Khi quyết định khởi nghiệp, hay bắt đầu một mô hình kinh doanh của riêng mình sẽ đặt các nhà sáng lập vào cảnh thường trực phải đối diện với khó khăn, phải ăn, ngủ cùng những vấn đề của doanh nghiệp mình.
Thậm chí, nếu có những lúc cảm thấy startup của mình đã 'hết' các vấn đề cần giải quyết, thì các vị CEO không nên vui mừng. Thậm chí, họ nên đề phòng rằng công ty mình sắp có thể sẽ 'lao xuống vực'.
Đây cũng chính là những lời 'cảnh báo' về thực tế khởi nghiệp mà ông Trần Trí Dũng - Thư ký của chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam" (Vietnam Mentors Initiative - VMI) - dành cho những bạn trẻ tham dự Buổi giới thiệu cuộc thi IoT startup năm 2018 với chủ đề 'Builiding IoT-based Smart City'.
Được biết, 'Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam' (VMI) là một chương trình hỗ trợ phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Được khởi xướng bởi Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF), VMI kết nối các nhà cố vấn (mentor) với các bạn trẻ khởi nghiệp. Trong danh sách các nhà cố vấn, có thể kể đến những cái tên quen thuộc với giới startup ở Việt Nam như ông Trịnh Minh Giang hay CEO Tuấn Hà của Vinalink.
Cũng là một nhà cố vấn trong VMI, ông Trần Trí Dũng có cơ hội làm việc với nhiều startup trẻ. Với kinh nghiệm của mình, ông vạch trần những thực tế không hề màu hồng về cuộc đời startup:
"Có những khi khó khăn sẽ đánh bật ý định startup của mình. Mình tăng vốn vào để mở rộng quy mô kinh doanh nhưng rồi tăng vốn thêm lại làm lỗ thêm...
... Mình mở thêm 1 cửa hàng với kỳ vọng doanh số phải cao lên, phải gấp đôi lên. Nhưng không phải, doanh số cuối cùng lại hụt đi".
Như thế, theo ông Dũng, những bạn trẻ làm startup sẽ luôn cảm thấy 'mọi thứ thường xuyên lung tung hết cả lên'. Hết vấn đề này đi lại đến vấn đề khác tới, "câu chuyện của bạn khi startup là phải liên tục, giải quyết các vấn đề, tưởng chừng nhỏ nhưng có thể chặn bước tiến của startup của bạn", ông Dũng nói.
Tất nhiên, những người làm startup nếu thấy khó khăn cũng chớ có 'ngã tay chèo'. Theo vi cố vấn từ VMI, dù khó khăn liên tục là thế nhưng nếu thiếu vắng chúng, rất có thể startup đang gặp vấn đề. Thực tế là không có một startup nào tồn tại khỏe mạnh mà không phải vượt quả đủ những khó khăn cả.
"Khi nào cái xe bon bon chạy bạn cảm thấy sắp sửa hết sạch các vấn đề để giải quyết thì lúc đó tức là lúc sắp lao xuống vực. Còn nếu mình thấy nó còn gập ghềnh, còn khúc khuỷu... thì cũng đừng lo vì khởi nghiệp là như vậy. Tuy nhiên, vẫn cần vô cùng cảnh giác", ông Dũng lưu ý.
Chính vì thực tế không hề màu hồng, những cuộc thi kết nối các nhóm khởi nghiệp trẻ và các nhà cố vấn, những nhà đầu tư là vô cùng quan trọng. Ông Dũng nhấn mạnh các cuộc thi như IoT startup sẽ là một bệ phóng đẩy các startup tiếp cận với cộng đồng những doanh nhân dày dặn và muốn truyền lại kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.
"Giải thưởng quan trọng nhất chúng ta lấy được là các nguồn lực, các mối quan hệ. Những thứ đó sẽ là của các bạn, không cần có hội đồng, hay ban giám khảo nào đánh giá cả. Bạn có thể tìm được một người sẵn sàng lắng nghe ý tưởng kinh doanh của bạn, sẵn sàng dùng thử, thậm chí là quan tâm để rót vốn vào. Đó là những lợi ích rất quý giá của các cuộc thi".
Hiện tại, IoT Startup là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao tổ chức. Sự kiện nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê sáng tạo trong lĩnh vực IoT nơi các bạn trẻ và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Qua đây các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT được hỗ trợ phát triển, ươm tạo và thành lập, góp phần tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp về Internet vạn vật
Trải qua 2 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 10.000 lượt quan tâm theo dõi và 150 dự án tham gia. Trong đóm, một số dự án tiêu biểu có thể kể đến là Hệ thống đèn đường thông minh S3, Hệ thống mạng giám sát môi trường nông nghiệp ngư nghiệp Aevisor - Fman, Khóa thông minh Gtek Lock (ATOVI)...
Nhất Hạnh
Theo Trí Thức Trẻ