Yêu cái đẹp, tôn vinh cái đẹp là xu hướng chính diện, đương nhiên của con người. Nhưng lạm dụng cái đẹp là một tình yêu không trong sáng, thậm chí ẩn chứa những mục đích bất minh và hệ lụy nguy hiểm, lâu dài.
Có người cho rằng tại sao lại đòi hỏi những người đẹp bình luận bóng đá trong chương trình “Nóng cùng World Cup” của VTV phải am hiểu về bóng đá? Họ cũng là yêu bóng đá, nhưng theo cách của họ, rằng các người đẹp cũng đại diện cho một thị hiếu xem bóng đá phổ biến của nữ giới, bóng đá là cuộc sống và cuộc sống thì muôn mặt. Cách thưởng thức bóng đá của người đẹp như thế nào thì cứ thể hiện trên tivi như vậy, sao phải khắt khe?
Nhưng dường như, một điều đã bị bỏ quên, rằng những người đẹp khi lên sóng bình luận, họ không chỉ thể hiện sự quan tâm tới bóng đá theo cách của mình mà còn thể hiện nhiều thứ không liên quan khác và đương nhiên sẽ thu hút những sự quan tâm lệch lạc khác ngoài bóng đá.
Mục đích của việc đưa người đẹp lên bình luận bóng đá là gì?
Chắc chắn là để chương trình hấp dẫn hơn. Một chương trình bình luận bóng đá chất lượng đối với những người yêu bóng đá chân chính, thì đương nhiên phải bình luận về bóng đá dưới góc độ chuyên môn. Đối với họ, điều được quan tâm nhất là chiến thuật, đối sách của người cầm quân, là tình trạng, phong độ của các cầu thủ, là việc phối hợp và kết hợp đồng đội, là những gì có thể ảnh hưởng tới chất lượng trận đấu như thời tiết, khán giả, trọng tài, công nghệ, chất lượng sân…

Thế nên chương trình hấp dẫn đối với người yêu bóng đá thật sự thì phải nâng cao được chất lượng bình luận về những khía cạnh đó của một trận đấu. Những thứ khác có thể phù hợp hơn với chương trình kiểu như chuyện phiếm bên lề, và người nào thấy thích những thông tin kiểu như vậy thì sẽ lựa chọn xem.
Nhưng “Nóng cùng World Cup” lại đang trộn tất cả mọi thứ vào một chương trình và không cho phép người xem có nhu cầu được thỏa mãn về khía cạnh chất lượng chuyên môn được lựa chọn. Họ bị buộc phải xem, phải chịu đựng những điều vô bổ, tốn thời gian và bị buộc phải phân tâm vì những thứ gọi là bình đẳng giới, tôn vinh người phụ nữ một cách không phù hợp hay sỗ sàng hơn thì là yếu tố tiêu khiển, mua vui của chương trình.
Những cô gái xinh đẹp ngồi bình luận bóng đá không có am hiểu cơ bản và có rất ít những đánh giá chuyên sâu tinh tế hay cung cấp thêm thông tin hữu ích nào đó cho người xem. Mục đích đưa người đẹp lên bình luận chỉ là để phù hợp với cái tên “Nóng cùng World Cup” của chương trình. Và ít nhất họ cũng đã làm tròn nhiệm vụ khi khiến rất nhiều khán giả phải “nóng đầu” vì những bình luận vô thưởng vô phạt thậm chí ngây ngô đến lãng xẹt của mình.
Nếu thật sự muốn có một góc nhìn từ phái đẹp về bộ môn vốn hay bị coi là chỉ dành cho nam giới thì sao không mời những khách mời nữ thật sự am hiểu về lĩnh vực này. Những phụ nữ có thể ngồi bình luận tay đôi cùng các chuyên gia nam giới không phải là hiếm, nhưng có lẽ họ không có cái mà nhà đài cần.

Tại sao muốn “nóng” thì phải có chân dài, có phải cái đẹp của người phụ nữ đang bị lợi dụng?
Chương trình đang gây ra cho người xem một cảm nhận rằng, có vẻ như muốn nóng thì phải có chân dài. Cũng giống như các buổi triển lãm, trưng bày xe hơi thì phải có PG (Promotion Girl – nữ nhân viên tiếp thị) ăn mặc nóng bỏng đứng cạnh thậm chí uốn éo, nằm bò lên những chiếc xe hơi bóng loáng.
Tạp chí Autocar của Anh đã từng nêu quan điểm rằng: “Có rất ít ngành công nghiệp trên thế giới, nơi con người được khai thác như vật trang trí cho những sản phẩm mới”, và ngành công nghiệp xe hơi là một trong những ví dụ điển hình.
Trước phong trào #Metoo, phụ nữ trên thế giới đã từng phát động phong trào nhỏ lẻ để phản đối việc lấy cơ thể người phụ nữ ra làm vật trưng bày, trang trí, hay công cụ hóa cơ thể người phụ nữ (objectification of women body) vì mục đích nào đó, đặc biệt là làm công cụ tình dục (sexual objectigication). Và những gì ngành quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đang làm, như quảng cáo xe hơi, đồ công nghệ, thời trang, thậm chí các show truyền hình, bìa sách báo… cơ thể phụ nữ và cả đàn ông cũng đã bị đem ra làm công cụ để bán hàng.
Hàng ngày, phụ nữ trên khắp thế giới phải đối mặt với các hình thức kỳ thị và quấy rối khác nhau, chỉ đơn giản bởi họ là phụ nữ. Có thể bạn sẽ không thấy có liên quan, nhưng việc soi mói cơ thể phụ nữ bằng ánh mắt và tấn công, quấy rối tình dục đều có mối liên hệ với việc vật thể hóa cơ thể phụ nữ.
Một ánh nhìn chằm chằm hay “càn quét” trên cơ thể phụ nữ có thể không đủ để kết luận điều gì, nhưng phía sau đó có thể là một mối đe dọa cho người phụ nữ. Anh ta đang nhìn cô gái chỉ như kiểu thừa nhận sự hiện diện của cô hay đang định làm tổn thương, xúc phạm cô dù bằng ý nghĩ? Anh đang thấy một con người hay một vật thể?
Theo cuốn Thuyết vật thể hóa (The Objectification Theory) xuất bản bởi Barbara L. Fredrickson và Tomi Ann Roberts vào năm 1997, vật thể hóa hay công cụ hóa cơ thể người phụ nữ xảy ra khi cơ thể, bộ phận cơ thể hoặc chức năng tình dục của người phụ nữ bị cô lập, để người nhìn thấy thèm muốn hoặc xúc động.

Khi một cô gái đẹp được đưa lên ngồi trong chương trình bình luận bóng đá chỉ để người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp hình thức, mà không cần thông tin gì thêm từ cô, thì sự tồn tại của cô chỉ là để cho người khác sử dụng hoặc tiêu khiển với bất kỳ ý nghĩ sâu thẳm nào trong đầu họ.
Sự ngưỡng mộ, tôn vinh đối với vẻ đẹp của người phụ nữ không tập trung quá nhiều vào một phần cơ thể hay toàn bộ cơ thể họ. Thay vào đó, nó thể hiện sự tôn trọng đối với tổng thể con người họ, từ tính cách, kỹ năng cho tới phong thái lẫn thần thái của họ.
Liên minh quốc gia chống bạo lực gia đình Hoa Kỳ cho biết cứ trong 3 người phụ nữ thì sẽ có 1 người bị lạm dụng tình dục mà nguyên nhân có thể xuất phát từ việc vật thể hóa cơ thể phụ nữ.
Một nghiên cứu của Đại học Kent đã cho thấy mối liên hệ giữa việc vật thể hóa người phụ nữ đối với việc coi thường, kỳ thị giới tính và xu hướng tấn công tình dục phụ nữ.
Truyền thông và các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đang tiếp tay cho xu hướng này và khiến chính đàn ông cũng khó có thể tự vệ và kiểm soát suy nghĩ bất hảo trong đầu mình. Các cô gái được yêu cầu mặc đồng phục thể thao là váy ngắn, cổ áo khoét sâu để “thể hiện tình yêu bóng đá” của mình.
Những nữ giám khảo ăn mặc không phù hợp khi lên sóng truyền hình ngồi bình luận, chấm điểm các tiết mục ca nhạc, nhảy nhót. Những bộ phim truyền hình đề cập quá nhiều đến vấn nạn xã hội như gái mại dâm, buôn bán phụ nữ, ngoại tình.. mà những tưởng là với ý tốt phản ánh, lên án tội ác nhưng thực chất là nhồi nhét vào đầu người xem những phân cảnh tối tăm, gợi dục và bạo lực.
Chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ và cách nhìn của người xem. Bởi ở đó, cơ thể người phụ nữ đã được đem ra vật thể hóa, bất chấp những giáo lý tốt đẹp nào đó có thể đi kèm. Nhưng người ta sẽ không quan tâm tới những gì gọi là lên án, phê phán khi những hình ảnh bắt mắt về cơ thể phụ nữ cứ ghim vào đầu óc họ.
Người ta lên án việc mua bán phụ nữ bằng những thước phim cô gái bị tra tấn, sàm sỡ thì có khác nào cụ thể hóa tội ác để người xem được tiếp xúc với chúng, hình thành sự quen thuộc chứ không phải ghê tởm.
Và tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ bằng cách để cô ta ăn mặc gợi cảm ngồi đó và không cần thể hiện sự nổi trội gì khác của bản thân như kiến thức, sự am hiểu hay óc hóm hỉnh tinh tế thì có khác gì sự lợi dụng vẻ đẹp của cô ấy. Lợi dụng người đẹp để “câu view” cho chương trình của mình, bởi cô ấy chẳng cần phải hiểu gì về chương trình đó. Vậy thì chính là vật thể hóa người phụ nữ và lợi dụng nó để bán sản phẩm, ở đây chính là để nhiều người xem muốn xem chương trình bình luận bóng đá hơn.

Vì sao những chương trình, sản phẩm dành cho nam giới lại hay lợi dụng vẻ đẹp người phụ nữ?
Người ta cho rằng cả nam giới và nữ giới đều bị sự hấp dẫn giới tính thu hút một cách vô thức nhất. Thế nên ở trong đó đã có ẩn chứa yếu tố sắc dục. Kinh doanh, bán hàng, thu hút sự chú ý của khách hàng bằng yếu tố giới tính chính là mang nhan sắc của người phụ nữ ra kích động dục vọng của đàn ông và ngược lại.
Ngay từ đầu, động cơ đã không lành mạnh, thì tất yếu sẽ dẫn theo những sự quan tâm lệch lạc và ý đồ đen tối.
Người xem “Nóng cùng World Cup” chụp lại màn hình và phóng to ảnh tập trung vào vòng 1 của nữ khách mời. Hoặc để lại những bình luận khiếm nhã về sự so sánh bộ phận cơ thể cô gái với trái bóng…
Không biết liệu chương trình có thật sự thu hút được thêm nhiều lượt người xem hay không, nhưng một khi để lại hậu quả trong nhận thức của người xem hay việc tấn công tình dục khách mời dù chỉ bằng ánh mắt, suy nghĩ hay lời bình luận cũng đòi hỏi trách nhiệm liên đới thậm chí là trực tiếp từ những người làm chương trình.
Không thể mang lại một hệ lụy cho xã hội bằng việc khai thác vẻ đẹp phụ nữ rồi bao biện rằng đó là tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ. Làm nghề gì cũng đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp, và đạo đức của người làm truyền thông là không dẫn dắt, kích động những tư tưởng lệch lạc trong quần chúng chỉ vì chút lợi nhỏ của mình.
Thuần Dương
Có thể bạn quan tâm: