"Quan niệm về Startup của tôi là: Bài học thành công rất khó có thể làm lại được, nhưng các bài học thất bại – các tư thế chết thì rất giống nhau", Khôi Nguyễn - Founder kiêm CEO Wefit – chia sẻ.
Khôi năm nay 27 tuổi, được vinh danh trong danh sách Forbes 30 under 30 Việt Nam năm 2018. Khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính Viện Công nghệ Illinois, Khôi đã "trải qua nhiều tư thế chết". Tháng 9/2016, Khôi cùng các cộng sự lập Wefit - ứng dụng được xây dựng trên nguyên lý của nền kinh tế chia sẻ, kết nối người tập và các đơn vị cung cấp dịch vụ thể dục.
Khôi đã tâm sự khá nhiều về những thất bại của bản thân trong 4 năm khởi nghiệp để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể tích lũy được những bài học cho riêng mình. Dưới đây là trích lược một vài thất bại, mà Khôi ví von là "những tư thế chết khi khởi nghiệp".
1- Chết vì làm ra sản phẩm không ai dùng
Sau vài lần thất bại liên quan đến sự khác biệt về tầm nhìn và giao việc trong team, khiến chỉ 2 tháng đầu khởi nghiệp 3 Cofounders đã nói lời chia tay, Khôi sốc lại đội ngũ và cùng những người còn lại bàn bạc về ý tưởng khởi nghiệp.
"Lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, tôi khá ngây thơ, chưa biết mô hình kinh doanh là gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình có thế mạnh về công nghệ, thấy điện thoại di động lúc ấy khá nổi, rất nhiều bên đi làm App. Thế là mình cũng ngồi nghĩ ý tưởng, nhìn lại xem xã hội có vấn đề gì thì tìm cách giải quyết", Khôi tâm sự.
Anh em chúng tôi cắm đầu vào làm. Hoàn thiện sản phẩm xong, 1 tháng sau launching chỉ có 4 người dùng: Tôi, bố mẹ tôi và bạn Cofounder.
Thời điểm ấy Khôi hay bị ốm vặt, phải thường xuyên uống thuốc. Việc hay quên giờ uống thuốc khiến anh nghĩ đến việc xây dựng một App nhắc uống thuốc.
"Anh em chúng tôi cắm đầu vào làm App đó. Hoàn thiện sản phẩm xong, 1 tháng sau launching chỉ có 4 người dùng: Tôi, bố mẹ tôi và bạn Cofounder", Khôi kể lại.
"Làm ra sản phẩm nhưng không ai dùng, và không biết sau này làm gì với nó. Sau này, gặp nhiều bạn Startup, tôi mới nhận ra các bạn cũng gặp phải những vấn đề tương tự".
=> Bài học rút ra: Trước khi bắt tay làm gì phải đặt câu hỏi: Nếu ý tưởng này thực sự hay, tại sao chưa ai làm? Hoặc nếu đã có ai làm rồi, thì mình có gì khác biệt so với họ.
2- Đặt mục tiêu phải làm thứ gì đó thật cool và hoàn hảo, đến khi ra được sản phẩm thì hết sạch tiền
Sau khi làm "vài thứ linh tinh" một thời gian, Khôi tính chuyện làm lớn. Lĩnh vực anh quyết chí đầu tư là giáo dục trực tuyến.
"Tôi tìm hiểu các mô hình thành công trên thế giới và phát hiện ra một mô hình rất hay ở Ấn Độ. Founder của Startup đó người Ấn nhưng đánh vào thị trường Mỹ. Họ dùng Mentor người Ấn Độ và làm gia sư tại thị trường Mỹ. Tôi cũng làm một cái như vậy ở thị trường Việt Nam", Khôi chia sẻ.
Ý tưởng hay, nhưng sản phẩm của Khôi mất 6 tháng sau mới hoàn thiện được.
"Ở Việt Nam tôi gặp rất nhiều bạn nói rất nhiều ý tưởng nhưng mãi không ra được sản phẩm, và đặc biệt là những anh bạn xuất thân từ dân công nghệ cực thích làm một sản phẩm rất đầy đủ tính năng, rất trendy… Bọn tôi hồi ấy cũng vậy, chờ rất lâu để có đầy đủ tính năng mới ra mắt. Nhưng trước khi đầy đủ tính năng như thế thì hết tiền rồi".
"6 tháng làm sản phẩm ấy không có một nguồn thu nào cả, tiền vốn của công ty cứ đốt dần, đốt dần… Đến khi chúng tôi làm ra xong sản phẩm thì hết tiền. Lúc ấy tôi buộc phải dừng công ty lại", Khôi kể.
=> Bài học rút ra: Đừng chỉ ngồi và nghĩ ra ý tưởng, phải có sản phẩm để đưa ra được thị trường để test tính khả thi và xem xét khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường đến đâu.
Có thể áp dụng xây dựng sản phẩm theo MVP (Minimum Viable Product - Sản phẩm khả thi tối thiểu) – một sản phẩm vừa nhỏ, đủ dùng, và tập trung vào core value, sau đó sẽ xây dựng các tính năng tiếp theo.
3- Chết vì nhiều người dùng, nhưng không convert được ra doanh số
Tránh hết các tư thế chết kể trên, với Startup tiếp theo, nhóm của Khôi làm sản phẩm chỉ trong 2 tháng là ra mắt. Sản phẩm ấy trong vài tháng có khoảng 300.000 người dùng. Đó là một ứng dụng học tiếng Anh miễn phí.
Team ban đầu thấy rất OK, vì làm sản phẩm rất tốt, được nhiều người dùng, nhưng một thời gian sau mới phát hiện ra lỗ hổng.
300.000 người dùng đó không convert được ra tiền.
"Sau này tìm hiểu tôi mới biết phải có dòng tiền, phải có những yếu tố cơ bản để một Startup sống được là cực kỳ quan trọng. Dòng tiền mặt rất quan trọng, là máu thịt để Startup có thể sống được. Giờ tôi luôn dán tại văn phòng câu nói nổi tiếng của Mark Cuban: Sales will cure all. Nếu bạn có thể sales được, nó sẽ giải quyết được tất cả vấn đề trong doanh nghiệp", Khôi nói.
4- Chết vì có tiền
Tư thế chết cuối cùng là của chính Wefit. Có tiền rồi chưa chắc đã "ngon". Chết vì có tiền là bài toán thường gặp khi tiền vượt quá khả năng quản trị về tài chính của team sáng lập.
"Khi có tiền, chúng tôi nghĩ mình là "vô địch thiên hạ", và bắt đầu làm một số chiến dịch marketing. Chiến dịch khá hoành tráng và đổ khá nhiều tiền. Chiến dịch khá thành công dù không đạt kỳ vọng, nhưng sau nhìn lại thì phát hiện mình không còn đồng nào".
"Chúng tôi không quản trị được dòng tiền ấy, và phải nợ lương của các Cofounder trong vòng 1 tháng. Lần ấy chúng tôi đã "đánh sạch kho thóc", may mà lấy tiền tháng này bù tháng trước vẫn có thể tồn tại được", Khôi thẳng thắn chia sẻ.
Chia sẻ thất bại của chính bản thân mình, Khôi cho rằng bài học lớn là: Quan trọng nhất không phải chúng ta có thể tránh được cái chết hay không, mà quan trọng là khi gặp rồi thì chúng ta đứng dậy như thế nào.
"Chết phải chết smart, chết xong phải dứng dậy thật nhanh. Còn càng ngồi buồn, càng băn khoăn về cái chết ấy thì càng lâu đứng dậy được, và có thể gục ngã luôn", Khôi nói.
WeTALK số 2 của CafeBiz với chủ đề Khởi nghiệp nhưng đừng sạt nghiệp sẽ phát sóng trên fanpage vào 13h30 ngày 11/4. Khách mời gồm:
- Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, vị Shark khó tính nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam
- Ông Hùng Đinh - CEO DesignBold
- Ông Hoàng Tùng - Founder Pizza Home & Co-Founder Mopi
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ