Hãy cùng trò chuyện về màu sắc và cách các nhà làm phim tạo nên cảm xúc cho khán giả thông qua những gam màu.
Đôi khi chỉ đơn giản là nhà làm phim thích màu đỏ – và đôi khi là nhà làm phim đang cố gắng tác động lên cảm xúc chân thật của người xem để khuấy động phản ứng căn bản của họ với những hình ảnh trên màn hình.
Điện ảnh chạm đến cảm xúc của ta theo nhiều cách mà ta có thể không hề nhận ra. Từ bố cục của mỗi khung hình trong phim, cũng như những ý tưởng sâu xa đằng sau những khung hình ấy, đến những lựa chọn nghệ thuật về màu sắc, trang phục và bối cảnh. Tất cả đều có thể điều khiển cảm xúc của khán giả ở nhiều tầng, ý thức lẫn vô thức.
Màu sắc mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau và có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Không có cách đúng và sai trong việc sử dụng màu xanh dương, xanh lá, cam… Việc tìm ra một phương thức độc đáo và lôi cuốn trong việc chọn màu để khuấy động cảm xúc của khán giả là một thử thách. Hãy cùng điểm qua những cách sử dụng màu sắc khác nhau trong điện ảnh và những cảm xúc mà những màu sắc này đem lại cho chúng ta.
Đỏ
Những ý nghĩa gắn liền với màu đỏ rất đa dạng, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng đây là một trong những màu sắc đầy sức mạnh khi được sử dụng trên màn ảnh. Một mặt, màu đỏ được sử dụng như một cách thể hiện sự công kích, bạo lực hay giận dữ. Hãy xem bức hình trên. Trong phim Ex Machina của Alex Garland, khung hình này xuất hiện bất ngờ khi bộ phim xoay chuyển 180 độ và bước qua ranh giới của tội ác. Không gian tràn ngập màu đỏ báo hiệu sự căng thẳng và có vai trò như một chỉ dấu ra hiệu cho khán giả tập trung chú ý – điều gì đó quan trọng sắp sửa xảy ra.
Stanley Kubrick là một bậc thầy điều khiển cảm xúc chính nhờ vào sự ám ảnh của ông đối với màu sắc. Nổi bật và đáng chú ý nhất chính là việc ông ấy sử dụng màu đỏ với Hal trong 2001: A Space Odyssey. Bên trong vi xử lý của Hal, Dave chầm chậm bắt đầu bỏ kích hoạt chiếc máy tính. Một căn phòng tưởng chừng như nhàm chán lại được mô tả như tận cùng địa ngục của một cơn ác mộng. Cảm giác ngột ngạt, chết chóc này sẽ không thể có nếu không nhờ nghệ thuật sử dụng sắc đỏ của Stanley Kubrick.
Mặt khác, màu đỏ cũng gợi lên cho ta cảm giác về tình yêu và đam mê. Bộ phim “Her” của Spike Jonze là một ví dụ tuyệt vời về cách một bộ phim được kể, không thông qua ngôn từ mà bằng bố cục và thiết kế bối cảnh. Nhân vật chính của phim, Theodore, mặc những chiếc áo màu khác nhau – đỏ, xanh dương, vàng và trắng – thể hiện trạng thái cảm xúc khác nhau của anh ấy xuyên suốt phim. Toàn bộ bộ phim là một minh chứng hoàn hảo cho sự quan trọng của lý thuyết màu sắc.
Cam
Màu cam thường được gắn với sự ấm áp, đầy năng lượng và hài hước. Tuy nhiên, màu cam còn có thể mang ý nghĩa cảnh báo cho ta phải cẩn thận. Đạo Khổng xưa kết nối màu cam với sự chuyển hóa. Khung hình trên xuất hiện trong thời điểm bùng phát của bộ phim Beasts of No Nation – nhân vật chính của chúng ta giờ đây là một người hoàn toàn khác, gần như không thể nhận ra, khi anh ta lê bước qua những hố rãnh màu cam u ám.
Toàn bộ bộ phim Mad Max: Fury Road mang một tông màu cam nhẹ, được dùng để khuếch đại cảm giác khải huyền đổ nát của vùng đất. Cằn cỗi, không hy vọng và kết thúc, những hình ảnh kết cấu như sao Hỏa thật sự đã đưa người xem tới một thế giới khác, nơi tràn ngập sự hỗn loạn.
Vàng
Cũng như các màu khác, ý nghĩ của màu vàng rất đa dạng – vừa diễn tả cảm giác hạnh phúc, thư giãn, vừa là màu sắc của sự ghen tuông và phản bội. Đạo diễn Wes Anderson, một bậc thầy trong việc thiết kế bối cảnh và bố cục khung hình, rất nổi tiếng với cách sử dụng màu đỏ và vàng của mình. Khung hình trên (từ phim ngắn Hotel Chevalier) được dàn dựng để truyền tải sự tĩnh lặng và thanh bình – mặc dù kể cả lúc này chính nhân vật còn chưa nhận ra.
Trong cảnh nhân vật của Emma Stone xem thường Michael Keaton trong Birdman, gần như tất cả những vật dụng trong khung hình đều có màu vàng – từ tóc của cô cho đến chiếc ghế bên cạnh cô. Cách bố trí màu vàng tràn ngập khung hình này nhằm khắc họa cảm giác nguy hiểm, phán xét và kết tội. Sau phân cảnh này, nhân vật của Michael Keatin đã bị dằn xé, vỡ tan thành từng mảnh và căn phòng như càng xoáy sâu thêm sự xấu hổ, tủi nhục của ông.
Màu vàng bản thân nó là một màu rất đặc biệt. Vì vậy nếu toàn bộ phân cảnh đều được bao phủ bởi màu vàng thì đó chắc chắn là ý đồ của đạo diễn. Còn ý đồ gì thì khán giả sẽ là người giải mã.
Xanh lá
Trong phim The Machinist (2004), sự buồn chán vô vị, lặp đi lặp lại của cuộc sống thường ngày được mô tả qua những tông màu thê lương ảm đảm và những hình ảnh không chút sức sống. Một tông màu xanh lá luôn có tác dụng tốt trong việc thể hiện trạng thái đều đều, buồn tẻ hay đơn điệu. Chúng ta cũng có thể thấy điều này trong The Matrix, khung cảnh trước khi nhân vật chính uống viên thuốc màu đỏ.
Ở một cách dùng khác, màu xanh lá có sức mạnh mang lại một hơi thở mới cho nhân vật và khán giả. Ta có thể cảm nhận được sức sống và sự khởi đầu trong những hình ảnh có màu xanh lá ngọt lành và màu nâu của đất. Trong đoạn kết của Gravity, khi Sandra Bullock thoát khỏi mặt nước và đặt chân lên một vùng đất với những màu sắc tươi sáng, đầy sức sống, khán giả lập tức biết ngay rằng một cuộc sống mới sắp sửa bắt đầu.
Jacob T.Swinney có làm một video essay, mang tính giải trí cao, trong đó phân tích cách sử dụng màu xanh của anh em nhà Coen. Qua đoạn video đó, ta thấy được mức độ đầu tư, dụng tâm, chăm chút của các nhà làm phim cho từng cảnh phim của họ.
Xanh dương
Chủ đề về sự trung thành, kiên định và mộng mơ con trẻ tỏa sáng qua bộ phim viễn tưởng của Jeff Nichols, Midnight Special. Nhân vật chính trong phim là một nhân vật đặc biệt, với phục trang được thế kế liền lạc một màu xanh từ đầu đến chân. Màu xanh ở đây gắn liền với những suy nghĩ lạc quan, thể hiện tinh thần ngây thơ và sự thuần khiết.
Trong tác phẩm There Will Be Blood của Paul Thomas Anderson, một tác phẩm mà xuyên suốt là tông màu nâu, khô cằn, đất cát, khung hình toàn màu xanh như trên hiện lên một cách nổi bật. Đây là cảnh nhân vật chính của chúng ta đối mặt với thực tế phũ phàng, khi anh nhận ra mình thật sự cô đơn đến chừng nào, sự cô lập bủa vây anh, màu xanh bủa vây anh.
Trong Only God Forgives, sự xa rời của nhân vật với hiện thực càng lúc càng lớn dần theo chiều dài bộ phim. Trái ngược hẳn với tông màu đỏ bao trùm gần như toàn bộ thời gian phim, Ryan Gosling chìm trong biển ánh sáng màu xanh dương, tách biệt với hiện thực, sự tỉnh táo và tất cả các nhân vật khác trong phim. Một dải màu tối, bất thường (trong trường hợp này là màu xanh dương) đối lập với tông màu đỏ của toàn bộ phim là cách thể hiện hoàn hảo cho sự cô lập của nhân vật chính.
Tím
Nói về Ryan Gosling, bộ phim đầu tay do anh đạo diễn, Lost River, có phân cảnh giới thiệu nhân vật quyến rũ và duyên dáng nhất trong thời gian gần đây. Người phụ nữ đầy cám dỗ này được chiếu sáng ngược bởi ánh sáng màu tím, phát họa dáng người của cô ấy và ngay lập tức khán giả cảm nhận được sự bí ẩn của nhân vật này. Màu tím thường được gắn với sự mơ hồ và hoang phí. Cả hai chủ đề này đều được thể hiện theo nhiều cách khác nhau trong suốt bộ phim.
Sự quyến rũ thuần khiết của màu tím được khai thác một cách rất hiệu quả trong bộ phim Guardians of The Galaxy (2014) – tạo tiền đề cho các phim bom tấn sau này. Màu tím là màu của sự bí ẩn và ít khi được dùng, nhưng nếu sử dụng một cách tinh tế, nó có thể tạo nên những cảnh phim ấn tượng và ở lại lâu trong lòng khán giả.
Hồng
Cách sử dụng màu hồng nhạt của Wes Anderson ở tiệm bánh trong phim The Grand Budapest Hotel không đơn thuần như người ta vẫn nghĩ. Tình cảm con trẻ giữa 2 nhân vật được đơm hoa kết trái trong cảnh này. Bao quanh bởi những chiếc hộp màu hồng, tình yêu của họ nở hoa. Cách sử dụng màu sắc của Wes Anderson rất đáng để học hỏi.
Trong bộ phim kinh dị năm 2015, It Follows, nhân vật chính ban đầu xuất hiện với những bộ quần áo và căn phòng tràn ngập màu hồng. Về sau ta biết được ý đồ của đạo diễn trong việc lựa chọn màu sắc cho căn phòng và trang phục cho nhân vật. Màu hồng đại diện cho sự ngây thơ và thuần khiết của cô gái. Từ sau khi sự kiện đáng sợ xảy ra, sự ngây thơ của cô ấy mất đi – những bộ quần áo màu hồng và ánh sáng ấy cũng đồng thời biến mất.
Tím/magenta/đỏ/hồng nhạt — tất cả những sắc màu này đều thường được gắn liền với sự lãng mạn, tình yêu và đam mê. Mặc dù chúng có thể mang những tầng nghĩa khác, nhưng theo cách hiểu thông thường, người ta hay liên tưởng đến những điều liên quan đến tình yêu.
Với tư cách là một nhà làm phim, việc lựa chọn hay loại bỏ một màu sắc nào đó trong phim hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Không có một quy chuẩn đúng sai nào để thể hiện sự u buồn, hạnh phúc hay sợ hãi. Tuy nhiên, nếu như màu sắc được sử dụng một cách tinh tế có chủ ý, những cảm xúc của khán giả ở tầng vô thức có thể sẽ được kích hoạt. Giống như những quyết định khác bạn đưa ra trong quá trình sản xuất, hãy chắc rằng quyết định của mình phục vụ cho câu chuyện và lôi cuốn khán giả.