Người ta thường nói: “Trên đời không có gì cao quý bằng tình mẫu tử”, vậy mà có những người mẹ lại nhẫn tâm bỏ đi khúc ruột của mình. Khi nghĩ đến đây có lẽ ai cũng thấy căm phẫn những người mẹ vô tình ấy. Nhưng, nếu là người trong cuộc và đứng trên một phương diện khác để cảm nhận thì người mẹ ấy đáng thương nhiều hơn hay đáng trách.
Lang thang trên các trang mạng xã hội chắc hẳn mỗi chúng ta ít hay nhiều cũng đọc những tin tức liên quan đến “mẹ bỏ con nhân lúc mượn người lạ bế, mẹ chôn sống con, mẹ bỏ con trong nhà xí, mẹ phá thai khi con đã nhiều tháng tuổi…” và kèm sau đó là những lời bình luận gay gắt. Nhưng mấy ai đặt câu hỏi rằng: “Đến hổ dữ còn không ăn thịt con, con người có thể tàn nhẫn với người khác nhưng sao lại có thể tàn nhẫn với khúc ruột của mình. Phải chăng có nỗi niềm nào đằng sau mà họ lại phải làm như thế!?”.
Đúng là người mẹ như vậy thật đáng trách, nhưng trên đời “không có lửa thì làm sao có khói”. Chúng ta có thể từ bi, dành một chút cảm thông để đồng cảm với những câu chuyện đằng sau đó của họ, và cho những người mẹ này thêm một lần nữa được yêu thương, không bị xã hội kỳ thị và có cơ hội làm một con người chân chính.
Khi đứa trẻ bị bỏ rơi, thì ắt hẳn người mẹ ấy không có khả năng nuôi dưỡng, hoặc bị stress trong thời gian dài vì thiếu thốn tinh thần lẫn vật chất, hay bị ngược đãi hoặc bị kỳ thị… Rất rất nhiều nguyên nhân đằng sau mà khi mỗi người trong chúng ta ngồi suy ngẫm đều có thể cảm nhận được thân phận truân chuyên của người phụ nữ ấy.
Ví như có câu chuyện một nữ sinh kia chưa tốt nghiệp đại học mà lỡ trót dại mang bầu, bạn trai biết tin đã ruồng bỏ cô. Nữ sinh đó đã sống trong cảm giác sợ hãi nếu bị gia đình phát hiện, sợ xấu hổ bị bạn bè xa lánh nên đã cố che giấu thai nhi dù đã lớn, thêm nữa không một chút kiến thức khi mang bầu khiến cô bị sinh non trên tầng thượng ký túc xá. Vì quá hoảng loạn, sợ hãi, stress trong thời gian dài cô đã quẫn trí vất luôn đứa bé từ tầng thượng xuống đám đất sau khuôn viên trường và sau đó bị phát hiện. Đọc đến đây ắt hẳn ai cũng biết kết quả của nữ sinh đó, cô bị ghẻ lạnh, kỳ thị của tất cả mọi người, từ bạn bè, thầy cô cho đến gia đình. Vậy cô thật sự đáng thương hay đáng trách?!
Cơ thể của phụ nữ sau sinh rất yếu đuối, vì thế mà có căn bệnh người ta nói là “trầm cảm sau sinh” hay “sản hậu”. Để một sinh mệnh được đến với thế giới này, người phụ nữ phải trả giá bằng sự đau đớn tột cùng trong đó có cả máu và nước mắt, có thai đã khổ mà lúc trở dạ còn khổ hơn nên mới có câu là “mang nặng đẻ đau”. Cơ thể “liễu yếu đào tơ” mỏng manh phải qua cơn vượt cạn đầy đau đớn đến kiệt sức nên ông bà mới khuyên sau sinh phải “ở cữ 3 tháng 10 ngày, không ra gió, không động nước, không làm việc nặng, không được nghe tin xấu, tinh thần luôn vui vẻ, nếu không sau này lớn tuổi sẽ hối hận vì sức khỏe suy sụp…”.
Vậy chúng ta hãy cùng nghĩ về người mẹ trên, sinh con trong lúc không người thân bên cạnh, stress, hoảng loạn thì “làm điều dại dột” phải chăng là việc dễ hiểu?! Cuộc sống sau này của cô bé ấy liệu sẽ bình yên hay muôn vàn sóng gió. Người ta thường nói khổ về thân thể, vật chất bên ngoài thì còn dễ chịu, chứ nỗi khổ về tinh thần mới thật thấu tận tâm can. Con người vốn dĩ ai chẳng mắc phải sai lầm, nhưng người biết khắc phục sai lầm để hoàn thiện mình và trở thành một người tốt hơn thì cũng chẳng ai muốn nhắc lại quá khứ của họ cả. Vậy thay vì miệt thị, khinh nhờn thì có thể cho họ một chút hơi ấm của sự chia sẻ cảm thông, có lẽ sẽ giúp họ hồi sinh thành một con người mới chín chắn hơn, vị tha hơn, biết trân trọng yêu thương sinh mệnh và cuộc sống hơn là xa lánh, ruồng bỏ và xem họ như một kẻ tội đồ.
Tôi còn nhớ một câu chuyện như thế này. Có một kẻ sát nhân khét tiếng ở Mỹ đã phạm tội giết chết tổng cộng 48 phụ nữ, kẻ sát nhân ấy là Gary Leon Ridgway. Ngày bắt được anh ta để cáo buộc trước phiên tòa, gương mặt tên sát nhân dường như lạnh băng vô cảm trước những tiếng khóc thê lương, hay lời nhục mạ căm phẫn của những người thân của tất cả các nạn nhân, thậm chí anh ta còn nói rằng bản thân không thể nhớ mặt tất cả những người anh ta đã sát hại, họ là ai và như thế nào. Tuy nhiên… một người cha già khắc khổ, trong nỗi buồn vô tận bước lên trước tòa từ từ chậm rãi nói rằng: “Anh Rigway, có những người ngồi đây rất căm hận anh, nhưng tôi… sẽ không nằm trong số đó. Anh khiến cho tôi thật khó khăn… để có thể sống đúng theo những gì tôi đã hằng tin tưởng… Và đó cũng là những gì Chúa đã dạy cho chúng ta. Vâng, đó chính là… tha thứ. Anh được tha thứ, thưa anh!”. Gương mặt tên sát nhân bỗng dưng thay đổi, anh ta đã bậc khóc, có lẽ đây là tiếng khóc đầu tiên trong suốt cả cuộc đời của anh ta.
Vâng, lòng từ bi, sự khoan dung là tất cả những gì mà các bậc Giác Giả đã dạy chúng ta, đó là sức mạnh vô hình to lớn có thể làm tan chảy những trái tim sắt đá nhất và khiến những người lầm lỗi phải biết tự nhìn vào chính mình.
Những người mẹ trong lúc quẫn trí, dại dột đã bỏ rơi con của mình nhưng chắc hẳn sâu thẳm trong nội tâm của họ cũng bị sự ân hận dày vò đến suốt cả cuộc đời. Nếu xã hội nhìn họ bằng sự căm phẫn chỉ khiến họ càng rơi vào sự tận cùng của tuyệt vọng không lối thoát. Chi bằng chúng ta có thể như người cha già kia cho họ một sự cảm thông, tha thứ.
Mà nếu xét về lỗi, chúng ta không nên chỉ trách mình họ mà hãy trách cho những người là thân phận nam nhi nhưng không đủ bản lĩnh che chở cho người phụ nữ của mình. Dù là bất cứ lý do gì, nhưng khi người phụ nữ đã trót mang giọt máu của mình thì bản thân là nam nhi phải có trách nhiệm cảm thông chia sẻ và ở bên cạnh người phụ nữ ấy trong những lúc khó khăn nhất như vậy. Bởi lúc đó, họ không phải chỉ có trách nhiệm với mỗi một sinh mệnh mà đến hai sinh mệnh đang nằm trong tay họ. Vậy nhưng họ lại tàn nhẫn chỉ nghĩ đến bản thân mà bỏ rơi hai mẹ con, để xảy ra những kết cục không hay như vậy. Do đó, chúng ta không nên đổ lỗi hết cho phụ nữ mà đáng trách hơn là người đàn ông từng đi bên cạnh họ.
Câu chuyện gần đây nhất mà tôi được nghe trên báo mạng là người mẹ chôn sống con của mình, may mắn đứa bé được thoát chết. Một sự thật bất ngờ thêm vào đó là, người mẹ ấy đã có chồng cùng hai đứa con đã lớn, nên cũng đã trải qua tình mẫu tử. Có lẽ ai cũng cáo buộc người mẹ ấy thật vô tình, tuy nhiên bản thân tôi nghĩ rằng đằng sau đó hẳn có nỗi niềm riêng. Có lẽ cuộc sống mưu sinh quá chật vật, nuôi con quá vất vả, chồng lại không có khả năng làm ăn, kinh tế thiếu thốn, thêm phần ít học văn hóa hạn chế nhận thức nên mới làm việc không đáng có của một người mẹ.
Rồi biết bao người mẹ trót dại phải đi phá thai, để đằng sau đó phải chịu di chứng bệnh tật dày vò. Mỗi một câu chuyện được bàn tán xôn xao, khinh nhờn miệt thị thì uẩn khuất đằng sau là một câu chuyện, một nỗi niềm thầm kín bi thương mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Khi sự thật tàn nhẫn được phơi bày trước mắt khiến ai đó cũng có thể dấy lên lòng căm phẫn, nhưng đằng sau đó có thể là những câu chuyện đầy nước mắt.
Trong lúc bồng bột, quẫn trí người mẹ có thể bỏ rơi con mình, nhưng tôi tin chắc rằng suốt một đời người mẹ ấy phải sống trong sự dằn vặt đau đớn khi nhìn lại, thêm nữa là các di chứng về sức khỏe lẫn tinh thần sẽ khiến họ kiệt quệ. Đó phải chăng là bản án lương tâm quá lớn, mà chúng ta không nên thêm một bản án nào khác nữa đè nặng lên đôi vai họ. Và những người con của người mẹ ấy, khi lớn lên, xin hãy dành cho họ một sự tha thứ, bởi có lẽ “bất đắc dĩ” mà họ phải làm như thế. Và hơn hết sự tha thứ ấy sẽ như ánh vàng kim lóe sáng soi rọi những mảng tối bên trong tâm hồn và giúp cho những ai đã từng lầm lỗi sẽ trở thành một con người tốt đẹp hơn.
Nhã Thanh
Có thể bạn quan tâm: