Hãng tín nhiệm này dự báo GDP Việt Nam 2018 tăng 6,7% - đạt mục tiêu của Quốc hội và dự trữ ngoại hối lên 66 tỷ USD.
Xếp hạng Nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam vừa được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng từ BB- lên BB với triển vọng ổn định.
Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng được nâng từ BB- lên BB. Trong khi đó, xếp hạng nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ và nội tệ ngắn hạn được giữ nguyên ở B.
Các yếu tố giúp Việt Nam được nâng xếp hạng lần này là những chính sách tập trung tăng cường kinh tế vĩ mô. Tính trung bình 5 năm đến cuối 2017, tốc độ tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đạt 6,2%, vượt xa mức trung bình của các nước được xếp hạng BB (3,4%). Fitch dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 6,7% - đạt mục tiêu của Quốc hội, nhờ FDI, sản xuất và tiêu dùng cá nhân tiếp tục tăng mạnh.
Dự trữ ngoại hối năm 2017 cũng tăng lên 49 tỷ USD, nhờ lượng vốn lớn chảy vào và thặng dư tài khoản vãng lai. Fitch dự báo con số này sẽ lên quanh 66 tỷ USD cuối năm nay.
Thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, Chính phủ duy trì cam kết kiểm soát nợ công và cải tổ doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần nâng xếp hạng cho Việt Nam. Theo tính toán của Fitch, nợ công Việt Nam cuối năm 2017 tương đương 61,4% GDP, giảm so với 63% cuối năm 2016 và vẫn dưới trần nợ 65%. Đà giảm này được hỗ trợ nhờ dòng vốn chảy vào từ quá trình cổ phần hóa.
Fitch cho biết mức xếp hạng BB cũng phản ánh hệ thống ngân hàng còn yếu về cấu trúc và phụ thuộc lớn vào tín nhiệm quốc gia. Tăng trưởng tín dụng nhanh cũng là rủi ro với ổn định tài chính trong trung hạn. Bên cạnh đó, nợ mới phát sinh từ các vấn đề pháp lý tại doanh nghiệp quốc doanh lớn vẫn là điểm yếu với tài chính công của Việt Nam.
Thời gian tới, xếp hạng của Việt Nam có thể được nâng lên nếu các điểm yếu về cấu trúc trong ngành ngân hàng cải thiện, các chính sách ổn định vĩ mô được duy trì và tài chính công được củng cố. Ngược lại, Fitch vẫn có thể đánh tụt tín nhiệm nếu nhóm chính sách vĩ mô thay đổi gây ra bất ổn (rủi ro tăng trưởng quá nóng, lạm phát cao), dự trữ ngoại hối cạn kiệt, đầu tư nước ngoài bị ngăn cản hay nhiều khoản nợ phát sinh khiến nợ Chính phủ tăng cao.