Thung lũng Silicon được coi như trái tim của ngành công nghệ thông tin ở Mỹ. Bởi vì trụ sở chính của các công ty công nghệ thông tin tầm cỡ thế giới như Google, Apple, Yahoo… đều nằm tại đây. Tuy nhiên, những thiên tài của Thung lũng Silicon này đã cách ly máy tính ra khỏi cuộc sống thường ngày của con cái họ bằng cách: chọn cho con một ngôi trường hoàn toàn không sử dụng máy tính ở bậc tiểu học.
Quan điểm của các bậc phụ huynh Thung lũng Silicon với máy tính
Ngôi trường được các thiên tài công nghệ lựa chọn chính là trường Waldorf. Tại ngôi trường này, học sinh chỉ bắt đầu được tham gia vào các tiết học có sự góp mặt của máy tính khi học đến lớp 8. Còn ở những năm học trước đó, dụng cụ học tập và giảng dạy là bất cứ thứ gì như: bút chì, giấy viết, kim đan len, đôi khi là cả bùn, ngoại trừ máy vi tính. Phương pháp giảng dạy của ngôi trường này chủ yếu tập trung vào hoạt động thể chất và học tập thông qua các hoạt động sáng tạo bằng tay.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều người bất ngờ khi biết rằng tại nơi được coi là tâm điểm của ngành công nghệ thông tin thế giới, người ta lại đang tiến hành những tiết học hoàn toàn không sử dụng các phương tiện truyền dẫn hình ảnh. Tuy nhiên, lý do để người ta làm vậy lại vô cùng đơn giản, vì họ cho rằng máy vi tính hoàn toàn không phù hợp với trường học.
Bởi trọng tâm của giáo dục ở trường học là thông qua tư duy sáng tạo, quan hệ tương tác giữa con người với con người và các hoạt động thể chất để phát triển con người một cách lành mạnh, trong khi máy vi tính lại là chướng ngại vật cản trở việc thực hiện mục tiêu này. Tức là máy vi tính ức chế tư duy sáng tạo, sự tương tác giữa con người với con người và khả năng tập trung của trẻ.
Vai trò của máy tính trong nền giáo dục của các quốc gia trên thế giới
Trái ngược hẳn với phương pháp giáo dục này, nhiều trường học ở khắp nơi trên thế giới, từ tiểu học tới đại học lại đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình giảng dạy, học tập và chương trình đào tạo của họ. Điều này dễ hiểu, vì họ cho rằng kỹ năng công nghệ là yếu tố then chốt để mỗi người tìm được cho mình việc làm tốt, thu nhập cao. Do đó, mọi phụ huynh đều đầu tư, thúc đẩy con cái học và sử dụng máy tính để cho chúng có khả năng cạnh tranh trong thời đại hội nhập toàn cầu.
Chính phủ Ấn Độ đã từng mua hàng trăm nghìn chiếc Aakash 2, máy tính bảng được phát minh và sản xuất tại Ấn Độ cho trẻ em tại các trường học. Họ đều tin rằng những chiếc máy tính này sẽ giúp học sinh tiểu học viết báo cáo, dùng bộ xử lý văn bản và truy cập Internet tìm tài liệu để học. Họ hy vọng trong tương lai học sinh Ấn Độ sẽ có việc làm tốt hơn vì họ sẽ có kỹ năng công nghệ cần thiết cho thời đại thông tin.
Cũng học theo mô hình này, chính phủ Malaysia, Pakistan, Philippines và nhiều nước khác cũng công bố kế hoạch mua máy tính cho học sinh tiểu học ở nước họ. Đây là tin vui cho các công ty sản xuất máy tính vì doanh số bán hàng sẽ tăng vọt, thu nhập tăng lên. Các quốc gia đều hy vọng “Đây là đầu tư cho tương lai và sẽ có lợi ích rất lớn”.
Giáo sư Jonh Vũ, máy tính có “hại” hơn có “lợi”
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, Giáo sư Jonh Vũ – người Mỹ gốc Việt, một nhà khoa học nổi tiếng về công nghệ đứng trong Top 10 những người sáng tạo nhất thế giới, người đã có những đóng góp rất lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với thế hệ trẻ, ông đã có những chia sẻ như sau:
Là Giáo sư về công nghệ, tôi rất mừng khi thấy lĩnh vực này được tích hợp vào chương trình đào tạo trong trường học ở nhiều quốc gia. Tôi hiểu rằng không nước nào muốn bị tụt hậu, bị bỏ lại đằng sau nhưng đưa máy tính vào trường tiểu học là điều tôi không thể ủng hộ. Tôi không thấy lợi ích nào của máy tính trong những năm đầu đời của trẻ nhỏ. Tôi không thấy bằng chứng của việc đưa máy tính cho trẻ nhỏ sẽ làm cho chúng giỏi hơn hay thông minh hơn.
Học máy tính không đơn giản như nhiều người nghĩ bởi vì yếu tố “lỗi thời”. Ba mươi năm trước, một số trẻ em ở Mỹ được dạy lập trình Basic – lập trình căn bản. Nó được coi là kỹ năng có giá trị khi lớn lên. Tuy nhiên, người học Basic ở tiểu học có lẽ không bao giờ có cơ hội dùng nó bởi vì công nghệ thay đổi từng ngày. Ngày nay, ngôn ngữ lập trình chính là Java, C++, Python, Ruby chứ không phải Basic. Cũng như thế, việc học DOS, Windows XP cho học sinh tiểu học vào lúc đó là vô giá trị cho ngày nay. Tất nhiên, học công nghệ sẽ cho học sinh tri thức nào đó về máy tính và cho các em quen thuộc hơn với công nghệ.
Học máy tính như dùng để xử lý văn bản, để viết báo cáo hay dùng Google để tìm kiếm là tốt nhưng đây chỉ là công cụ, không khác với bút và giấy. Trong khi những công cụ này có thể hỗ trợ cho học tập thì chúng cũng có tác dụng tiêu cực mà nhiều người không ngờ. Dạy sử dụng máy tính quá sớm sẽ làm cho trẻ nhỏ không học cách đánh vần, đọc, viết hay làm toán số học. Nó làm sao nhãng khỏi việc học những giá trị căn bản mà ai cũng phải biết.
Tại sao phải học bảng cửu chương, hay toán học như cộng, trừ, nhân, chia trong khi máy tính có thể làm việc đó? Không nhớ gì trong sách giáo khoa ư? Chỉ một “Google” là có ngay, việc gì phải học nữa. Internet có thể cung cấp nhiều thông tin nhưng cũng làm học sinh sao nhãng nếu chúng sử dụng máy tính để chơi games hay truy nhập vào những website đồi trụy. Không suy nghĩ cẩn thận về cách sử dụng máy tính có thể làm cho học sinh lười, không muốn học nữa vì chơi games vui hơn.
Tựu chung lại, sử dụng máy tính quá sớm có “hại” hơn là có “lợi”. Đây là điều các thầy cô, các nhà giáo dục và phụ huynh phải suy nghĩ cho kỹ. Hơn nữa, mang công nghệ vào trường quá sớm có thể thêm gánh nặng và chi phí cho bất kì hệ thống giáo dục nào. Chi phí công nghệ không chỉ là chi phí về máy tính. Nó còn là chi phí phần mềm, kết cấu nền, nối vào mạng, chi phí hỗ trợ và bảo trì. Cũng có chi phí đào tạo, chi phí trợ giúp, bảo trì an ninh và phí thay thế khi công nghệ thay đổi vì máy tính sẽ bị lỗi thời. Về căn bản, đưa máy tính vào trường tiểu học tốn kém hơn nhiều và không có bằng chứng rằng trẻ em có khả năng cạnh tranh hơn khi chúng lớn lên. Ngược lại, sẽ còn bất lợi cho trẻ nếu trẻ học những thói hư, tật xấu từ máy tính.
Theo tôi, ngân quỹ đầu tư vào việc đưa máy tính vào trường tiểu học nên được dùng để đào tạo giáo viên, cải thiện tiện nghi lớp học, hỗ trợ cho học sinh có bữa ăn nhiều dinh dưỡng, hơn là làm cho các công ty sản xuất máy tính hài lòng.
Nếu là nhà giáo dục, các bạn không nên nhìn công nghệ như một giải pháp hoàn hảo mà phải tự hỏi mục đích của giáo dục tại trường tiểu học là gì? Bạn muốn học sinh học gì?
Quan điểm của tôi về giáo dục tiểu học phải là chỗ đầu tiên để phát triển công dân tương lai. Tâm hồn trẻ em giai đoạn tiểu học còn trong trắng và ngây thơ nên nhất định phải dạy cho các em về lòng ngay thẳng, thanh liêm, chính trực qua những bài học về đạo đức, giáo dục công dân. Trẻ em tiểu học phải được dạy về sự kính trọng người lớn tuổi, lòng hiếu thảo, đạo làm con, tính thương người, biết thông cảm để khi lớn lên chúng có thể trở thành công dân tốt, đóng góp sức mình làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Tâm trí trẻ thơ không cần công nghệ hay máy tính vào lúc này. Theo thời gian khi lớn lên chúng sẽ có nhiều cơ hội để học về công nghệ. Tôi chắc một vài năm nữa, công nghệ sẽ đổi khác và máy tính cũng sẽ khác đi rất nhiều so với ngày nay. Trang bị máy tính cho học sinh có thể làm cho trường hiện đại hơn hay hài hoà với xu hướng công nghệ. Tuy nhiên, giáo dục không phải là cái “bề ngoài” mà phải là cái gì tốt đẹp từ bên trong tâm trí học sinh. Phụ huynh không phải sợ rằng con cái mình không thể cạnh tranh được khi lớn lên. Phụ huynh nên hiểu rằng cho trẻ thơ học công nghệ quá sớm là có hại nhiều hơn có lợi.
Thay vào đó hãy đào tạo, hãy dạy cho con trẻ trở thành những người có trách nhiệm, hiểu bổn phận; bổn phận với gia đình, bổn phận với xã hội. Dạy cho con trẻ những điều cơ bản về đọc, viết và số học sẽ tốt hơn nhiều. Với nền tảng gia đình vững chắc, nền giáo dục vững chắc tất cả học sinh đều có khả năng học bất kì thứ gì, môn gì hay lĩnh vực gì, kể cả công nghệ.
Theo tôi, việc làm hữu hiệu nhất là có một nền giáo dục tốt để đào tạo ra những công dân tốt. Đó là những người có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và đất nước. Hãy bồi dưỡng cho những công dân tương lai có được những phẩm chất tốt đẹp như lòng can đảm, dũng mãnh và cương quyết với trình độ học vấn cao thì không bao giờ phải lo sợ bất cứ điều gì, hay bất cứ nước nào trên thế giới.
***
Vậy, rốt cuộc trang bị máy tính cho học sinh tiểu học, nên hay không nên? Đây là vấn đề đặt ra khiến các bậc phụ huynh, các trường học phải suy ngẫm. Cũng có những ý kiến trái chiều nhau được đưa ra. Tuy nhiên, hy vọng rằng cách dạy con của các ông bố bà mẹ vùng Thung lũng Silicon, cũng như những chia sẻ thật tâm của Giáo sư Jonh Vũ sẽ gợi ý cho chúng ta.
Hồng Ân
Có thể bạn quan tâm: