Thử nói xem, có ai trong chúng ta chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ nào? Xấu hổ vì bị điểm xấu, xấu hổ vì bị trêu đùa, vì bị từ chối trong tình cảm... Và hẳn nhiên khi nhắc đến những điều từng khiến bạn xấu hổ này, bạn như "auto" lại xấu hổ lại vậy.
Chuyên gia trị liệu tâm lý Joseph Burgo - tác giả của cuốn sách "Shame: Free Yourself, Find Joy, and Build True Self-Esteem" chia sẻ rằng, ông đã từng đề xuất khá nhiều ý tưởng về "sự xấu hổ" nhưng hầu hết mọi người đều e ngại và né tránh chúng.
Dường như đây là 1 trong những vấn đề cực nhạy cảm với nhiều người, và sự xấu hổ phần nào ảnh hưởng đến nét tính cách của mỗi người.
"Mặc dù xấu hổ không phải là một cảm giác độc hại gì nhưng nó sẽ khiến cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau".
Joseph Burgo
Mỗi khi xấu hổ, bạn đối phó sao với chúng đây, bạn sẽ làm gì để khắc phục chúng nào, chẳng lẽ bạn cứ mãi đắm chìm trong cảm giác xấu hổ đó mãi?
Và Joseph Burgo đã bật mí rằng, ai trong chúng ta cũng xấu hổ và sự xấu hổ được chia thành 4 kiểu khác nhau.
1. Xấu hổ vì tình yêu không được đáp lại
Kiểu xấu hổ này sẽ xuất hiện khi tình yêu không được đáp lại. Bạn yêu người nào đó, thổ lộ và bị từ chối - hay mặc dù bạn thể hiện nhiều nhưng tình yêu đó không hề được hồi đáp... Bạn sẽ cảm thấy thật xấu hổ, ê mặt phải không?
Hay đơn giản như việc 1 bà mẹ đang cố gắng dỗ dành, mỉm cười, chơi đùa, chuyện trò với đứa bé sơ sinh, nhưng sau vài phút cố gắng, bà mẹ vẫn không hề nhận được nụ cười, sự tương tác của đứa trẻ.
Thay vào đó chúng la hét, khóc lóc khiến người mẹ bị stress. Sự thiếu thấu cảm này khiến người mẹ cảm thấy bị xấu hổ, bất lực với bản thân.
Và Burgo cho hay, nếu việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều, mối quan hệ này sẽ thiếu vắng sự cảm thông, chia sẻ, đôi khi biến thành sự phiền toái mà được gọi là "xấu hổ cơ bản".
2. Xấu hổ vì bị vạch trần sự thật không mong muốn
Sự xấu hổ này khá phổ biến và diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Bạn bị phê bình ở nơi công cộng, hay bị ai đó trên đường làm bẽ mặt...
Đây đều là những tình huống điển hình mà nhiều người nghĩ đến ngay khi đề cập đến sự xấu hổ.
3. Xấu hổ vì kỳ vọng, mục tiêu hoàn toàn thất bại
Bạn đề ra mục tiêu, bạn hứa hẹn nó với những người khác, nhưng rồi vì nhiều vấn đề, lý do, yếu tố mà con đường bạn theo đuổi bỗng nhiên không hoàn thành.
Điều này phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, mối quan hệ trong cuộc sống, công việc, và sẽ càng xấu hổ hơn nữa khi mục tiêu của bạn liên quan đến những người xung quanh.
4. Xấu hổ vì bị bỏ rơi
Đôi khi chúng ta đơn giản chỉ là muốn hòa nhập, tìm cảm giác thân quen với mọi người. Nhưng đôi khi tại nơi làm việc, trong mối quan hệ tình bạn, các mối quan hệ lãng mạn - ta đặt tình cảm ở đó nhưng lại luôn bị cho ra rìa, bị coi như người ngoài cuộc.
Lúc này bạn cảm thấy lo lắng, đôi khi xấu hổ và khó chấp nhận được bản thân mình.
Burgo chia sẻ rằng: "Bạn hãy tự hỏi mình xem đó có phải là nơi bạn thuộc về, là thứ mà bạn thích, và liệu ta có thể thành công hay không? Theo tôi, đó là những mối quan tâm thường ngày của ta và tất cả đều có nguy cơ dẫn đến xấu hổ cả".
Khi bị xấu hổ rồi, ai cũng lo lắng về việc bị người khác đánh giá thế nào. Do đó, bạn cần bình tĩnh, kiên nhẫn, đánh giá sự việc, dùng thời gian để dựng xây niềm tin, giúp họ mở lòng, từ đó khiến bạn bớt cảm giác xấu hổ với họ.
Nhưng xấu hổ có lợi ích gì không nhỉ?
Xấu hổ có thể dẫn tới tính cách tiêu cực như tính "tự yêu" bản thân mình, hay hủy diệt óc sáng tạo của bạn.
Bạn không thể đo đếm được nó, nhưng nó có tồn tại. Mỗi khi một người vì sợ xấu hổ, ngần ngại nói ra ý tưởng của mình, không dám đưa ra những nhận xét thích đáng - nó sẽ khiến bạn ngày 1 thụt lùi, sợ sệt.
Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, nó cũng mang lại lợi ích cho chúng ta theo cách này hoặc 1 cách khác. Nó khiến ta cẩn trọng hơn trong suy nghĩ, trong lời nói... để tránh gây nguy hiểm, tổn thương đến những người xung quanh.
Chuyên gia tâm lý cũng lưu ý rằng, đối với những người bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, bạn cũng cần cẩn trọng trong lời nói hơn.
"Nếu bạn "tiến" quá nhanh, bạn sẽ khuấy động sự phòng thủ của người đó chống lại sự xấu hổ của họ. Vì vậy, bạn phải từng bước tới gần, tiếp xúc, lấy lòng tin và giúp họ hạ cảm giác phòng vệ, có vậy mọi người mới dễ mở lòng với nhau hơn".
Nguồn: BusinessInsider