Trái với xu hướng trào lưu đầu tư vào dòng smartphone giá rẻ để lấy số lượng, các tập đoàn ở Việt Nam bắt đầu để mắt đến phân khúc cao cấp.
Sau những kế hoạch về sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt, Vingroup mới đây tuyên bố sẽ tiến vào lĩnh vực công nghệ cao và bắt đầu với sản phẩm điện thoại thông minh “Made in Vietnam”.
Trái với xu hướng trào lưu đầu tư vào dòng smartphone giá rẻ để lấy số lượng lớn, các tập đoàn ở Việt Nam bắt đầu để mắt đến phân khúc cao cấp, nâng tầm sản phẩm cả về phần cứng và phần mềm. Điển hình trong số này là BKAV với mẫu điện thoại Bphone trong tầm giá hơn 10 triệu đồng. Thậm chí, công ty này còn giới thiệu phiên bản đặc biệt với giá bán quanh mức 20 triệu đồng. Mới đây, BKAV lần nữa lại ồn ào khi tuyên bố ngừng sản xuất Bphone 2017 để chuẩn bị ra mắt phiên bản mới. Không tiết lộ doanh số nhưng hãng này cho rằng con số đã đạt kỳ vọng. Một trường hợp khác là Tập đoàn Viettel cũng dự kiến ra mắt dòng điện thoại cao cấp Viettel Luxury Phone, được làm theo phong cách của điện thoại Vertu, có vỏ ngoài bọc da và khung kim loại nguyên khối, nhấn mạnh vào yếu tố bảo mật.
Đi vào phân khúc cao cấp, đòi hỏi của người tiêu dùng dĩ nhiên sẽ phải cao hơn. Dù vậy, có thể nhận thấy ở phân khúc ngách và phân khúc cấp cao như thế, chuyện làm thương hiệu có lẽ là yếu tố mà các doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến, chứ không phải là sản lượng. Thậm chí, đã có những thông tin về việc BKAV đánh tiếng liên kết với Vingroup để thực hiện tham vọng smartphone “Made in Vietnam”.
Tuy nhiên, thực tế, tiềm lực và khả năng về công nghệ điện thoại vẫn là dấu hỏi với các nhà sản xuất smartphone Việt. Với nền tảng về công nghệ thấp và chi phí sản xuất cao, việc gia công ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc, rõ ràng có lợi hơn là sản xuất ở trong nước. Giấc mơ điện thoại “Made in Vietnam” vì thế cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Hãy trở lại với câu chuyện của thương hiệu điện thoại thông minh Vsmart. Vingroup mới đây cho biết sẽ sản xuất một số bộ phận của điện thoại tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast (Hải Phòng) và sẽ nâng dần tỉ lệ nội địa hóa trong giai đoạn tiếp theo.
Tương tự với dự án ô tô, Vsmart cũng sẽ bắt đầu bằng việc liên kết, thuê tư vấn thiết kế và mua các bản quyền phát minh. Thực tế, điện thoại thông minh cũng chỉ là một khởi điểm với dự án Vsmart. Theo đó, VinSmart, công ty sản xuất điện thoại thông minh Vsmart, có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, hoạt động trong 2 lĩnh vực là sản xuất các thiết bị điện tử thông minh (trong đó có điện thoại) và nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa.
Có thể thấy Top 5 nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới hiện nay đều là những công ty sở hữu hệ sinh thái riêng. Chẳng hạn, Apple không sản xuất nhưng có hệ sinh thái phần mềm và thiết kế dẫn đầu xu hướng. Samsung sau chiến lược “theo đuôi” ở thập niên trước cũng đã chủ động sáng tạo hơn, đi kèm cùng hệ sinh thái các công ty con sản xuất linh phụ kiện quan trọng. Với nhóm nhà sản xuất từ Trung Quốc như Xiaomi hay Huawei, điện thoại thông minh cũng chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn sản phẩm công nghệ.
Ở phía ngược lại, một số nhà sản xuất tập trung vào việc lấy doanh số, bằng cách nhắm đến phân khúc phổ thông.
Hồi đầu năm, Asanzo, nhà sản xuất tivi được bán chủ yếu ở nông thôn tuyên bố đầu tư 2 triệu USD để làm smartphone giá rẻ. Những chiếc điện thoại này không vào các hệ thống bán lẻ ở các thành phố lớn, mà đi theo kênh phân phối đổ về nông thôn. Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo, cho hay Hãng không lấy việc bán điện thoại để “sống”, mà chủ yếu làm thương hiệu.
Thực tế phân khúc giá rẻ sẽ chịu áp lực lớn từ các mẫu điện thoại Trung Quốc. Đã có nhiều bài học thất bại khi đầu tư vào điện thoại phân khúc phổ thông trong nhiều năm qua, chẳng hạn như Q-Mobile, HKPhone, hay Masstel. Cũng đã có thời, các tập đoàn chạy đua theo phong trào sản xuất điện thoại gắn nhãn như FPT với F-Mobile hay Viettel Phone. Các loại hàng này vẫn sống “lây lất” ở các siêu thị hàng công nghệ. Thậm chí, các hãng điện thoại giá rẻ của Trung Quốc cũng đang chịu áp lực lớn. Chẳng hạn, Xiaomi đã công bố lỗ 1,1 tỉ USD chỉ trong quý I/2018.
Khi thị trường cao cấp đã có sự độc chiếm của Apple và Samsung, có lẽ các smartphone Việt Nam chỉ còn ngách giá tầm trung, thu hút người dùng không phải bằng cấu hình mà là bằng thiết kế, camera, AI hay một tính năng thú vị nào đó.
Trong khi đó, mục tiêu lớn hơn của Vingroup không chỉ là smartphone mà là những phát minh trong lĩnh vực công nghệ liên quan. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup, cho biết: “Vingroup đã có điều kiện cần để bắt đầu tham gia đầu tư vào khoa học công nghệ”. Theo đó, VinSmart sẽ là mảnh ghép cho hệ sinh thái của Vingroup hướng đến mục tiêu làm hoàn hảo thêm hệ sinh thái kinh doanh - dịch vụ - sản xuất.
Thống kê của GfK trong quý I/2018 cho thấy người Việt bỏ ra đến 27.649 tỉ đồng để mua điện thoại, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị phần của hãng điện thoại Việt thì ngày càng thu hẹp. Theo đó, nhóm thương hiệu nội địa chỉ còn chiếm khoảng 3% trong tổng số 3,8 triệu smartphone đưa ra thị trường, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo quý I/2018 của IDC Indochina.
Trong quý I/2018 cho thấy người Việt bỏ ra đến 27.649 tỉ đồng để mua điện thoại, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Dù vậy, tính đến nay, vẫn còn một nhà sản xuất điện thoại Việt “tồn tại”, đó là Mobiistar. Theo thống kê của GfK tháng 3, hãng này bán được hơn 22.499 máy, giữ thị phần 2,27%, xếp ở vị trí thứ 9. Trong nhiều năm qua, thị phần của Mobiistar ổn định quanh mức 4-5%.
Hướng đi của Mobiistar là đưa ra nhiều sản phẩm ở nhiều mức giá khác nhau. Sản phẩm vẫn được tung ra đều đặn, cho dù không có điện thoại nào nổi bật, bên cạnh chiến lược quảng cáo và phân phối cụ thể. Tuy nhiên, mới đây hãng điện thoại Việt có thị phần lớn nhất tính đường xuất khẩu thông qua kênh phân phối ở Ấn Độ, một thị trường vốn đã ngập tràn các loại điện thoại giá rẻ từ bản xứ và cả Trung Quốc.
Có thể thấy thị trường smartphone Việt đang tăng trưởng chậm lại đáng kể, trong khi mới đây một tên tuổi lớn trong làng điện thoại là Nokia liên tục lấy thêm thị phần, sau khi về tay HMD Global. Kết quả là chi phí marketing toàn thị trường đang bị đẩy lên cao. Rõ ràng, thị trường smartphone Việt vẫn thiếu một “tay chơi” có nguồn lực lớn để đầu tư toàn diện. Và Vingroup sẽ khỏa lấp chỗ trống này.