Giá như người ta đều biến mỗi lần bị chỉ trích thành cơ hội để hoàn thiện mình một cách vui vẻ và tự nguyện, thì cần gì phải đi tìm thiên đường ở nơi đâu? Nói rõ hơn, nếu người khác góp ý đúng thì chúng ta lắng nghe và nỗ lực sửa đổi. Nếu người khác nói sai thì ta cũng chẳng nên chấp nhặt, để vào lòng.
Là người Việt, chắc ít nhất một lần trong đời chúng ta từng nghe những câu ca dao này:
“Chuột chù chê khỉ rằng hôi Khỉ mới trả lời, cả họ mày thơm”
Hay:
“Lươn ngắn lại chê trạch dài Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”
Cổ kính quá! Chắc có bạn nghĩ thế. Vậy có câu này mới hơn:
“Chó chê mèo lắm lông Mèo chê chó ăn dông ăn dài”…
Vậy hàm ý của những câu nói trên là gì? Có hai ý chính:
Ý thứ nhất, phía người nói: Nói người khác phải ngẫm đến bản thân mình trước. Do đó nó có tác dụng cảnh báo người nói.
Ý thứ hai, phía người nghe: Người nghe vẫn nên tiếp nhận góp ý và sửa mình nếu lời chê bai, góp ý đó đúng. Vì rốt cục cả hai đều có lỗi.
Nhưng thông thường, người ta chỉ quan tâm đến vế thứ nhất. Do vậy, mới dẫn đến những lời công kích sau đây:
“Anh cũng thế, hơn gì tôi mà chê?”.
Hoặc: “Đã làm được gì cho người khác (cho đất nước) chưa mà to mồm thế?”.
Hoặc: “Anh cứ làm tốt đi đã rồi hãy chê người khác”.
Hoặc: “Nói thì hay lắm, nhìn lại mình đi”.
Hoặc: “Chú tuổi gì…”.
Hoặc: “Đúng là anh hùng bàn phím!”.
Hoặc: “Lạy hồn…”.
…và những biến thể kinh dị khác mà bài viết không dám nhắc đến.
Thật là tài tình, những phản hồi ấy làm người nói nín lặng ngay lâp tức nhưng trong lòng bực dọc, hoặc là sẽ cãi nhau to, biết đâu còn đánh chửi nhau nữa. Tuy nhiên, không ai có thể tốt lên từ những phản ứng kiểu ấy, vì nội dung góp ý đã bị lờ đi.
Thoạt đầu thì phản ứng theo kiểu “cứ làm tốt đi đã rồi hãy nói người khác” nghe có vẻ rất hợp lý và cao thượng. Nhưng không, đó là sự lừa gạt. Ấy là một lỗi ngụy biện cơ bản, một kỹ thuật “bỏ bóng chèn người” rất điêu luyện mà lắm lúc trọng tài, khán giả và chính bản thân người thực hiện kỹ thuật ấy một cách vô thức cũng không phát hiện ra.
Mấy câu này mắc ít nhất hai lỗi ngụy biện:
1. Ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem): Thay vì bàn luận logic chủ đề đang bàn, người sử dụng luận điểm này lại quay qua sỉ nhục, chửi rủa cá nhân người tranh luận để làm mất uy tín lời nói anh/chị ta. Việc anh A làm cái gì, không làm được cái gì không liên quan đến tính logic điều anh ta đang tranh luận.
2. Ngụy biện “anh cũng vậy” (tu quoque fallacy): Thay vì bàn đến tính logic của trao đổi, kẻ sử dụng ngụy biện này sẽ dùng các đặc tính thiếu sót, chưa hoàn thiện của người đối thoại, để từ đó phủ định ý kiến của anh ta. Câu nói ví dụ hàm ý “anh cũng chả làm được gì mà nói người ta”, hàm ý “anh cũng chả hay ho gì, anh cũng bậy bạ vậy” chính là tu quoque fallacy.
Vậy thì, ai mới là người được quyền góp ý hay chỉ trích đây, vì có ai là hoàn hảo nhỉ? Nếu hoàn hảo thì ta đâu còn là người, mà là những vị Thánh, Thần, Tiên, Phật. Vậy chỉ có những bậc cao cả không tì vết đó mới được quyền chấn chỉnh, giáo huấn chúng ta thôi sao? Nếu thực sự có vị Thần đó ở trước mặt chúng ta với hình dáng của một người bình thường thì chúng ta có nhận ra được họ cao cả và hoàn thiện hơn chúng ta hay không? Chúng ta có lắng nghe họ hay không? Có làm theo họ hay không? Thực tế cho thấy:
– Chúa Jesus đã bị con người bán đứng, bị kết tội, bị rủa xả ném đá, bị nhạo báng, bị chọc giáo vào người và bị đóng đinh trên cây thập tự, chịu đau đớn khôn cùng.
– Phật Thích Ca Mâu Ni trong suốt cuộc đời truyền Đạo 49 năm luôn bị Bà La Môn giáo nguyền rủa là ‘kẻ dụ dỗ người ta vào con đường hủy diệt’. Ngài còn bị Phật tử đồng thời là em họ Đề Bà Đạt Đa nhiều lần hãm hại và muốn thủ tiêu.
– Nhà hiền triết Hy Lạp Socrates, con người đức hạnh và rao truyền về đức hạnh và chân lý của thành Athen, cuối cùng cũng bị ép uống độc dược mà chết.
– Đức Lão Tử, vì thấy thế gian hiểm ác và mê mờ, vội vàng viết và bỏ lại cuốn Đạo Đức Kinh rồi vượt ải Hàm Cốc biến mất trong sa mạc phía Tây.
– Vẫn còn đó Đại Giác Giả của đương đại bị con người hãm hại, nói xấu mà kể ra không hết.
Ẩn giấu sau ngụy biện kiểu này là tâm lý tự ái, dễ dãi với bản thân. Vì không ai có thể đủ tốt để góp ý, vậy thì ta thích gì cứ làm thôi. Hôm nay thấy một người vứt chuột chết ra đường, ta im lặng vì có lúc ta cũng vứt rác ra đường. Ngày mai đi chợ thấy người bán hàng bơm hóa chất vào sầu riêng cho chóng chín, ta im lặng vì ta cũng có lúc bơm nước vào vịt để bán cho khách hàng, v.v. Và ta im lặng để ta có thể tiếp tục làm như thế.
Hãy cứ khuyến khích mọi người lầm lỗi, rồi quảng bá một thứ văn hóa ngụy biện: “Anh cứ làm tốt đi rồi hẵng nói người khác”. Đấy là hai bước rất nham hiểm của ma quỷ để khống chế con người. Một khi đã trót “nhúng chàm”, nạn nhân trở nên cấm khẩu, mất quyền lên tiếng. Thế là kẻ xấu cứ ung dung mà làm loạn xã hội, không ai có thể ngăn cản được.
Ấy là điều mà cụ Nguyễn Du đã từng viết: “Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”.
Tại sao không phải là nhìn thấy bất cứ điều sai trái gì, bất kể là của mình hay của ai khác, thì đều phải lên tiếng để chấn chỉnh? Và tại sao không nhìn vào nội dung của sự việc cần chấn chỉnh mà lại cứ công kích vào cá nhân nói ra điều đó? Đã là sai lầm, thì dù của ai cũng phải sửa.
Chúng ta chỉ phản đối việc vứt chuột chết hay vứt rác ra đường, hay việc bơm thuốc vào sầu riêng hay bơm nước vào vịt và những việc xấu khác chứ không vì lòng yêu ghét với cá nhân làm việc đó. Thế thì xã hội đẹp biết bao nhiêu.
Hóa ra, trên đời này, không còn ai có thể góp ý hay chê trách người khác nữa. Và người ta sửa sai không phải vì mình mà là vì người khác? Chúng ta từ quá lâu rồi đã được dạy rằng: “Hãy tìm nguyên nhân của thành công hay thất bại từ bên ngoài, từ những cá nhân, phương tiện bên ngoài”. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm cần phải thay đổi.
Nhà văn Andersen có kể về chuyện một con quỷ đã làm ra một tấm gương mà ai soi mình vào đấy cũng bị méo mó dị dạng. Quỷ rất vui sướng vì đã làm ra tấm gương mà theo hắn “phản ánh bộ mặt thật của thế giới và loài người”. Lũ quỷ còn mang tấm gương lên trời để soi cho cả Chúa Trời và các Tiên Thánh. Nhưng chúng sao có thể làm được chuyện đó, tấm gương đã vỡ tan thành muôn vàn mảnh nhỏ. Những mảnh nhỏ ấy bắn vào mắt ai thì người đó chỉ nhìn thấy được sự xấu xí và lỗi lầm của người khác. Nếu nó bắn vào tim ai thì tim họ sẽ trở nên lạnh như nước đá. Tấm gương quỷ thật là lợi hại.
Những mảnh gương quỷ ấy làm chúng ta chỉ hướng ra bên ngoài để tìm lỗi của người khác chứ không hướng vào trong nội tâm để sửa mình. Nó làm chúng ta giận run lên mất hết cả lý trí mỗi khi nghe người khác phê bình chỉ trích mình, và ta mất bình tĩnh đến nỗi phải tìm ngay lời lẽ gì để công kích cho thỏa mãn tự ái cá nhân. Dù nói càn nói ẩu cũng được.
Giá như người ta đều biến mỗi lần bị chỉ trích đó thành một cơ hội để hoàn thiện mình một cách vui vẻ và tự nguyện, thì cần gì phải đi tìm thiên đường ở nơi đâu? Nói rõ hơn, nếu người khác góp ý đúng thì chúng ta lắng nghe và nỗ lực sửa đổi. Nếu người khác nói sai thì ta cũng chẳng nên chấp nhặt, để vào lòng. Việc tốt, ta cứ làm. Nếu họ xỉ vả chửi bới, vu vạ chúng ta thì họ tự nghe, vì mồm họ gần tai họ nhất. Vì Đức Phật Thích Ca đã có lần nói rằng: “Ông chửi ta, ta không nhận thì thôi”. Rõ ràng, ai nói sai thì người đó nhận khẩu nghiệp. Cuộc đời rất công bằng nếu chúng ta nhìn xa hơn và rộng rãi hơn một chút, có phải vậy không thưa quý độc giả?
Rất mong nhận được sự góp ý, chia sẻ, tâm sự của bạn đọc gần xa để bài viết được hoàn thiện hơn, cũng là chúng ta cùng làm đẹp hơn cho cuộc đời.
Ký tên: VB – Một con mèo lắm lông
Có thể bạn quan tâm: