Ô tô nhập khẩu thiếu hàng, đang trở thành cơ hội để giới kinh doanh làm giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chờ nửa năm mua xe nhập
Mới đây nhất, Honda Việt Nam cho hay sẽ điều chỉnh tăng giá bán cho mẫu CR-V thêm 10 triệu đồng, kể từ đầu tháng 7 tới. Trước đó, vào tháng 4/2018, CR-V cũng đã tăng giá thêm 5 triệu đồng mỗi xe.
Lần tăng giá trước, Honda Việt Nam giải thích là do chi phí tăng, ảnh hưởng từ quy định mới của Nghị định 116, còn lần này không công bố lý do. Nếu lần trước, tất cả các mẫu xe nhập khẩu của Honda như Civic, Jazz và Accord đều tăng thêm 5 triệu đồng thì lần này chỉ CR-V tăng giá.
Quy định liên quan đến Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô và kiểm tra theo lô đang gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu ô tô.
Mức tăng thêm 15 triệu đồng (cả 2 lần), không đáng kể gì so với giá bán đã giảm khoảng 200 triệu đồng, nhờ được hưởng thuế nhập khẩu 0%, chắc chắn không gây ra phản ứng mạnh trên thị trường. Nhưng với việc liên tục điều chỉnh giá bán, cho thấy xu hướng giá xe nhập khẩu giảm mạnh là điều còn xa vời.
Thực tế, mẫu xe này đang trong tình trạng không đủ hàng để giao cho người mua. Nhiều khách hàng đang phải xếp hàng chờ đợi, chưa biết đến khi nào mới được nhận xe.
Anh Bùi Văn Ước ở Hà Nội đặt mua CR-V từ tháng 5, nhưng đại lý hẹn tới tháng 10/2018 mới giao xe. “Họ cũng chỉ hẹn tạm vậy thôi, tình hình này chờ chưa chắc đã có xe”, anh Ước than thở.
Một loạt khách hàng đặt xe CR-V sớm hơn, từ tháng 3/2018 nhận xe trong tháng 5 và tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa có xe giao. Thậm chí, khách còn không nhận được thông báo từ đại lý.
Một nguồn tin cho biết, sắp tới, mẫu Fortuner của Toyota nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam cũng không giảm nhiều so với giá công bố năm 2017. Ngoài lý do xe nhập khẩu phải chịu thêm chi phí kiểm định, lưu kho bãi,... khi chấp hành các quy định mới, xe sẽ bán ra theo giá thị trường. Tức là, thị trường chấp nhận mức giá nào sẽ bán ở mức đó, chứ không phải cứ thuế giảm là giá xe giảm sâu.
Trước đây, tiêu thụ Toyota Fortuner vào khoảng 15.000 xe/năm, nhưng từ đầu năm tới nay không có chiếc xe nào bán ra, nhiều người vẫn đang chờ đợi. Nhu cầu tăng cao, xe về nước chắc chắn không đủ cầu và giá khó có cơ hội giảm mạnh. Hiện các đại lý hẹn giao Fortuner tận đầu năm 2019.
Một loạt mẫu xe nhập khẩu khác như Ford Ranger, Everest,... cũng trong tình trạng tương tự, giá khó giảm mạnh bởi nhu cầu đang cao trong khi nguồn cung thiếu hụt. Các đại lý vẫn nhận đơn đặt hàng những mẫu trên nhưng chưa biết khi nào mới có xe để giao.
Trong khi đó, với thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm xuống 0%, không ít chuyên gia dự đoán giá bán các mẫu xe nhập về sẽ giảm khoảng 23-25%.
Khách hàng bị làm giá?
Xe nhập khẩu về ít sẽ là cơ hội để giới kinh doanh làm giá. Tuy không đủ xe giao cho khách, nhưng thời điểm này, muốn mua ngay một chiếc CR-V vẫn không quá khó khăn. Chỉ cần chi thêm khoảng 60-70 triệu đồng mua một bộ phụ kiện của đại lý là được nhận xe sớm.
Với những mẫu xe ăn khách, các đại lý sẽ găm hàng, đẩy giá lên.
Với các mẫu xe như Toyota Fortuner, Ford Ranger,... sắp tới về nước cũng được dự báo tương tự. Xe không đủ giao nhưng khách chi thêm tiền sẽ có ngay.
Nhân viên một đại lý ô tô tại Hà Nội thừa nhận, với những mẫu xe ăn khách, các đại lý sẽ găm hàng, đẩy giá lên. Ngay cả khi xe nhập đã về đến kho của đại lý, theo hợp đồng phải giao cho khách, nhưng chưa chắc khách đã được nhận. Đại lý viện đủ lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian, bắt khách phải chờ. Còn ai chi thêm tiền sẽ có xe ngay. Nếu tình trạng xe nhập khan hiếm kéo dài sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhập khẩu ô tô thời gian tới vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116/2017 NĐ-CP.
Các DN nhập khẩu ô tô cho rằng, quy định liên quan đến Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô và kiểm tra theo lô đang gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu ô tô.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc DN nhập khẩu cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô khi nhập khẩu nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng từ nước ngoài, tức các sản phẩm không có một cơ quan, tổ chức độc lập nào xác nhận kiểu loại ôtô đó đảm bảo chất lượng theo quy định. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cũng tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc kiểm tra thử nghiệm theo lô rất cần thiết, nếu sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu nhập về Việt Nam hàng hóa kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu.
Không những thế, các DN nhập khẩu ô tô còn băn khoăn khi Chính phủ đang chỉ đạo cơ quan chức năng, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về tăng cường quản lý chất lượng xe nhập khẩu, đồng thời phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế. Có thể hiểu hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn này sẽ giống như một hàng rào kỹ thuật mới mà qua đó, sẽ gây nên những khó khăn nhất định đối với các loại ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tương lai.
Theo Trần Thủy (VietnamNet)