Xương sống của nền kinh tế số là doanh nghiệp nhỏ. Báo cáo cho thấy toàn khu vực Đông Nam Á có hơn 330 triệu người dùng internet trong năm 2017, gấp gần 5 lần con số của năm 2015 với 70 triệu người.
Dòng vốn đầu tư kinh doanh thương mại điện tử đang đổ vào Đông Nam Á đã tác động mạnh đến thị trường Việt Nam. Thực tế thị trường Việt Nam là nơi có dân số lớn thứ hai trong khu vực và là thị trường bán lẻ đang phát triển mạnh, trở thành một mắt xích quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến của các "big player" toàn cầu.
Báo cáo chung về nền kinh tế số do Google và Temasek thực hiện, đánh giá nền kinh tế internet năm 2017 mang lại cho khu vực Đông Nam Á trị giá 50 tỷ USD. Với mức tăng trưởng dự báo hằng năm là 27%, nền kinh tế internet Đông Nam Á có thể đạt tổng trị giá 200 tỷ USD vào năm 2025.
4 lĩnh vực trọng tâm làm nên quy mô này gồm dịch vụ gọi xe trực tuyến (ride hailing), truyền thông trực tuyến (online media), dịch vụ du lịch trực tuyến (online travel) và thương mại điện tử (e-commerce).
Theo ông Karim Temsamani - Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, trong vòng nửa thế kỷ, các quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến internet tạo sự thay đổi ngoạn mục, làm ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của người dân trong toàn khu vực.
Trong giai đoạn 1990 - 2015, hơn 100 triệu người dân Đông Nam Á đã vượt nghèo khó nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế của khu vực. Đến nay, cộng đồng Đông Nam Á với 630 triệu người được xem là một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Theo đó, ASEAN nên áp dụng kinh nghiệm sẵn có để chọn hướng đi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để nắm lợi thế cạnh tranh, cần phát triển kỹ thuật số, trước tiên là cần công nhận công nghệ số là một công cụ phát triển quan trọng, với cách tiếp cận nền kinh tế số khu vực như một cộng đồng thay vì tiếp cận theo hướng riêng lẻ của 10 quốc gia trong khu vực.
Nếu thị trường công nghệ Đông Nam Á chia ra từng mảng rời rạc thì sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn khác. Đông Nam Á gắn bó hơn nhờ công nghệ, sẽ tốt hơn cho các nước vì cải thiện được quyền tiếp cận khách hàng, tiếp cận công nghệ và hệ sinh thái trong khu vực của các doanh nghiệp địa phương ở từng quốc gia. Các doanh nghiệp nhỏ tại các địa phương chính là đối tượng hưởng nhiều lợi thế nhất từ cách tiếp cận như vậy.
Xương sống của nền kinh tế số là doanh nghiệp nhỏ. Báo cáo cho thấy toàn khu vực có hơn 330 triệu người dùng internet trong năm 2017, gấp gần 5 lần con số của năm 2015 với 70 triệu người. Trong đó, thời gian vào mạng trên thiết bị di động 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn tất cả các quốc gia khác bao gồm Mỹ (trung bình 2 giờ/ngày).
Người dùng internet ở Đông Nam Á dành trung bình 140 phút hằng tháng để mua sắm trên mạng, cao gấp đôi so với thị trường thương mại điện tử Mỹ. Điều này khiến giá trị thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á được dự báo vượt 88 tỷ USD vào năm 2025.