lạc quan, niềm tin và khát vọng sống cho đến khi được tìm thấy.
Ekkapol và ba cầu thủ nhí gồm Dul, Mark và Tee là người dân tộc thiểu số ở vùng núi phía bắc Thái Lan. Họ chưa được chính phủ công nhận là công dân nước này.
“Không có quốc tịch, những đứa trẻ sẽ không thể kiếm được việc, không thể học đại học, không thể kết hôn hay sở hữu tài sản. Về cơ bản, những đứa trẻ này sẽ không thể mơ về một tương lai cho bản thân chúng” – Joseph Quinnell, nhà sáng lập Tổ chức phi chính phủ Thailand Project người Mỹ nói. Họ cũng rất dễ trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ bóc lột sức lao động và buôn người.
Thamma Kantawong, cô của Ake kể lại thời thơ ấu đau thương của anh: Bố, mẹ và người anh trai 7 tuổi của anh đã mất vì bệnh dịch. Giống như nhiều đứa trẻ mồ côi khác, họ hàng đã gửi đưa Ake rời khỏi căn nhà thân thương ở Mae Sai để đi tu tại một tu viện ở tỉnh Lum Phun cho đến khi anh ngoài 20 tuổi.
Cuộc sống khốn khó, vất vả, đau thương tưởng như có thể khiến con người “bất cần đời” mà sẵn sàng tranh đấu với người, thù hận cuộc đời. Nhưng những năm tháng sống ở tu viện, được gần với ánh sáng Phật Pháp đã giúp anh hiểu ra một điều: Con người sống là để yêu thương.
Tình yêu đó đã thể hiện trọn vẹn trong cách anh chăm sóc bọn trẻ. “Ake yêu đội bóng. Đi đâu Ake cũng đưa một số đứa trẻ đi cùng”, Kantawong nói. “Các phụ huynh tin tưởng Ake có thể chăm sóc cho các con của họ”.
Một vài người nghĩ Ake phải chịu trách nhiệm khi dẫn lũ trẻ vào trong hang giữa mùa nước lũ. Đội bóng đã ra vào chiếc hang ấy quá nhiều lần và lũ trẻ muốn lội vào nơi sâu thẳm trong hang để khắc tên mình lên vách đá, như thể minh chứng sự tồn tại của chúng trước cuộc đời. Ake cũng chỉ muốn giúp lũ trẻ thực hiện được nguyện vọng nhỏ bé của mình mà chẳng thể ngờ được con nước lớn dâng lên ngay sau khi cả đội vào trong hang.
Nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra, Pannawit Jongkham, huấn luyện viên của nhóm lớn tuổi hơn trong đội Lợn Hoang, nói rằng tất cả mọi người trong đội đều tin yêu và ủng hộ Ake. “là người yêu tất cả trẻ em”, cầu thủ Kae-hae Kauna 17 tuổi nói. “Anh ấy chăm sóc tốt cho các em và thích chiều chuộng chúng”. Ake đã coi đội bóng như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh đã dùng tình yêu của mình sưởi ấm trái tim những cầu thủ nhí, những đứa trẻ hầu hết đến từ các dân tộc thiểu số và cộng đồng nghèo khó.
Jongkham khẳng định: “Mọi thứ vẫn sẽ như trước, chúng tôi sẽ ủng hộ anh ấy, sẽ không có gì thay đổi”. Kantawong, cô của Ake nói: “Tôi nghĩ rằng người nước ngoài và người Thái đủ bao dung để chào đón cậu ấy trở lại. Cậu ấy là một người rất tốt”.
“Nếu cậu ấy không đi với chúng thì điều gì sẽ xảy ra với con tôi?” mẹ của Pornchai Khamluang, một trong những cậu bé mắc kẹt, nói. “Ake, tôi sẽ không bao giờ đổ lỗi cho anh”.
Qua tình yêu, sự quan tâm săn sóc và che chở của anh dành cho đội bóng nhí khi bình an vô sự hay trong cảnh hiểm nghèo, đã giúp chúng ta đều hiểu một điều rằng: Cuộc sống nghèo đói và khốn khó không phải là cái cớ khiến con người trở nên ích kỷ, lạnh nhạt, vô cảm với nhau. Sự khác biệt chính là đức tin trong trái tim mỗi người. Con người có thể nghèo khó về vật chất, nhưng chỉ cần có một trái tim giàu tình yêu thương và lòng trắc ẩn, người ấy vẫn sẽ luôn giàu có.
Đức tin không phải chỉ là thứ vô hình và không có giá trị. Ngược lại đức tin khiến con người sống hạnh phúc trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt khi phải đối mặt với cảnh hiểm nghèo, đức tin ấy lại bừng sáng thành sự điềm tĩnh và cao thượng đến kỳ lạ. Ake luôn vị tha, hết lòng yêu thương, chở che và sẵn sàng dành trọn những điều tốt đẹp cho người khác, dẫu đó là sinh mệnh đáng quý của mình.
Có thể nói những giáo lý nhà Phật đã mang lại sự bình yên, hạnh phúc và cứu được tính mệnh của cả đội bóng nhí lúc nguy nan. Dẫu sống trong nghịch cảnh, nhưng tâm luôn hướng thiện thì sớm muộn gì hạnh phúc cũng sẽ mỉm cười với họ. Một trong số những minh chứng ấy là giờ đây đội bóng Lợn Hoang đang xin cấp quốc tịch Thái Lan cho vị huấn luyện viên trẻ.
Nơi hang sâu thăm thẳm, giữa con nước mênh mang ấy, không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chỉ có sự thiện lương kết nối và toả sáng trong trái tim mỗi người
Khi tâm tồn thiện niệm, Thượng Đế sẽ gửi đến những thiên thần trong hình hài của những phàm nhân. Họ chính là hơn 1000 người trong đội cứu hộ đã tề tựu nơi đây, cùng chung vai sát cánh đêm ngày bên nhau. Trong tim họ đều mang theo một sứ mệnh: Giải cứu đội bóng nhí cho tới hơi sức cuối cùng.
Họ là những người thợ lặn, là các y bác sỹ dày dặn kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới và những tình nguyện viên, những người đã làm nên phép màu kỳ diệu trong cuộc giải cứu nơi hang sâu. Có lẽ Thượng Đế cũng phải rơi nước mắt trước sự chân thành, thiện lương, nhẫn nại và quả cảm của họ nên thời tiết đều vô cùng thuận lợi trong suốt cuộc giải cứu.
Cựu đặc nhiệm Thái Lan “yên nghỉ” giữa con nước hiểm nơi hang sâu
Saman Kunan năm nay 38 tuổi. Anh đã rời lực lượng hải quân SEAL vào năm 2006 và sau đó làm việc với vai trò là một sĩ quan cứu hộ khẩn cấp tại sân bay Suvarnabhumi. Khi biết tin về đội bóng mất tích, không chút do dự, anh đã tình nguyện quay lại hỗ trợ cuộc giải cứu.
Khi lượng ôxy trong hang dần cạn kiệt, khi tính mệnh 13 thầy trò đội bóng đang như ngọn đèn trước gió, Kunan được giao nhiệm vụ đặt các bình khí dọc đoạn đường khoảng 3,2 km trong hang Tham Luang. 2h sáng ngày 6/7 khi đang trên đường trở lại trạm chỉ huy, Saman đã bất tỉnh vì thiếu ôxy và ngất lịm giữa dòng nước hiểm. Một hơi thở đã tắt để tiếp nối những hơi thở khác, một cuộc đời khép lại nhưng lại để lại thông điệp lớn lao cho nhân loại: Con người hãy yêu thương lấy nhau.
“Anh ấy từng được ca ngợi vì những việc đã làm. Anh ấy thích giúp đỡ người khác, làm từ thiện và hoàn thành tốt mọi công việc”, vợ của Kunan miêu tả về chồng mình. Trước cái chết của tình nguyện viên Kunan, Karadzic đã viết trên Facebook, bày tỏ sự kính trọng với anh: “Hãy yên nghỉ. Anh là người hùng và chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh của anh”.
Sự quả cảm của anh đã được lan toả trên các tờ báo lớn uy tín trên thế giới, như BBC, the Guardian, the Sun, the Mirror của Anh, leParisian của Pháp, the Straightimes tại Singapore, hay đến tận tờ Debate tại Mexico, Eldiario tại Tây Ban Nha… Nghĩa cử cao đẹp ấy đang lan truyền khắp các mạng xã hội. Những hạt giống thiện lương đã được ươm mầm trong hàng ngàn, hàng vạn trái tim, vượt qua mọi ranh giới về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ. Dẫu sinh mệnh không còn, nhưng anh vẫn sống mãi trong lòng người ở lại.
Bác sĩ Australia mất cha khi vừa kết thúc cuộc giải cứu đội bóng nhí
Richard Harris là bác sĩ gây mê người Australia. Ông còn là một thợ lặn lành nghề với 30 năm kinh nghiệm dày dặn. Khi được đề nghị tham gia vào cuộc giải cứu đầy nguy hiểm này, ông đã không chần chừ mà ngay lập tức bỏ dở kỳ nghỉ của mình để bay sang tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.
Bill Griggs, sếp cũ của Harris tại MedSTAR, cho rằng những kỹ năng hiếm có đã khiến Thái Lan phải tìm đến ông. Tiến sĩ Griggs nói: “Để lặn trong hang, các bạn phải chú ý đến từng chi tiết và phải rất tỉ mỉ. Sự kết hợp giữa kiến thức y khoa và kỹ năng lặn hang của ông ấy rõ ràng là lý do mà các thợ lặn Anh yêu cầu ông ấy góp mặt”.
Khi cả thế giới đang hân hoan chúc mừng 13 thành viên đội bóng nhí Lợn Hoang được giải cứu thành công thì ông Harris và 3 thợ lặn của SEAL vẫn đang lần mò trong hang tối, tìm đường ra ngoài. Phải vài giờ sau đó họ mới lộ diện và Harris là người cuối cùng ra khỏi hang.
Trong cuộc cứu hộ nghẹt thở tại Thái Lan, cha của ông đã qua đời ở quê nhà Adelaide. Khi người anh hùng cứu được đội bóng nhí, ông lại lặng lẽ trở về quê nhà để tang cha, khước từ phát biểu trước giới truyền thông.
Ông chỉ coi những gì mình vừa trải qua như một điều đương nhiên cần phải làm theo phận sự. Khi trao đổi với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull qua mạng, ông Harris còn cho rằng những “anh hùng lớn” ở đây chính là các cậu bé và những người thợ lặn của đặc nhiệm hải quân Thái Lan. Họ đã ngày đêm chăm sóc các em nơi hang sâu ẩm ướt. “Họ là những người và những đứa trẻ cứng rắn nhất tôi từng có vinh hạnh gặp gỡ”, ông nói. “Họ là những người tự chịu trách nhiệm về tinh thần và an toàn của riêng mình, và nếu không có họ, chúng tôi không thể làm được gì”.
Không ồn ào, không khoa trương, ông Harris chỉ giữ lại nỗi đau cho riêng mình, mà nhường ánh hào quang cho những người còn lại.
Thợ lặn và các thành viên khác trong đội cứu hộ quả cảm và vị tha
Khi tìm thấy Saman Kunan bất tỉnh giữa dòng nước đục ngầu, các thợ lặn lành nghề cũng ngầm hiểu rằng cuộc giải cứu không hề đơn giản. Họ phải đối mặt với hệ thống hang động phức tạp ngoằn nghèo, nước bùn lầy ngập lầy lội trong hang ẩm ướt. Nhiều chỗ còn có con nước chảy xiết đi qua. “Thứ nhất là chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy tay mình ở cự ly gần, thứ hai là các tảng đá sắc nhọn rất nguy hiểm cho hoạt động lặn của chúng tôi, thứ ba là lối đi rất hẹp”, Narongsuk Keasub, một thợ lặn nói.
Họ biết rằng mỗi lần đi vào hang là một lần đối diện với nguy hiểm, dẫu chỉ một phút lơi là, bất cẩn họ đã sẽ có thể mất mạng bất cứ lúc nào, theo ABC News. Điều ấy đồng nghĩa với việc tính mệnh của họ cũng đang ở trong tình thế nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng không một ai trong số họ, đứng trước hiểm nguy, đứng trước sinh tử lại chùn bước hay chột dạ.
Họ lo lắng cho các cậu bé như con cháu của mình và nóng lòng mong chờ giây phút toàn bộ nạn nhân được đưa ra khỏi hang. “Tôi cũng là một người cha nên khá xúc động. Mọi người đều có chung cảm xúc này vì chúng tôi coi những đứa trẻ trong hang như con của mình”, Keasub nói. “Mọi người vẫn còn lo lắng. Chúng có thoát ra ngoài được không? Chúng có bị ốm không? Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho chúng quay về lành lặn”.
Chỉ huy SEAL Apakorn Yookongkaew nói: “Chúng tôi phải thử mọi cách. Dù mất đi một người, chúng tôi vẫn phải có niềm tin để thực hiện tiếp công việc của mình”. Bởi lẽ “các cậu bé như trứng nằm trên đá”.
Don Mann, cựu đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ còn bình thản phát biểu: “Lực lượng SEAL đã quen với việc liều mình cho mạng sống của người khác. Họ luôn luôn như vậy. Đó là lý do vì sao họ đăng ký gia nhập lực lượng. Ngay cả khi huấn luyện, họ cũng đối mặt với rủi ro đe dọa tới tính mạng”.
Mann chia sẻ: “Họ dấn thân tham gia một sứ mệnh giải cứu mà tất cả đều biết rằng có thể họ sẽ phải liều tính mạng của chính mình để đánh đổi cho mạng sống người khác”. Theo ông “dũng cảm” và “không vì bản thân” là hai từ phù hợp nhất dành cho những người tham gia giải cứu 13 thầy trò đội bóng nhí Thái Lan.
Có thể thấy rằng, thiện lương là một sức mạnh vĩ đại, vô hình gắn kết con người, giúp con người làm nên những điều kỳ diệu, những phép màu giữa cuộc sống đời thường. Cuộc đời sẽ ấm áp và tuyệt vời biết bao khi ta biết rằng vẫn luôn có những người lạ, chưa một lần gặp mặt, họ luôn ở đó và sẵn sàng giang tay cứu giúp khi chúng ta gặp phải nguy nan. Nơi nào không có sự chân thành, thiện lương nơi ấy con người mới phải tranh đấu với nhau vì danh lợi tình tiền, được mất của cá nhân. Nơi nào không có đạo đức và lý tưởng sống, nơi ấy mới tràn ngập những nghi kỵ, thấp thỏm, âu lo trước những vụ cướp giết hiếp đầy thương tâm.
Tín ngưỡng và thiện lương là ngọn nguồn của sức mạnh đã khiến con người quy tụ tại hang sâu nơi đất Thái và đưa đội bóng trở về với cuộc sống bình yên sau bao khó nạn. Những vị anh hùng, những tấm lòng vàng trong cuộc giải cứu đội bóng nhí một lần nữa lại thắp sáng hạt giống thiện lương và niềm tin vào tín ngưỡng chân chính trong lòng mỗi người.
George Washington là một trong hai vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Ông đã biến Mỹ từ một nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập. Trong bức thư từ nhiệm gửi tất cả người dân nước Mỹ, ông viết: “Hai cột trụ lớn nhất để quốc gia hưng thịnh là tín ngưỡng và đạo đức”. Mỗi người là một tế bào trong xã hội. Chỉ khi tâm hồn mỗi người được tưới tắm bởi ánh sáng của tín ngưỡng chân chính và văn hoá truyền thống, đạo đức tốt đẹp họ mới là những tế bào khoẻ mạnh, khiến đất nước phồn vinh, xã hội thái bình.
Đỗ Quyên
Có thể bạn quan tâm: