Khỏi cần phải nhắc lại, chắc bạn cũng thừa biết "cú xoay chuyển" đầy "ngoạn mục" gây xôn xao cả thế giới showbiz mấy ngày gần đây mang tên "Rồi người thương cũng hóa người dưng". Phải, chuyện giữa Justin Bieber, Selena Gomez và Hailey Baldwin chứ đâu.
Mặc dù Justin Bieber đã loan tin rộng khắp trên mạng xã hội rằng anh yêu Hailey Baldwin vô cùng, cũng như "trái tim anh tràn đầy và hoàn toàn thuộc về em" nhưng các fan lại tinh ý nhận ra hình xăm Selena Gomez vẫn đang hiện hữu trên cổ tay chàng ca sĩ Love Yourself.
Justin Bieber từng nói về hình xăm gương mặt Selena trong clip phỏng vấn với GQ với danh nghĩa "bạn gái cũ của tôi". Đó là khoảng thời gian họ chia tay vào năm 2016
Hình xăm khuôn mặt Selena Gomez vẫn còn trên tay Justin Bieber, bao quanh bởi đôi cánh thiên thần
Với hình xăm khá gần cổ tay như thế này, gương mặt Selena sẽ càng được chú ý hơn khi ống kính máy ảnh zoom cận cảnh vào... chiếc nhẫn đính hôn của Justin. Cho tới thời điểm hiện tại, có vẻ Justin Bieber vẫn chưa có ý định xóa hình xăm người yêu cũ bởi nhiều tấm hình cho thấy nó vẫn còn tồn tại, ít nhất là tới 11/7 vừa qua.
Bạn thấy đấy, xăm mình rõ ràng là việc làm không thể tùy tiện. Đặc biệt là khi bạn chuẩn bị cưới một người nhưng trên tay lại là hình ảnh một người khác. Đây quả là tình huống "vừa lộn xộn vừa trớ trêu".
Johnny Depp từng sửa hình xăm biệt danh của vợ cũ, từ "Slim" thành "Scum" - có nghĩa là cặn bã...
Tất nhiên, Justin Bieber có thể học tập người đồng nghiệp Zayn Malik bằng cách xăm đè hình mới lên hình vị hôn thê cũ cho bớt ngượng ngùng. Thế nhưng, nếu điều ấy chỉ khiến cổ tay chàng ca sĩ trở nên chằng chịt vết mực đen vô nghĩa thì phải làm sao nhỉ? Thì tìm tới phương pháp xóa xăm bằng laser chứ sao.
Nhưng xóa như thế nào, có đau đớn và gây hại không nhỉ?
Đây là cách mà cây kim xăm lăn trên da thịt chúng ta
Trông cũng ngoạn mục ra phết đấy
Cơ chế tồn tại của mực xăm trên da thực ra vô cùng đơn giản. Mực xăm thường có nguồn gốc từ những kim loại nặng. Khi chúng được đưa vào cơ thể, các tế bào máu không tài nào nhận diện và chấp nhận những chất này. Chúng lập tức tấn công mực xăm trong da và cố gắng đào thải nó ra bên ngoài.
Nhưng mà mực xăm đâu có "dễ ăn" như vậy. Kích thước của chúng quá lớn so với tế bào máu. Bạn cứ tưởng tượng một chú kiến đang cố lăn tảng đá khổng lồ thì sẽ hiểu ngay tình trạng "chiến đấu không cân sức" này. Thế là mực xăm cứ nằm mãi ở hạ bì, màu mực nổi trên nền da và theo chúng ta suốt những năm tháng sau này. Mực có thể bị ăn mòn theo thời gian nhưng gần như không bao giờ biến mất bởi tốc độ này khá chậm. Bạn có mất cả đời cũng chẳng khiến một hình xăm tự nhiên bay màu được.
Do đó, chúng ta cần một thứ gì đó đủ mạnh để có thể phá vỡ "khối đá mực xăm" thành nhiều mảnh nhỏ, giúp tế bào máu có thể đào thải chúng ra ngoài. Nhân vật này, không ai khác chính là tia laser.
Cận cảnh quá trình xóa hình xăm bằng tia laser
Cụ thể, tia laser sẽ đốt nóng mực xăm trong da, phá vỡ những giọt mực thành những mảnh nhỏ hơn. Quá trình này lợi dụng đặc tính hấp thụ ánh sáng của các phân tử mực xăm để triệt phá chính nó. Để loại bỏ hoàn toàn một "tha thu", có thể bạn phải trải qua hơn 10 lượt điều trị laser.
Việc xóa xăm bằng laser cũng mang tới nhiều rủi ro ra phết. Tia laser để xóa "tha thu" phải có năng lượng lớn, phù hợp trong khoảng thời gian chiếu ngắn. Nếu chẳng may chiếu quá lâu hay tay nghề người thực hiện không ổn định, nhiệt lượng do tia laser phát ra có thể gây tổn hại đến các tế bào da khác, khiến bạn bị bỏng rát trong đau đớn.
Chẳng may vết sẹo kia không lành thì sao nhỉ...
Việc xóa xăm cũng rủi ro y như việc đi xăm vậy. Sẹo có thể hình thành trong quá trình di laser. Nghĩ mà xem, vất vả suốt 10 liệu trình để có một vết sẹo mang dáng hình vết xăm cũ thì thôi, thà ta để nguyên vết mực đen cả đời còn hơn. Tóm lại, nếu bạn không muốn đắn đo suy nghĩ quá nhiều về vấn đề thẩm mĩ, tốt nhất bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi đâm bất kì cái kim nào vào thịt. Đặc biệt, bạn nên nghĩ lại về ý định xăm tên người yêu lên da. Người yêu cũ còn có thể quên được chứ hình xăm thì khó biến mất lắm.
Tổng hợp