Brandenn Bremmer nổi tiếng toàn nước Mỹ khi trúng tuyển đại học năm 10 tuổi. Trong một buổi phỏng vấn, cậu nói: “Xã hội Mỹ đòi hỏi sự hoàn hảo”. Tháng 3/2015, cậu bé thiên tài ấy tự sát khi mới 14 tuổi. Brandenn là một trong rất nhiều ví dụ đau lòng cho câu nói: “Thiếu niên đăng khoa đại bất hạnh” đúc rút từ xa xưa.
Những thần đồng sa ngã
Lindsay Lohan (Lilo) trở thành sao nhí Hollywood từ năm 11 tuổi với bộ phim điện ảnh “Bẫy phụ huynh” (The Parent Trap). Liên tiếp những năm sau đó, cô nhận được vô số hợp đồng đóng phim và được khán giả hết mực yêu mến. Đỉnh cao trong sự nghiệp của Lilo là bộ phim “Những cô nàng rắc rối” (The Mean Girls) năm 2004 khi cô 18 tuổi.
Nhưng về sau, người ta thấy một Lindsay Lohan ngập ngụa trong khói thuốc, tiệc tùng, “vào tù ra tội” như cơm bữa với đủ thể loại tiền án: trộm cắp, lái xe khi say xỉn, đánh người và ma túy. Cùng với Britney Spears, Paris Hilton, các cô gái trẻ chẳng thoát khỏi cái giá của sự nổi tiếng quá sớm, lôi nhau đi từ vũng lầy này sang đến vũng sình khác, lấp kín mặt báo bằng lối sống buông thả, trụy lạc, thậm chí suýt tìm đến cái chết để trốn khỏi những áp lực.
Sinh năm 1942, Theodore Kaczynski nổi tiếng như một thần đồng và được phép học tại trường Đại học Harvard từ năm 16 tuổi. Trước đó, Kaczynski đã có chỉ số thông minh IQ 167 khi mới học lớp 5. Sau khi tốt nghiệp Harvard, Kaczynski tiếp tục nhận được bằng tiếng sĩ toán học tại trường Đại học Michigan, nơi mà luận án tiến sĩ của ông phức tạp đến nỗi các giáo sư ở đó phải thừa nhận rằng không thực sự hiểu hết được nó.
Ở tuổi 25, Kaczynski trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất tại trường Đại học California, tuy nhiên đã từ chức sau đó 2 năm, chuyển đến sống cùng với bố mẹ và cuối cùng đến sống tại một cabin hẻo lánh ở trong rừng. Kaczynski đã quyết định bắt đầu một chiến dịch đánh bom thư sau khi nhìn thấy các vùng đất hoang quanh nhà của mình bị phá hủy bởi sự phát triển.
Trong gần 20 năm, từ 1978 đến 1995, Kaczynski đã gửi 16 quả bom thư đến nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm cả các trường đại học, các hãng hàng không… giết chết 3 người và làm bị thương 23 người.
FBI đã liệt kê Kaczynski vào 1 trong 100 tên tội phạm nguy hiểm nhất và đã tiến hành một chiếc dịch điều tra gắt gao. Hiện Kaczynski đang phải chịu một án tù chung thân không được ân xá sau khi bị bắt giữ vào năm 1995.
Thiếu niên đăng khoa chưa hẳn là bất hạnh
Thành công và nổi tiếng quá sớm có thể là mầm mống của bất hạnh. Vì nó có thể khiến các tài năng trẻ tự mãn, ảo tưởng về năng lực của bản thân, hay phải chịu áp lực quá lớn từ kỳ vọng của gia đình và xã hội, hoặc không trụ vững nổi trước những cám dỗ về tiền bạc, danh vọng và sắc dục. Tệ hại hơn, nếu những thần đồng kia sử dụng tài năng của mình vào mục đích sai lạc, thì hậu quả gây ra cho chính họ và những người xung quanh còn nguy hiểm hơn nữa.
Xã hội hiện đại với nhiều chương trình tìm kiếm tài năng trẻ trên truyền hình là môi trường thuận lợi để phát hiện tài năng nhí, và đôi khi là tung hô các em lên tận mây xanh, sau đó là tận dụng chúng cho tới khi không thể tận dụng được nữa. Sau tháng ngày vinh quang ngắn ngủi (vì các em phải lớn lên), dường như hai con đường phổ biến nhất dành cho các em là: Hoặc là trưởng thành trong thầm lặng, hoặc là nổi loạn và sa ngã.
Kỳ thực, tài năng và danh tiếng lẫy lừng không nhất định luôn dẫn tới bất hạnh. Trong lịch sử Việt Nam, cậu bé Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên thời vua Trần Thái Tông khi mới 13 tuổi, là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau này ông ra làm quan, có nhiều kế sách hay phò vua giúp nước và có công đánh giặc Chiêm Thành.
Ở Trung Quốc cũng có Phòng Huyền Linh đỗ Tiến sỹ khi mới 11 tuổi. Sau này ông trở thành vị Tể tướng khai quốc triều Đường, được liệt vào một trong 24 vị công thần được vẽ trong Lăng Yên Các. Ông còn là chủ biên của Tấn thư, là một trong 24 bộ chính sử Trung Hoa.
Vì sao những “thiếu niên đăng khoa” như Nguyễn Hiền và Phòng Huyền Linh có thể vững vàng trưởng thành, trở thành bậc lương đống quốc gia? Chuyện kể rằng khi Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, vua hỏi, Hiền trả lời trôi chảy cả văn lẫn ý, vua khen ngợi và hỏi:
– Học thầy nào?
Nguyễn Hiền trả lời:
– Thần không phải là người sinh ra đã biết, nhưng khi có một đôi chữ không biết thì hỏi thầy chùa.
Vua lại nói:
– Vì còn nhỏ mà trạng nguyên ăn nói chưa biết lễ, cần cho về nhà học lễ 3 năm mới bổ dụng.
Vì thế Trạng Hiền chưa được ban áo mão.
Hết 3 năm, Vua gọi ông vào học tiếp Tam giáo chủ khoa, tức đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng.
Rễ sâu gốc bền thì cây mới xum xuê tươi tốt
Có thể thấy rõ ràng sự khác biệt giữa các “ngôi sao nhí” thời hiện đại và thần đồng Nguyễn Hiền thuở xưa. Vua Trần Thái Tông hiểu rằng tài năng chưa đủ, phải có gốc rễ nền móng là lễ nghĩa, đức hạnh thì mới có thể cáng đáng trọng trách mà không xảy ra vấn đề gì. Mà để vun trồng xây đắp cái gốc đức hạnh ấy, thì phải trải qua giáo dục của đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật, vốn yêu cầu nghiêm khắc về tâm tính.
Nho gia giảng “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, giảng khiêm nhường cần kiệm; Đạo gia giảng làm người phải “Chân”, vô vi thanh tịnh; Phật gia hướng người đến cái “Thiện”, lòng từ bi vô ngã vị tha. Cả ba “gia” này đều khuyến khích con người trau dồi đạo đức, coi nhẹ danh vọng tiền tài nơi thế gian. Có lẽ vì vậy mà những thần đồng kiệt xuất kia từ cây non có thể trở thành đại thụ, không bị danh lợi ô nhiễm, làm chỗ dựa cho muôn dân bách tính.
Thuở xưa, trẻ em đi học được học “Đệ tử quy” (Phép tắc người con), trong đó có câu:
“Hạnh cao giả, danh tự cao.
Nhân sở trọng, phi mạo cao.
Tài đại giả, vọng tự đại.
Hân sở phục, phi ngôn đại”.
Dịch nghĩa:
“Người hạnh cao, danh tự cao
Mọi người trọng, không bề ngoài.
Người tài năng, tiếng tự cao
Được người phục, chẳng do khoe”.
Vế thứ nhất nói đến “hạnh cao giả” (người có đức hạnh cao), rồi vế thứ hai mới nói đến “tài đại giả” (người tài năng), ý rằng chữ “tài” phải được xây dựng trên nền tảng đức hạnh. Bởi vì họ có đức hạnh, cho nên tài hoa, sở học của họ cũng xuất phát từ một mục đích là có thể làm lợi ích cho gia đình, cho xã hội. Tuyệt đối họ không phải có cái tài hoa rồi thì chỉ vì lợi ích của một mình mình, vì sự nổi tiếng và tiền bạc của mình mình. Cho nên những tài hoa của họ nhất định làm cho người khác phải kính phục.
Văn hoá truyền thống coi trọng giáo dục đạo đức từ thuở ấu thơ, coi đức hạnh là gốc rễ. Gốc rễ có bền chắc thì cây mới vươn cao mà không sợ đổ, cũng như đức hạnh có sâu dày thì tài năng mới có thể phát triển, danh tiếng lẫy lừng mà không sợ bị cám dỗ, rơi rớt nơi danh lợi.
“Thiếu niên đăng khoa đại bất hạnh” là chỉ những trường hợp bỏ gốc lấy ngọn, chỉ chăm lo đến tài năng và danh tiếng mà quên trau dồi đạo đức, bản lĩnh vững vàng. Bài học của cổ nhân vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế.
Thanh Ngọc (tổng hợp và biên soạn)
Có thể bạn quan tâm: