Nhắc tới Nhật Bản, thứ đầu tiên hiện ra trong đầu mỗi người chính là hoa anh đào, tinh thần võ sĩ đạo và sự xuất quỷ nhập thần của các Nhẫn giả (Ninja). Hành tung của các Ninja là điều bí ẩn nhất từng tồn tại trong lịch sử Nhật Bản. Rất ít hồ sơ chi tiết được ghi lại về hoạt động của họ. Điều mà thế hệ sau được biết về các Nhẫn giả chính là những công việc có liên quan tới ngụy trang, gián điệp, xâm nhập, lẩn trốn, ám sát đối phương mà họ nhận lệnh từ chủ nhân.
Đối nghịch với samurai - những người luôn tuân theo quy ước nghiêm ngặt về danh dự, Ninja lại thiên về các kĩ thuật lẫn thủ đoạn nhằm hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Thế giới của các Ninja luôn mang lại sự tò mò lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đảm nhận được công việc này. Những người làm nghề Ninja thực thụ đã phải mất hàng chục năm khổ luyện từ tấm bé để có thể đạt được các kĩ năng cần thiết.
Mặc dù Nhẫn giả là một trong những nét truyền thống đặc biệt của Nhật Bản nhưng ở thời điểm hiện tại, chẳng còn ai muốn hành nghề này nữa.
Một người đàn ông trong trang phục truyền thống của Ninja đang giảng bài về Kusarigama - loại vũ khí với một bên là lưỡi liềm, một bên là quả chùy - tại trường đào tạo Ninja ở thành phố Iga
Thành phố Iga, nơi được coi là quê hương của các Nhẫn giả, đang kêu trời kêu đất vì sự thiếu hụt Ninja một cách trầm trọng. Mỗi năm, nơi đây thu hút hàng chục ngàn du khách đến tham gia lễ hội Ninja. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các diễn viên đóng vai Nhẫn giả đang đẩy thành phố này vào cảnh khó khăn trước mong muốn tổ chức các lễ hội thường niên.
"Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đưa văn hóa Ninja tới gần hơn với du khách thập phương bằng việc xây dựng thêm viện bảo tàng Ninja thứ 2. Thế nhưng ngành du lịch địa phương hiện đang lâm vào cảnh khó khăn vì không ai chịu làm nghề này." - Thị trưởng thành phố Iga, ông Sakae Okamota cho biết.
Nghệ thuật biểu diễn Ninja không thể ngày một ngày hai là học được
Để thu hút người trẻ, chính quyền địa phương sẵn sàng trả cho những người theo nghề Ninja khoản thù lao cao chót vót lên tới 85.000 USD/năm (khoảng gần 2 tỷ đồng). Éo le thay, vẫn chẳng có ai chịu làm Ninja cả dù mức lương thì cực kì cạnh tranh. Một Ninja giỏi và chăm chỉ có thể kiếm từ 23.000 đến 85.000 USD/năm (khoảng 500 triệu đến 2 tỷ đồng).
Hiện nay, các Ninja được đào tạo nhiều hơn ở mảng biểu diễn cận chiến tay không, nhào lộn, ẩn thân, sử dụng các vũ khí cơ bản như phi tiêu hoặc kiếm ngắn. Những kĩ năng như thuật tàng hình, đi trên nước hay ám sát... đều không nằm trong yêu cầu công việc bởi nó đi ngược lại văn hóa chính thống. Trên thực tế, các Ninja xưa chú trọng ở thuật gián điệp, đặt bẫy, đánh lạc hướng hơn cả. Bạo lực chỉ là phương án bất khả kháng.
Ông Jinichi Kawakami, được biết đến là Ninja thực thụ cuối cùng của thế giới chứ không phải "kẻ biểu diễn". Ông sở hữu những kĩ năng thượng thừa do gia tộc để lại, bao gồm kĩ thuật nghe tiếng kim khâu, bào chế độc dược và cắt cổ đối phương cách đó hàng chục mét.
Những Ninja hiện đại thiên về khả năng biểu diễn nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không phải trải qua khổ luyện vất vả
Trung tâm Nghiên cứu Ninja Quốc tế được Đại học Mie thành lập để mở rộng các nghiên cứu về Nhẫn giả
Theo ông Okamota, những Ninja biểu diễn có chuyên môn cao đều đã luống tuổi. Trong khi đó, thế hệ trẻ lại mong muốn tìm tới các thành phố lớn như Tokyo hoặc Yokohama để tìm cơ hội việc làm. Iga, nơi giàu truyền thống đã bị bỏ lại và loay hoay trong việc tiếp nối các giá trị cũ.
Sugako Nakagawa, người điều hành bảo tàng Ninja ở địa phương chia sẻ: "Ninja không phải là tầng lớp mang tính kế thừa. Nếu không khổ luyện nghiêm khắc, chẳng ai có thể đủ điều kiện trở thành Ninja. Đó là lý do vì sao các Ninja thực thụ còn sót lại tới ngày nay không nhận ai làm đệ tử cả và thường chọn cách biến mất thật lặng lẽ."
"Chúng tôi đang gặp phải khủng hoảng vì nghề Ninja đang lâm vào cảnh thất truyền. Hay nói cách khác, là nghệ thuật biểu diễn Ninja đang bị thất truyền giữa nỗ lực bảo tồn các văn hóa truền thống của Nhật Bản." - Ông Sakae Okamota thở dài.
Tổng hợp