Trong những ngày nắng nóng kéo dài như hiện nay thì điều hòa gần như là một lựa chọn hiển nhiên giúp chúng ta hạ nhiệt cơ thể và làm mát không gian sống của mình. Thế nhưng, không phải ai cũng muốn, hoặc đủ điều kiện, để liên tục sử dụng loại thiết bị này. Và lý do thì rất đa dạng: Có thể là vì tài chính không cho phép, trong khi điều hòa tiêu tốn điện năng khủng khiếp; hay cũng có thể là do yếu tố thẩm mỹ khi bạn không thể lựa chọn vị trí phù hợp nhất để lắp đặt điều hòa trong căn phòng của mình.
Đó chính là lý do khiến các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Hoa Nam (Trung Quốc) đã chế tạo ra một loại cửa sổ thông minh, có công dụng giảm nhiệt vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. Đáng chú ý hơn cả là loại cửa sổ này không hề tiêu tốn quá nhiều năng lượng trong quá trình sử dụng và thậm chí có thể giảm một nửa hóa đơn tiền điện của bạn.
Các nhà khoa học đã chế tạo thành công loại cửa sổ thông minh có thể tự phát điện và làm mát phòng nhờ ánh sáng mặt trời.
Về cơ chế hoạt động, loại cửa sổ thông minh này sẽ ngăn cản phần lớn ánh nắng mặt trời xâm nhập vào phòng, đồng thời lại hấp thụ luôn phần ánh nắng đó để sản sinh ra điện và lưu thông khí mát. Hay nói cách khác, nó gần như không sử dụng đến nguồn điện mà bạn cung cấp, qua đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền điện mỗi tháng.
Giáo sư Hin-Lap Yip của Đại học Công nghệ Hoa Nam cho biết có thể xem loại cửa sổ này là phiên bản hữu cơ của các tấm pin quang điện mặt trời. Chúng không chỉ tiết kiệm điện năng mà còn cực kỳ thân thiện với môi trường và có độ bền rất cao.
Ông cũng chỉ ra rằng các tấm pin quang điện hữu cơ có khối lượng nhẹ hơn cũng như tính thẩm mỹ cao hơn so với pin quang điện silicon truyền thống trước đây. Sau khi trải qua quá trình gia công đặc biệt, những tấm pin hữu cơ này sẽ biến thành những tấm phim bán trong suốt, vừa nhẹ lại vừa có nhiều màu sắc, được tích hợp vào cửa sổ để biến thành một cỗ máy phát điện và cách nhiệt.
Nguyên lý hoạt động của loại cửa sổ này bao gồm 3 quá trình nhỏ diễn ra song song và cân bằng với nhau. Trong đó bao gồm: Hấp thụ ánh sáng (cận hồng ngoại) để phát điện; ngăn cản một phần ánh sáng (hồng ngoại, cực tím) để tránh tỏa nhiệt ra không gian sống của người dùng; và vẫn cho phần ánh sáng còn lại xuyên qua như chức năng của một chiếc cửa sổ thông thường.
Loại cửa sổ này sẽ ngăn tia hồng ngoại và cực tím để tránh sinh nhiệt, đồng thời vẫn để vùng ánh sáng mà mắt thường nhìn thấy có thể xuyên qua.
Tuy nhiên, giáo sư Yip cũng tiết lộ trong quá trình thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu của ông đã không sử dụng những chất liệu quang điện hữu cơ tốt nhất hiện nay mà vẫn đạt được kết quả ngoài mong đợi. Điều này cho thấy trong tương lai loại cửa sổ này sẽ còn được cải tiến và nâng cấp nhiều hơn nữa để có thể phát huy tối đa hiệu quả mang lại.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tin rằng loại cửa sổ này sẽ dọn đường cho những công nghệ mới trong tương lai. Trong đó đáng kể nhất chính là mẫu nhà kính thông minh có khả năng tự cung cấp và tiêu thụ năng lượng mà họ đang theo đuổi.