Chờ cả nửa năm
Một số nguồn tin cho biết, số lượng xe Toyota Fortuner nhập khẩu về nước đợt đầu khoảng 800 chiếc, sau đó dự kiến mỗi tháng sẽ về một lô khoảng 1.000 chiếc. Với số lượng trên, chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng cả nước. Trước đây, doanh số bán Fortuner vào khoảng 14.000 xe/năm. Trong khi 7 tháng đầu năm 2018 không có xe bán ra. Vì vậy, 5 tháng cuối năm có nhập về 5.000 xe cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Cho dù đến thời điểm hiện tại chưa có xe nào bán ra, nhưng tại các đại lý Toyota, số lượng khách hàng đặt hàng ngày một tăng. Gọi điện tới các đại lý hỏi đặt mua hai phiên bản Fortuner 2.8L, 2 cầu, máy dầu, số tự động và bản 2.7V, 1 cầu máy xăng số tự động đều rất khó khăn.
Nhu cầu xe Toyota Fortuner cao khiến các đại lý găm hàng và làm giá.
Một số đại lý không nhận đặt hàng với 2 phiên bản này. Một số đại lý nhận đặt hàng thì không hẹn ngày giao xe, cho biết khách muốn cứ đặt, nhưng khi nào có xe thì giao. Hỏi thời điểm nào có thể có xe thì nhân viên trả lời chắc phải sang năm 2019, nhưng không thể trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Các đại lý đều nhận đặt hàng với hai phiên bản thấp cấp là 2.4 máy xăng, 1 cầu số sàn và 2.4 máy dầu 1 cầu, số tự động. Tuy nhiên, muốn nhận hàng khách cũng phải đợi đến tháng 10. Mặc dù vậy, nhân viên bán hàng của các đại lý cho biết thời điểm giao xe cũng chỉ là dự kiến, chứ không phải đã chốt chắc chắn, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Các đại lý Toyota cho biết đợt đầu Fortuner về, mỗi đại lý chỉ được nhận khoảng 20 xe, trong đó 2 bản cao cấp máy dầu 2.8L và máy xăng 2.7L chỉ có khoảng 5-6 chiếc, số lượng này không thấm vào đâu so với đơn đặt hàng tới hàng trăm chiếc đang chờ.
Tuy nhiên, một số khách hàng phản ánh, nhân viên bán hàng gợi ý, nếu muốn lấy xe sớm, thì khách có thể mua thêm một bộ phụ kiện do đại lý bán kèm theo. Tùy từng đại lý mà giá trị của gói phụ kiện đó có giá khác nhau, dao động từ 80-100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cũng có thể dắt mối, cho gặp một số khách hàng đặt xe sớm, nhưng không phải mua để sử dụng mà bán lại, cho hai bên tự thỏa thuận giá.
Với mẫu Honda CR-V cũng tương tự, hiện nay nếu khách đặt hàng thì sẽ nhận giao xe vào đầu năm 2019. Song, thời hạn giao hàng cũng chỉ là dự kiến chứ không chắc chắn. Nếu đến thời điểm đó không có hàng giao, có thể hủy hợp đồng trả lại tiền đặt cọc cho khách.
Đại lý cò quay khách hàng
Xe nhập khẩu về nhỏ giọt, những mẫu xe ăn khách như Honda CR-V hay Toyota Fortuner,... có nhu cầu lớn, nguồn cung thấp là nguyên nhân khiến giá bị đẩy lên. Trong khi đó, các mẫu xe của các đối thủ cạnh tranh như Ford Everest hay Mitsubishi Pajero,... hiện vẫn chưa biết chính thức khi nào sẽ về.
Nếu khách hàng không mua xe nữa thì các đại lý liệu có ép giá được không?
Đây là cơ hội để giới kinh doanh ô tô găm hàng làm giá. Cho dù khách có đặt cọc tiền, ký hợp đồng, nhưng vì không chốt thời gian giao hàng nên không thể làm gì được. Trong khi đó, hàng về những ai trả thêm tiền và trả nhiều tiền hơn sẽ nhận được xe sớm.
Bên cạnh đó, cũng có một số khách hàng nhận thấy đây là món hời, đã đặt cọc ký hợp đồng sớm để bán lại ăn chênh lệch.
Trên thực tế, nhiều khách hàng đã không khỏi bức xúc vì đặt hàng ký hợp đồng sớm mà chưa nhận được xe. Một số người đặt mua Honda CR-V đã phản ánh về tình trạng các đại lý cứ khất lần, liên tục gia hạn thời gian giao xe. Đặt từ tháng 3, tháng 4 nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được xe. Ngoài việc giao trễ, khách hàng còn phản ánh việc các đại lý ưu tiên giao xe sớm cho những ai mua kèm phụ kiện.
Bộ phụ kiện mà các đại lý bắt ép khách mua thực tế chỉ bằng khoảng 1/3 giá thực. Thực chất của gói bổ sung này là khách hàng phải trả thêm tiền để được nhận xe. Thông qua bán bộ phụ kiện “giá chát” các đại lý cũng thu về khoản lãi lớn hàng tháng, lên đến hàng trăm triệu đồng khi bán xe cho khách.
Việc đại lý bán ô tô ép buộc người mua đang gây ra nhiều bức xúc. “Tôi biết bộ phụ kiện này không phải hàng chất lượng, nhiều khi mua cũng chẳng sử dụng, coi như phải trả thêm tiền”, anh Nguyễn Đắc Tuân ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa mua chiếc Honda CR-V, nói.
Có người cho biết, một số phụ kiện về mang bán lại chẳng ai mua, vậy nhưng các đại lý thì đặt giá rất cao. Chẳng hạn như bậc lên xuống của xe CR-V có giá tới 40 triệu đồng, nhưng đâu có phải hàng tốt. Do cần xe thực sự, trong bối cảnh cung thấp, cầu cao, nên không thể làm thế nào khác được.
Một số ý kiến cho rằng, nếu khách hàng không mua xe nữa thì các đại lý có ép được không? Khi xe bị nâng giá lên quá cao, cần phải quay lưng lại bởi vẫn có những lựa chọn khác. Nhiều người không mua, nhu cầu xe giảm, các đại lý sẽ phải xem xét lại.
Tuy nhiên, vấn đề chính đây là hai mẫu xe trên được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa thích và mong muốn sở hữu. Trên thị trường vẫn có các mẫu xe khác cùng phân khúc, kể cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước, giá không tăng, nhưng lại không được lựa chọn.
Dự báo từ nay tới cuối năm, nhu cầu ô tô tăng cao. Những mẫu xe ăn khách khó tránh khỏi những “cơn sốt”, tăng giá chóng mặt.
Theo Trần Thủy (VietnamNet)