Lịch sử nghiên cứu khoa học của loài người từng chứng kiến nhiều nghiên cứu về tâm lý mà cốt lõi của nó là "bất chấp sự phản đạo đức để thực hiện bằng mọi giá". Không giày xéo thể xác con người, cũng không tra tấn về tinh thần, thí nghiệm có tên Milgram vẫn được xếp vào danh sách "một trong những thí nghiệm tàn độc nhất thế giới" bởi nó đã khơi dậy bản chất cái ác trong mỗi cá nhân.
Tháng 7 năm 1961, giáo sư Stanley Milgram - một trong những nhà tâm lý học hàng đầu của Mỹ - đã cùng cộng sự thực hiện một cuộc thí nghiệm mà theo ông là "mang tầm vóc lớn". Ông đã thuê 40 người với giá 40USD/giờ mỗi người để cùng tham gia vào một "lớp học giả định".
Những người này, tuyệt nhiên không biết rằng thí nghiệm tâm lý mình sắp tham gia sẽ bị lịch sử chỉ trích và dày xéo tới tận ngày hôm nay bởi tính vô đạo đức của nó.
Lớp học, giáo viên, học sinh và điện giật
Nhóm được chia thành 2 tốp, ngồi ở 2 phòng khác nhau. Tốp đầu vào vai "giáo viên", lần lượt đặt câu hỏi cho tốp sau, tức tốp "học sinh" thông qua bộ đàm có sẵn. Thực chất, tốp "học sinh" chỉ do một diễn viên đóng. Người này có thông đồng trước với nhóm thí nghiệm của Milgram.
"Giáo viên" sẽ đặt câu hỏi. Với mỗi câu trả lời sai, "giáo viên" sẽ nhấn nút gây giật điện để trừng phạt "học sinh" theo cường độ lớn dần nhưng tối đa là 450 vôn. Thoạt đầu, không ai trong nhóm "giáo viên" cho rằng đây là ý tưởng hay. Tuy nhiên, những người giám sát thí nghiệm đặt ra yêu cầu này và cho biết đây là điều bắt buộc.
Trước mặt các "giáo viên" là công tắc để giật điện
Mấu chốt ở chỗ, chẳng có "học sinh" nào bị điện giật cả. Người diễn viên nọ chỉ giả vờ kêu la, đập tường van xin để tác động vào tâm lý của nhóm "giáo viên". Dĩ nhiên, các "giáo viên" đều vô cùng lo lắng trong suốt chiều dài thí nghiệm. Người liên tục quệt mồ hôi, người thì hắng giọng thật to, cố lấy tiếng cười gượng gạo để át đi tiếng kêu vọng ra từ bộ đàm. Có người còn khóc lóc, liên tục hỏi thăm tình trạng của "học sinh".
Thế nhưng, tuyệt nhiên chẳng có ai dừng lại ở mức 135 vôn. Khi mức phạt đã gần đạt ngưỡng 300 vôn, vài người xin dừng thí nghiệm và trả lại số tiền được thuê trước đó. Khi người giám sát lên tiếng trấn an rằng "bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm nào đâu, bất trắc gì chúng tôi cũng lo hết", họ lại bất chấp tiếng kêu la đau đớn và tiếp tục nhấn nút điện giật.
Mọi sự kêu la, đau đớn đều là giả
Theo kết quả cuối cùng, chỉ có 14 trong số 40 "giáo viên" kiên quyết dừng thí nghiệm trước khi hình phạt chạm ngưỡng 450 vôn. Số còn lại vẫn tham gia tới cùng. Trước đó, giáo sư Milgram từng thăm dò ý kiến của các sinh viên năm cuối khoa tâm lý học cũng như đồng nghiệp về dự đoán thí nghiệm này. Ai cũng cho rằng "sẽ chẳng có mấy ai nhẫn tâm tới mức nhấn nút điện giật từ mức 300 vôn trở đi".
Nhiều năm sau, Milgram tiếp tục thực hiện hàng trăm thí nghiệm khác tương tự. Kết quả cho thấy số người quyết định dừng "tra tấn người khác" chưa chiếm tới một nửa nhóm.
Milgram kết luận, con người có thể bình tĩnh thực hiện những hành động độc ác, vô nhân tính, phi đạo đức, gây tổn thương tới người khác, khi mà họ biết rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm gì hoặc gặp phải sức ép từ kẻ có quyền.
Ngay khi nhận được sự "bảo kê tinh thần", các ứng viên tiếp tục nhấn nút tra tấn người ở phòng bên cạnh
Hàng chục năm sau, thí nghiệm Milgram vẫn hứng phải chỉ trích nặng nề từ giới khoa học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình lại cho rằng Milgram chỉ đang vạch ra "mảng tối bên trong mỗi con người" và đó là điều mà chúng ta phải chấp nhận.
Trận tra tấn kinh hoàng - minh chứng rõ rệt cho "tính ác" của con người trong thí nghiệm Milgram
Từ năm 1992 đến năm 2004, nước Mỹ xảy ra một loạt các vụ lừa đảo mà tới ngày hôm nay, các chuyên gia vẫn khẳng định nó là minh chứng rõ rệt cho "tính ác" của con người - điều đã được chứng minh qua thí nghiệm Milgram.
Cụ thể, một kẻ lạ mặt đã gọi tới hàng chục cửa hàng thức ăn nhanh và tự xưng là cảnh sát. Hắn nói rằng đang điều tra một vụ ăn cắp và yêu cầu quản lý nhà hàng phải hợp tác, hỗ trợ.
Các cửa hàng trưởng chẳng hề nghi ngờ mà liên tục làm theo lệnh của gã cảnh sát mạo danh
Dưới sức ép vô hình của "cảnh sát qua điện thoại", một loạt các quản lý nhà hàng không mảy may nghi ngờ và răm rắp nghe theo lệnh tên này. Họ vớ lấy những khách hàng nữ, nhân viên nữ đang có mặt trong quán, dựa theo mô tả mơ hồ của gã cảnh sát nọ và tiến hành lột đồ, đánh đập nạn nhân.
Nghiêm trọng nhất phải kể tới vụ xảy ra tại cửa hàng gà rán ở thị trấn Mount Washington, bang Kentucky vào tháng 4 năm 2004. Cửa hàng trưởng Donna Summers nhận được điện thoại của kẻ tự xưng là "thanh tra Scott". Gã thanh tra cho rằng trong cửa hàng của Donna đang có một nghi phạm ăn cắp, giới tính nữ, tóc đen, dáng mảnh. Hắn "nhờ" Donna giải quyết giúp vì sở cảnh sát không có đủ nhân lực cho vụ án nhỏ này.
Louise Ogborn bị lột đồ và tra tấn như thể một kẻ có tội
Donna chẳng mảy may nghi ngờ, bèn gọi bạn trai là Walter Nix Jr. đến và khống chế giam cô gái 18 tuổi Louise Ogborn, nhân viên quán, vào trong kho. Donna và Nix Jr. đã làm theo mọi yêu cầu của "thanh tra Scott", bao gồm đánh đập, lột quần áo, dùng tay và vật lạ xâm phạm cơ thể cô gái trẻ và bắt cô quan hệ bằng miệng với Nix Jr. Họ cho rằng đây là những "biện pháp nghiệp vụ" để ép nghi phạm khai tội.
Chính Ogborn cũng run sợ trước "thanh tra Scott", cho rằng mình đang bị điều tra nên chẳng hề phản kháng nửa câu. Sau vài tiếng đồng hồ, Nix Jr. không chịu nổi và bỏ đi bởi hành động kinh khủng của mình. Riêng Donna, bà ta gọi nhân viên khác thế chỗ nhưng người này từ chối.
Nhiều người không tin được điều hoang đường này lại có thể xảy ra
Sau vài phút định thần, Donna mới thấy nghi ngờ "thanh tra Scott" nhưng không thể liên lạc lại. Điều đáng nói là những nhân viên khác cũng e ngại "quyền uy của cảnh sát" nên không dám gọi tới sở địa phương để xác minh thông tin.
Vụ án này đã khiến dư luận chú ý bởi độ hoang đường tới mức khó tin của nó. Nạn nhân Ogborn về sau đã mắc sang chấn tâm lý nặng nề, bỏ ý định vào đại học và phải nhận trị liệu trong thời gian dài.
Tại sao Donna Summers và Walter Nix Jr. có thể tra tấn người khác chỉ vì nhận được sự "bảo kê" đầy mơ hồ từ một kẻ có cái mác giả danh cảnh sát? Phải chăng, cái ác suy cho cùng cũng chỉ là bản chất ẩn dật, chẳng cao xa, chẳng ghê ghớm và có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào điều kiện cho phép, tới mức chính chúng ta cũng không thể nhận ra?
Tổng hợp