Thời tôi còn nhỏ, cách đây mấy chục năm đúng vào thời bao cấp, Hà Nội khá vắng vẻ. Thuở ấy đường xá còn ít. Số ngã tư được trang bị đèn giao thông cũng ít. Phần lớn là có bục công an ở giữa ngã tư và mọi người đi đường hay dừng theo hiệu lệnh của công an giao thông. Còi, gậy chỉ đường và những cánh tay múa rất dẻo là hình ảnh quen thuộc ở thủ đô thời ấy. Người còn ít, nhưng ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành luật.
Khoảng 20 năm trước, Hà Nội có thêm những đường phố mới. Số đèn giao thông cũng nhiều lên. Nhưng người tham gia giao thông trên đường vẫn rất tuân thủ tín hiệu đèn. Có nghĩa là bố mẹ và trẻ nhỏ lúc đó vẫn thống nhất với nhau về cách ứng xử với đèn giao thông:
Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng Ba đèn tín hiệu an toàn giao thông Đi đường bé nhớ nghe không? Đèn xanh tín hiệu đã thông đường rồi
Đèn vàng đi chậm lại thôi, Đèn đỏ dừng lại, kẻo rồi đâm nhau Bé ngoan, bé nhớ làu làu Xanh: đi, đỏ: phải dừng mau đúng rồi
(Đèn giao thông – thơ thiếu nhi)
Đến chục năm gần đây, đường xá được mở rộng, có thêm nhiều con đường mới. Có nhiều nút giao thông được trang bị đèn hơn. Nhưng theo quan sát của riêng tôi trong chừng ấy năm thì khi đèn đỏ bật lên sẽ có 4 nhóm đối tượng sau:
– Một số người gặp đèn đỏ vẫn đi bình thường giống như gặp đèn xanh. Theo phỏng đoán riêng thì có thể họ mắc phải một căn bệnh mà khoa học gọi là Red-Green Color Blindness, nói nôm na là bệnh rối loạn màu sắc Đỏ – Xanh lá hay mù màu Đỏ – Xanh lá. Xin quý độc giả đừng cười, khoa học thống kê có đến 8-9% số người bị mắc bệnh này trên toàn thế giới. Thời hiện đại mà, bệnh gì chả có. Tuy nhiên, ở ta thì bệnh này sẽ tạm thời được chữa khỏi nếu có cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư đèn đỏ. Ta tạm gọi họ là nhóm “mù màu”.
– Một số người gặp đèn đỏ cũng dừng lại. Nhưng sẽ có một số người dừng rồi lại đi tiếp và họ gây cảm hứng cho những người cùng chí hướng. Một người vượt, rồi hai người, rồi nhiều người cùng vượt. Tất nhiên, cảm hứng này sẽ mất khi có màu vàng, nhưng không phải là màu đèn vàng, mà là màu đồng phục của cảnh sát giao thông. Ta tạm gọi họ là nhóm “ngẫu hứng”.
– Số đông nhất cũng vẫn là những người dừng lại chờ đèn đỏ và đợi đến khi đèn “gần xanh” rồi đi. Tại sao gọi là “gần xanh”? Vì còn khoảng 3-4 giây nữa thì đèn mới chuyển sang xanh. Ta tạm gọi họ là nhóm “3 giây”. Đôi khi nhóm “3 giây” đi sớm lại gặp nhóm “cố 3 giây”, tức là những người ở trục đường giao cố vượt nhanh khi đèn xanh ở mấy giây cuối cùng. Và thế là có chuyện, nhất là khi thời tiết xấu.
– Có một số không nhiều người vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh tín hiệu đèn giao thông. Đèn đỏ là họ dừng ngay. Thậm chí đèn chuyển sang vàng họ đã từ từ dừng lại. Đèn chuyển sang xanh rồi mới đi. Nhưng những người này có lúc phải nghe những lời cáu kỉnh của nhóm “mù màu”, nhóm “ngẫu hứng”, thậm chí cả nhóm “3 giây” khi mà các nhóm này cho là có thể đi được rồi mà họ cứ ngoan cố đừng lỳ ở đấy chắn đường. “Thời nay mà còn có những người cổ hủ và kém thức thời thế không biết”, “may mà chỉ có ít người hâm như thế”… đó là một vài suy nghĩ của những người “vô cớ” bị chặn đường. Vậy tạm gọi những người tuân thủ là nhóm “cổ hủ” hay nhóm “những người muôn năm cũ”.
Không thể dừng lại giữa đường để phỏng vấn các nhóm được, ta hãy tạm nghe trộm lý do bí mật của việc vượt đèn đỏ được nói với âm lượng có khi đến 70 decibel qua smartphone:
“Mấy chế cứ ngồi đêeeee… sắp đến òiii”. Một thanh niên thuộc nhóm mù màu đang một tay lái xe, một tay cầm Iphone trả lời bạn nhậu khi xe băng băng qua đèn đỏ.
“Em cứ mặc đồ đê, việc gì phải xoắn. 5 phút nữa anh đến”. Một thanh niên ăn mặc sành điệu, tóc vuốt keo không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy Fly, thuộc nhóm ngẫu hứng cho biết. Chả là anh chàng đang đến đưa bạn gái đi chơi. Dừng mấy giây trước đèn đỏ, quan sát không thấy công an, anh chàng lại đi tiếp.
“Thôi chị cứ để cho em mấy cân thịt rọi nhá. Chiều nhà em có việc. Em đang qua lấy. Cái gì? Thôi thế nhá, đang đi đường…”. Một bà nội trợ phốp pháp thuộc nhóm mù màu tâm sự kín đáo với người bán thịt khi băng qua ngã tư đèn đỏ.
Còn một số người lái xe hơi cũng vượt đèn đỏ, vì họ đang ngồi trong xe nên tác giả không nghe lỏm được gì. Chắc họ cũng có lý do chính đáng nào đó.
…
Rõ ràng là làm được như các bé trong bài thơ của thời thơ ấu “Đèn giao thông” là không hề dễ. Thế mà đã từng có thời… ôi, cái thời ấy của “người Tràng An” nay đã trở thành “Thời xa vắng” mất rồi.
Thời mới sang Bắc Âu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy người Bắc Âu tham gia giao thông. Người đi xe hơi, xe máy luôn rất chậm rãi khi đến gần khu vực người đi bộ được phép băng qua đường. Họ dừng lại cho người qua đường đi sang hết, rồi sau đó 2-3 giây mới đi tiếp. Hoặc người lái xe ở đường nhánh luôn luôn chờ xe ở đường chính đi qua ngã ba trước mặt rồi họ mới lái xe ra đường chính. Họ cũng tuân theo nguyên tắc 3 giây, nhưng là 3 giây nhường nhịn cho người khác mà không phải cho mình.
Và trên đường thì không bao giờ thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Họ ở chỗ nào không rõ. Nhưng chỉ cần bất cứ sự cố giao thông nào xảy ra, dù khá hy hữu mới có sự cố, thì họ có mặt gần như ngay lập tức.
Về sau nói chuyện với người địa phương, tôi mới hiểu. Cố nhiên là luật giao thông của họ rất nghiêm. Có những nước như Phần Lan, người càng giàu mà phạm luật giao thông thì phạt càng nặng. Họ còn quy định không những phải nhường đường cho người, mà còn cho động vật hoang dã. Tất nhiên là luật mỗi nước mỗi khác, không thể giống nhau được. Nhưng điều đáng nói là ở những nước ấy ai làm sai luật không có chuyện cãi nhau tay đôi với cảnh sát, tất cả sai phạm đều có bằng chứng rõ ràng qua hệ thống camera theo dõi trên đường. Họ rất tôn trọng luật pháp, cả người dân lẫn lực lượng thực thi pháp luật, chẳng hề có ai nhấc điện thoại “gọi cho người thân” quyền thế nào đó.
Nhưng điều quan trọng nhất là họ không hề sợ thiệt thòi cho bản thân. Mỗi người khi tham gia giao thông trước hết nghĩ về an toàn cho mình và cho xã hội. Sống không văn minh, là dư luận sẽ coi rẻ mình. Bên cạnh dư luận văn minh, thì còn có luật pháp công minh. Bên cạnh luật pháp công minh thì còn có Đức Chúa thánh minh. Tức là đức tin vào những điều ngay lành. Truyền thống đạo đức của dân tộc, pháp luật nghiêm minh và một Chính Giáo luôn là ba cột trụ vững chắc chống đỡ cho xã hội.
“Nếu một người cho bạn thời gian của mình, anh ta không thể cho bạn món quà nào quý giá hơn nữa”, Frank Tyger – nhà báo, họa sĩ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng người Mỹ đã nói vậy. Cho nên, 3 giây nhường nhịn ấy là món quà của văn minh và tình người. Tất nhiên là trước khi nói đến tình người thì họ đã là những công dân tuân thủ luật pháp.
Khi luật pháp không được tôn trọng và người ta luôn sợ mình bị thiệt thòi thì mới xuất hiện những câu nói mang tính cảnh báo một cách hài hước như:
“Muốn nhanh thì phải từ từ” – câu này giới tài xế rành nhất.
“Hà Nội không vội được đâu” – câu này mang nhiều hàm ý, nhưng không loại trừ việc đi lại.
“Xin đừng hôn em” – đấy là dòng chữ ghi ở đuôi xe tải của các bác tài xế.
“Nhanh một giây chậm cả đời”, v.v.
Tôi nghĩ rằng những slogan ấy cũng tốt, nó nhắc nhở mọi người tham gia giao thông luôn ý thức về trách nhiệm giữ an toàn cho mình và xung quanh. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta luôn làm chủ được mình và không bao giờ nên sợ thiệt thòi.
Nếu ta tranh thủ vượt đèn đỏ, lợi cho mình mấy giây, có nghĩa là có người sẽ thiệt thòi vì bị chiếm phần đường dành cho di chuyển. Và lần sau người thiệt thòi ấy có khi lại chính là ta. Nếu vì vậy mà xảy ra tai nạn giao thông, mà điều ấy dễ lắm, thì cả hai bên đều thiệt. Chưa kể chuyện mất thời gian và tiền phạt, với một số người là cả một chút phẩm giá nữa, nếu bị cảnh sát tuýt còi.
Khi ta được lợi một chút ít thời gian, xã hội sẽ vì thế mà thiệt hại. Thiệt hại lớn nhất không phải là thời gian, mà là lòng tin của con người với nhau trong xã hội, lòng tin vào sự văn minh và nghiêm minh của luật pháp. Mất mát ấy mới ghê gớm và chẳng ai là đứng ngoài mất mát ấy được.
Cho nên, tôi luôn cảm thấy ấm lòng khi đi trên đường mà gặp được nhóm “cổ hủ”, dù hành động ấy nhỏ thôi nhưng họ cho tôi niềm tin vào việc xã hội vẫn còn những người tốt, nghiêm chỉnh và biết nghĩ cho người khác. Tôi cũng trở thành một thành viên của nhóm “cổ hủ” ấy.
Trong nhiều trường hợp tôi quan sát thấy, ngay khi một người “cổ hủ” dừng xe trước đèn đỏ, thì có rất nhiều người dừng theo, dù những người trước đó họ cứ vô tư vượt đèn đỏ thôi. Thế mới biết, hành động tốt cũng cần có người biết hy sinh và làm gương. Vì tôi tin rằng, có nhiều, rất nhiều người cũng không hề muốn vi phạm luật hoặc sống một cách thờ ơ. Nhưng họ cần một người làm mẫu. Những người “cổ hủ” sẽ là một hòn đá tảng chặn dòng nước đục để rong rêu, cành khô… bám vào đó. Dần dần, dòng nước xiết cuốn người ta vào chỗ sai trái đó sẽ bị chặn lại.
Vậy thì chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không gia nhập vào hàng ngũ những người “cổ hủ”. Ta đang làm đúng luật, ta cũng sống có tình người, phù hợp với tiêu chuẩn văn minh của nhân loại tiến bộ. Có sợ gì mấy lời đàm tiếu của những người kém văn minh và thiếu ý thức cộng đồng.
“Thời gian là kẻ sát nhân giỏi nhất” – Agatha Christie, tác giả truyện trinh thám nổi tiếng đã nói vậy. Hình như câu nói ấy của nữ nhà văn cũng có thể dùng được ở đây. Hãy bỏ thói quen vội vàng và vi phạm luật giao thông và cư xử đúng mực hơn ở ngã tư đèn đỏ. Vì mấy giây ích kỷ ấy phải chăng sẽ giết đi nhiều thứ của cá nhân ta và quê hương này?
Văn Bé
Có thể bạn quan tâm: