Hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay là trễ hẹn, muộn giờ. Hầu như là chuyện hàng ngày ai ai cũng gặp, và phần lớn chúng ta đều mắc phải, chí ít cũng vài lần trong đời. Khi được nhắc nhở thì chúng ta thường cười trừ cho qua, hoặc giải thích vì việc đột xuất, đường đông, kẹt xe… Cũng có người nói, ở Việt Nam giờ cao su là phần tất yếu của cuộc sống.
Vậy có nghĩa là ở nước ta, thời gian có tính co giãn đặc thù. Thường thấy mọi người mời đi ăn cưới, ăn tiệc, cũng mời sớm lên nửa tiếng, một giờ, để thích ứng với giờ cao su này. Vậy mà vẫn có nhiều vị khách kéo giãn giờ cao su thành muộn hơn nữa, thậm chí muộn 2–3 tiếng đồng hồ.
Chuyện hai anh bạn
Cuối tuần nghỉ ngơi, sáng đến quán cà phê thư giãn, tận hưởng cái an nhàn rảnh rỗi sau một tuần công việc tất bật. Ngắm từng giọt đen lóng lánh tí tách như thấy thời gian cũng trôi chậm lại, tận hưởng hương cà phê thơm phức với vị đắng ngậy, cảm thấy đầu óc tỉnh táo sảng khoái. Và thế là, tôi nhớ đến người bạn lâu ngày chưa có dịp đàm đạo, liền alo: “Cafe đi!”.
Anh bạn dường như cũng đang không biết tiêu khiển gì buổi sáng, nhận lời một cách hứng khởi, nói đến ngay, sẽ có mặt trong 15 phút. Anh bạn cũng ở gần đó, chỉ mất hơn 10 phút xe máy. Vậy mà 30 phút chưa thấy đâu, lại alo. “À, vừa rồi có chút việc, đang đến đây, chờ tý nhé”, anh bạn trả lời rồi cúp máy. Uống hết ly cà phê rồi, chuẩn bị tính tiền ra về thì anh mới bước vào tươi cười: “Hello, lâu rồi không gặp”. Hừ, “chờ tý” của anh cũng gần nửa giờ đồng hồ!
Còn có anh bạn khác thì lại hoàn toàn trái lại, bao giờ cũng đến trước hẹn 5–10 phút. Có hôm cà phê sáng alo, anh bạn này hẹn 30 phút có mặt. Đến phút thứ 25 bỗng có điện thoại, anh nói bị tắc đường, có lẽ sẽ đến chậm 4, 5 phút. “Trời, đi uống cà phê tán gẫu chứ công chuyện gì đâu mà nghiêm trọng vậy” – tôi thầm nghĩ, và nhớ lại chuyện về anh bạn này hơn 10 năm trước.
Hồi đó anh bạn ngoài 20, có để ý đến cô bé xóm bên. Hai người “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Trung thu năm đó, hai người lần đầu hò hẹn. Nàng nghĩ, mình con gái, phải làm cao một chút, đến trễ 10 phút. Chàng bực mình cau có, chẳng nói gì, chỉ nói một câu, lần đầu cho qua, lần sau không chấp nhận nhé. Nàng bực mình lắm, có công lên việc xuống gì mà làm mẽ. Phải mấy tháng sau, hai người mới làm lành.
Lần hẹn thứ hai, nàng cũng sợ không dám đến muộn, nhưng cũng không muốn đến sớm. Sợ người ta nghĩ “cọc đi tìm trâu”, nên cứ nấn ná. Cuối cùng đến chỗ hẹn, không thấy chàng đâu, xem đồng hồ thì muộn 7 phút. Thì ra chàng đã bỏ về sau khi ráng đợi đến phút thứ 5. Sau lần đó, hai người dù vẫn quý mến nhau, nhưng không ai chịu nhận lỗi, cuối cùng “đường tình đôi ngả”. Hồi đó, cũng cảm thấy tiếc cho hai người, và thầm trách anh bạn quá cứng nhắc, nguyên tắc thái quá. Nhưng mãi về sau này, lại thấy cái nguyên tắc đó có ẩn chứa nhiều nội hàm sâu xa.
Đúng giờ, giữ lời: Tôn trọng người cũng chính là tôn trọng bản thân
Có một điều đáng suy nghĩ là, khi làm việc với người nước ngoài, từ Âu, Mỹ đến Nhật, Đài hay thậm chí gần với chúng ta là Thái, Sing (Singapore) hay Phi, Mã (Philipine, Malaysia), thì muộn giờ, trễ hẹn là vô cùng hiếm. Cũng có khi có việc đột xuất hoặc ngoài dự tính, thì họ đều gọi điện xin lỗi và báo lại thời gian, dù là một vài giờ đồng hồ hay chỉ 5, 10 phút. Và khi gặp thì việc đầu tiên là họ xin lỗi, mặc dù trước đó đã xin lỗi và xin hẹn lùi lại giờ.
Tại sao người nước ngoài lại chú trọng đúng giờ vậy? Đơn giản, chỉ vì họ đã được giáo dục từ nhỏ thói quen đúng giờ, giữ lời hứa, dù việc nhỏ nhặt nhất hàng ngày. Với họ, giữ lời, đúng giờ là tôn trọng người khác, cũng chính là lòng tự tôn: Muốn người khác tôn trọng mình, thì trước hết hãy tôn trọng người. Không tôn trọng người khác chính là không tôn trọng bản thân vậy.
Cũng có lẽ họ có thói quen đúng giờ, giữ lời hứa, có trách nhiệm với những gì đã nói. Nên khi làm việc, họp hành, họ cũng ít dùng các loại giấy tờ, biên bản, chữ ký con dấu (trừ việc quan trọng), mọi người tự ghi lại những ý kiến đã quyết định rồi về thực hiện, nên công việc thường trôi chảy, nhanh chóng, thuận tiện.
Nó hoàn toàn trái ngược với cách làm thủ tục hành chính rườm rà, hình thức ở nước ta. Còn nhớ thời gian qua, một số cơ quan nhà nước ban hành các chính sách, quyết định gây thiệt hại cho người dân, bị báo chí chỉ ra nhiều sai sót, có dấu hiệu mượn công lợi tư. Đến lúc quy trách nhiệm thì lại có thông báo là “lỗi đánh máy”.
Ban đầu người dân còn thông cảm, nhưng sau thấy cái “lỗi đánh máy” cứ xuất hiện mãi, mà toàn là gây thiệt hại cho dân, lợi cho quan nên bị người dân mỉa mai và coi thường, cảm thấy những người có trách nhiệm đó đạo đức, phẩm cách của họ đã quá thấp kém, kém hơn cả dân thường, thì làm sao khiến người dân tin tưởng và nghe theo được.
Người Việt mình mà thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài cũng rất tự nhiên tạo được thói quen đúng giờ như họ, biết tôn trọng người khác, quý tiếc thời gian, và khéo sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hữu ích.
Đúng giờ, nói lời giữ lời là biểu hiện của thành tín
Chữ Tín (信) bao gồm chữ Nhân (人) nghĩa là người và chữ Ngôn (言) nghĩa là lời nói. Như vậy “Nhân ngôn thành tín”, nghĩa là lời nói của con người là Tín, là đáng tin tưởng, tin cậy.
Xem lại định nghĩa chữ Tín của người xưa, không khỏi giật mình kinh hãi, chẳng lẽ “con người” hiện nay không còn là “con người” như xưa, nên lời nói của con người không còn đáng tin, không còn chữ Tín nữa. Con người hiện nay thông minh hơn, lý trí hơn, tiếp thu nhiều khiến thức khoa học hơn, của cải vật chất nhiều hơn, nhưng tiêu chuẩn “con người” có lẽ đã tụt xuống quá thấp mà không hay biết.
Cũng dễ hiểu vì chúng ta thường so bản thân mình với người khác, với xã hội, thì chúng ta vẫn tự hào, mình còn tốt hơn khối người, vẫn thấy mình còn tốt chán. Nhưng nếu để thời gian tìm hiểu người xưa, so với người xưa thì mới thấy, nhiều chuẩn mực đạo đức con người hiện nay đã tụt dốc, kém người xưa xa đến không ngờ.
Xưa Khổng Tử dạy 3000 đệ tử, đều thành bậc hiền tài, lương đống quốc gia. Khổng Tử có nói rằng: “Con người mà không có chữ Tín thì không biết anh ta làm thế nào mà lập thân xử thế, có chỗ đứng trong xã hội được. Như xe to không càng, xe nhỏ không đòn, làm sao mà đi được?”.
Sử Ký cũng chép câu chuyện về Quý Bố thời Hán Sở tranh hùng, ông nổi tiếng trọng chữ Tín, nếu đã hứa bất kỳ điều gì đều tìm mọi cách thực hiện, nên mọi người truyền nhau: “Được trăm cân vàng không bằng được một lời hứa của Quý Bố”.
Thời Xuân Thu, Quý Trát nước Ngô nổi tiếng là người nhân đức giữ chữ tín. Một lần đi sứ đi qua nước Từ, Từ quân (quân chủ nước Từ) vô cùng thích bảo kiếm Quý Trát đeo bên người, nhưng không dám nói. Quý Trát trong lòng biết vậy, nhưng còn phải sử dụng trên đường đi sứ, định bụng khi trở về sẽ tặng Từ quân.
Đến khi Quý Trát đi sứ trở về thì Từ quân đã qua đời. Quý Trát tháo bảo kiếm, treo lên cây trước mộ Từ quân. Tùy tùng của ông nói: “Từ quân đã chết rồi, treo đây là tặng ai?”. Quý Trát nói: “Ta khi đó trong lòng đã muốn tặng cho Từ quân rồi, sao lại có thể vì ông ấy chết rồi mà trái với lời hứa của lòng mình được”.
Cũng trong thời Xuân Thu, Tăng Tử người nước Lỗ là học trò xuất sắc của Khổng Tử, có nhiều cống hiến hoằng dương Nho học. Một hôm vợ ông đi chợ, con trai nhỏ khóc đòi theo đi, thế là bà liền nói dỗ con: “Con ở nhà, đợi mẹ đi chợ về mổ lợn cho con ăn”. Khi bà đi chợ về, Tăng Tử bắt lợn thịt. Vợ ông thấy vậy vội ngăn lại: “Tôi chỉ nói đùa để dỗ dành con thôi, sao ông lại tưởng thật?”.
Tăng Tử nói: “Không thể nói chơi với trẻ con được. Trẻ con chưa có khả năng suy xét phán đoán, do đó cha mẹ phải dạy bảo, và nghe theo cha mẹ dạy dỗ. Hôm nay bà nói dối lừa nó, chính là dạy nó lừa dối người khác. Mẹ lừa dối con thì con sẽ không tin vào mẹ nữa. Thế thì sao có thể dạy con thành chính nhân quân tử được”. Thế là Tăng Tử mổ lợn cho con ăn.
***
Tư tưởng Nho gia là nét văn hóa truyền thống đặc trưng cho các nước văn hóa Á Đông. Nho giáo – Phật giáo – Đạo giáo đã tạo dựng nên văn hóa cổ phương Đông rực rỡ, với nội hàm văn hóa sâu sắc và duy trì văn minh tinh thần cao thượng. Nho gia với Ngũ Đức: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín đã sản sinh từng lớp lớp văn nhân trí thức, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa là rạng danh các dân tộc và các quốc gia Á Đông.
Sau một thời gian dài phê phán văn hóa truyền thống, con người không còn tâm pháp tự ước thúc hành vi bản thân khiến cho xã hội đại loạn. Trộm cắp, cướp của giết người, bắt cóc tống tiền, buôn bán người, tham nhũng, lừa đảo, hàng giả, ma túy, cờ bạc, mại dâm, xã hội đen, bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cầm đồ, cho đến các tội lỗi băng hoại đạo đức như loạn luân, ngoại tình, người trong gia đình đánh giết nhau, thầy trò đánh nhau, cô chửi trò, trò đánh thầy, bệnh nhân đánh bác sỹ, bác sỹ mắng bệnh nhân, cho đến các cô bảo mẫu hành hạ các cháu nhỏ, ngược đãi trẻ sơ sinh… đang tràn ngập xã hội. Các chế tài, luật pháp nghiêm khắc và các biện pháp quản lý được ban hành khá nhiều, và các biện pháp, thiết bị kỹ thuật cũng đã được áp dụng, nhưng hầu như không theo kịp với tốc độ phát triển của tội phạm và tệ nạn xã hội.
Nhiều người đã ý thức được nguyên nhân xã hội suy bại là do sự thiếu vắng các giá trị đạo đức văn hóa truyền thống và các tín ngưỡng chính Đạo – những giá trị đã giữ cho dân tộc ta trường tồn qua hàng nghìn năm, trải qua bao kiếp nạn thiên tai địch họa và chiếm đóng, nô dịch của ngoại bang. Vậy mà chỉ mấy chục năm xóa bỏ các giá trị truyền thống đã khiến cho xã hội thê thảm đến mức như thế này, thật chưa từng có trong lịch sử.
Cũng đáng mừng là đã có rất nhiều người đang tìm về các giá trị truyền thống quý báu xưa, khôi phục lại các giá trị truyền thống đích thực, nâng cao đạo đức, phẩm hạnh của bản thân, gia đình và xã hội. Phá thì dễ mà xây thì khó, con đường trở về với các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp mới đang bước những bước đi đầu tiên, còn nhiều chông gai, trắc trở, nhưng đầy hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Nam Phương
Có thể bạn quan tâm: