Thiếu xe, khách chờ
Khó khăn nhất thuộc về Lexus. Thương hiệu này có 2 đại lý tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng cả tháng 5 vừa qua không bán được chiếc xe nào, còn tháng 4 bán được 1 chiếc. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2018, doanh số bán xe của Lexus đạt 83 chiếc, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả đều là xe nhập khẩu từ năm 2017 để lại.
Các thương hiệu xe sang khác phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, như Audi, Land Rover, Volvo,... cũng tương tự, hiện không có xe để bán. Mỗi thương hiệu xe sang đều có hàng trăm khách hàng đặt mua xe và đang phải chờ đợi.
Hơn 4 tháng trở lại đây, tình hình kinh doanh của Lexus rất thảm hại.
May mắn hơn cả có lẽ là Mercedes-Benz Việt Nam, do còn nguồn cung từ xe sản xuất lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, doanh số cũng giảm mạnh. Theo số liệu của hãng, tháng 5/2018 bán được 414 chiếc, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn cả 5 tháng đầu năm nay, Mercedes-Benz Việt Nam bán được 2.151 chiếc, giảm 21% so với cùng kỳ 2017.
Ngay cả xe lắp ráp trong nước cũng gặp khó. Mẫu S Class 450 dự kiến ra mắt và đầu tháng 12/2017 đã phải lùi tới đầu tháng 6/2018 do Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu cung cấp thêm nhiều chứng nhận mới liên quan đến vấn đề kỹ thuật. Hơn 100 khách hàng đã phải chờ đợi mẫu xe này trong nửa năm.
Hiện thị trường rất thiếu các mẫu xe sang nhập khẩu nguyên chiếc của Lexus, Audi, Mercedes, Land Rover,... Nguồn cung khan hiếm khiến cho thị trường bế tắc. Từ đầu năm tới nay, chỉ có một số xe sang về nước theo đường quà biếu, quà tặng nhưng không nhiều và chủ yếu được đặt hàng từ trước. Ngay cả thị trường xe sang cũ giá cũng tăng, một số mẫu xe ăn khách, nguồn cung cũng trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu cao.
Nhân viên bán xe tại đại lý Audi ở Hà Nội cho biết, có nhiều khách hàng gọi đến để hỏi khi nào có xe, phải chờ bao lâu nữa,... nhưng anh cũng chẳng biết trả lời thế nào, chỉ biết động viên khách hàng chờ đợi.
Xe sang vẫn chưa thể về
Nguyên nhân khan hiếm là do xe sang nhập khẩu đang vướng quy định mới tại Nghị định 116.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho hay, xe nhập từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,... vẫn chưa xin được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Chính phủ các nước này từ chối cấp, buộc DN phải xin của bên thứ ba. Một số xe sử dụng giấy chứng nhận cấp cho xe lưu hành nội địa tại các nước châu Âu, nhập về phù hợp mới được thông quan, không phù hợp không được thông quan.
Dự báo thị trường xe sang sẽ còn thiếu hàng, nhiều mẫu xe có nguy cơ biến mất tại Việt Nam.
Có nhiều mẫu xe được các DN nhập về từ tháng 1/2018, đến nay chưa giải quyết xong thủ tục, chưa thể thông quan, vẫn chờ tại cảng.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tuần đầu tháng 6/2018, lượng ô tô nguyên chiếc đăng ký tờ khai nhập khẩu vào Việt Nam có 922 xe các loại. Trong số đó, có 647 xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Xe xuất xứ từ Thái Lan chiếm 564 chiếc, xe Trung Quốc 36 chiếc, Đức có 29 chiếc, còn lại là từ Thụy Điển, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Như vậy có thể thấy, xe sang nhập khẩu chưa thể về Việt Nam.
Với các đại lý kinh doanh xe sang, đây là thời điểm khó khăn. Mỗi tháng bán được vài chiếc xe còn tồn từ 2017 để lại, hoặc không bán được chiếc nào, thì cầm chắc thua lỗ. Đại lý xe sang thường có chi phí đầu tư, thuê mặt bằng, quản lý,... lớn gấp nhiều lần so với xe bình dân, khi doanh số bán không có, chỉ dựa vào dịch vụ sửa chữa, bảo dưởng không thể cân đối được về tài chính. Vậy mà gần 5 tháng nay không có xe để bán và khách hàng thì cứ phải chờ đợi.
Một số đại lý xe sang tiết lộ rằng họ đang lỗ hàng tỷ đồng mỗi tháng và không biết tình trạng này còn kéo dài đến khi nào?
Bộ GTVT khẳng định, đến nay các DN nhập khẩu không còn gặp vướng mắc liên quan đến Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô. Thực tế, các dòng xe từ nhiều thị trường khác nhau như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đức và một số quốc gia châu Âu, đã nhập khẩu về Việt Nam mà không gặp phải khó khăn, vướng mắc gì.
Tuy nhiên, các DN xe sang cho biết, họ đang vất vả với Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, bởi loại giấy này không tồn tại ở nhiều quốc gia. Họ đã cố gắng “lo” để có giấy nhưng cũng chưa chắc phù hợp với những chiếc xe nhập về. Với những vướng mắc này, dự báo thị trường xe sang sẽ còn thiếu hàng, nhiều mẫu xe có nguy cơ biến mất tại Việt Nam.
Theo Trần Thuỷ (VietnamNet)