Trẻ em như một tờ giấy trắng, sự giáo dục của cha mẹ rất quan trọng vì sẽ góp phần hình thành nhân cách của trẻ khi lớn lên. Người xưa giảng về đạo lý Trung Dung, vì thế trong cách nuôi dạy trẻ thì sự yêu thương và nghiêm khắc cần có giới hạn nhất định, điều gì thái quá cũng đều không tốt.
Câu chuyện về cách xử lý thông minh của bà mẹ khi con đòi đồ chơi
Vì gia đình có điều kiện lại có con trai đầu lòng nên Nga hết mực yêu quý đứa trẻ. Là một người mẹ, Nga luôn hy vọng rằng con cái sẽ được vui vẻ, không ưu phiền, mong con sẽ có một tuổi thơ đẹp đẽ nhất. Do đó, bé Bin từ nhỏ đến lớn luôn được mẹ đáp ứng mọi nhu cầu.
Bé Bin có sở thích là dùng hộp giấy thủ công để tự chế đồ chơi. Mùa hè năm nay, Nga dẫn bé Bin đi siêu thị. Bé Bin muốn mẹ mua cho chiếc máy đồ chơi tự động với giá rất cao chỉ với mục đích lấy cái hộp nhựa nhỏ hình bầu dục bên trong để sáng tạo cho công trình đồ chơi ở nhà của mình.
Nga nghe xong cảm thấy lưỡng lự và suy nghĩ: Lâu nay Nga luôn mua những món đồ chơi theo yêu cầu của con, dù là rất đắt tiền bởi cô chỉ mong con có một tuổi thơ đẹp, nhưng Bin chỉ chơi vài ngày là chán rồi bỏ qua một bên và đòi mẹ mua cho những món đồ chơi khác. Có phải là Nga đang quá nuông chiều con hay không? Trẻ con nếu có được mọi thứ quá dễ dàng thì sẽ không biết trân quý, hàm ơn và xem mọi thứ có được đều là hiển nhiên. Từ đó đứa trẻ sẽ không cảm giác được tình yêu thương của cha mẹ mà xem đó là trách nhiệm mà ba mẹ phải làm cho mình. Đứa trẻ cần phải chịu khổ và bỏ công sức thích đáng để có được điều mình muốn, thì mới trở thành người hiểu biết, lương thiện và sống có trách nhiệm được.
Do vậy Nga suy nghĩ cách để bé Bin hiểu được ý nghĩa của sự cảm ơn, trân trọng mà không phải cưng chiều quá hoặc nghiêm khắc quá. Nga bèn rủ Bin tới cửa hàng ăn ở cuối đường, nơi mà gia đình cô rất hiếm khi ghé thăm. Quán ăn này có đặc điểm là khi bán đồ ăn cho trẻ đều tặng lại một đồng xu, bé sẽ đến bên chiếc máy đồ chơi cạnh đó và tự chọn món đồ chơi mình thích, còn không sẽ đổi ra tiền để mua kem hoặc bánh…
Bé Bin bảo muốn có món đồ chơi ở siêu thị ngay thì Nga trả lời: “Cửa hàng này rất rẻ, mẹ con mình ăn liên tục ba ngày sẽ đủ tiền xu để mua đồ chơi cho con, con thấy thế nào?”. Bin nghe xong hỏi: “Chẳng phải mẹ nói mẹ không thích ăn ở đây sao, còn bảo đồ ăn rất khó ăn mà!”. Nga trả lời: “Vì mẹ mong muốn được nhanh chóng có đủ tiền xu cho con mua đồ chơi, nên ráng chịu đựng vài hôm vậy, miễn con thích là được!”.
Bé Bin nghe xong bộ dạng cảm động, Nga lại đưa thêm điều kiện đi bộ để tiết kiệm tiền xe buýt cho nhanh mua được đồ chơi, không ngờ Bin hết sức vui vẻ đồng ý mặc dù trước giờ rất ghét đi bộ.
Lần này, khi nhận được món đồ chơi Nga thấy Bin vui mừng hơn các lần trước dù món đồ chơi này không đắt tiền bằng. Nga thấy Bin nâng niu gìn giữ và chơi rất lâu chứ không vội vàng vứt qua một bên rồi đòi món đồ chơi khác. Bin còn nói: “Bin cảm ơn mẹ vì đã giúp Bin mua đồ chơi!”.
Nga cũng thật sự vui mừng vì sự thay đổi này của Bin và những lần sau Nga cũng quyết định sẽ làm tương tự để Bin hiểu thế nào là trân trọng, biết ơn. Nếu không, dù cho con bao nhiêu đi chăng nữa thì trẻ cũng không cảm nhận được điều gì.
Không chỉ riêng đứa trẻ 5 tuổi như bé Bin là cần được giáo dục như thế, mà hiện nay rất nhiều em dù đã ở tuổi vị thành niên nhưng coi sự bảo bọc của cha mẹ là điều đương nhiên. Từ nấu ăn, giặt giũ đều được mẹ làm giúp nên khi cha mẹ không thỏa mãn những yêu cầu của chúng, những đứa trẻ này trở nên cáu gắt và có thể la mắng lại cha mẹ mình, còn so sánh cha mẹ với những người khác mà không biết rằng sự hy sinh của các bậc sinh thành đối với con cái ý nghĩa như thế nào. Để rồi khi những đứa trẻ ấy ra ngoài xã hội sẽ cảm thấy hụt hẫng, mất kỹ năng sống vì xã hội không phải ai cũng yêu thương bảo bọc như cha mẹ đối với mình, cái gì cũng phải trả giá bằng lao động, mồ hôi và nước mắt, và chúng cũng rất dễ bị bạn bè xa lánh vì không biết phụ giúp mọi người làm bất cứ việc gì, cái gì cũng lóng ngóng vụng về. Vậy là sự nuông chiều thái quá sẽ làm hại đứa trẻ ấy.
Gợi ý từ một câu chuyện giáo dục của Nhật Bản
Nước Nhật sau chiến tranh rất nghèo, người dân đều không có thịt để ăn. Một đứa trẻ chán ngán việc ngày nào cũng phải ăn cơm trộn dưa muối, nên nó một mực đòi mẹ mua bánh rán nhân thịt cho ăn. Nó kỳ kèo không dứt, nói rằng ở trường bạn nào cũng từng được ăn rồi, chỉ có mình nó là chưa được ăn. Người mẹ biết rằng bánh rán lúc đó là một thứ đồ ăn xa xỉ, nếu mua về sẽ bị chồng la mắng, nhưng bà vẫn mua về. Bà muốn các con đích thân nhìn thấy bài học giáo huấn này, đồng thời có thể cảm nhận một cách sâu sắc sự chịu đựng và tình yêu của người mẹ dành cho con.
Kết quả là người cha nổi giận lôi đình nhưng người mẹ tự mình hứng chịu tất cả, không hé răng tiết lộ sự thật rằng đây là yêu cầu của con, sau đó còn cười nói với con rằng bánh rán rất ngon. Vì thế, đứa trẻ này đã có ấn tượng rất sâu sắc và biết ơn mẹ mình, nó cũng cảm thấy áy náy không thôi. Từ đó suốt cuộc đời đứa trẻ luôn ghi nhớ dáng vẻ âm thầm chịu đựng của người mẹ vì mình, nó không còn sống vô trách nhiệm, cũng biết cách chịu đựng tất cả mà không oán trách người khác. Vì nó đã trực tiếp chứng kiến sự chịu đựng và tình yêu của mẹ. Sau này đứa trẻ đó trở thành một người chủ doanh nghiệp nổi tiếng ở Nhật Bản.
Tính cách con trẻ khi trưởng thành phụ thuộc phần lớn vào sự giáo dục của các bậc sinh thành. Nếu quá yêu thương trẻ, đòi gì đáp ứng nấy, mong trẻ thỏa mãn, nuông chiều một cách không lý trí sẽ khiến trẻ hình thành lối sống tùy tiện, buông thả, ích kỷ không biết ý nghĩa của sự hàm ơn. Nhưng nếu đi sang một cực đoan khác lúc nào cũng đánh mắng, la rầy trẻ thì chúng sẽ dần mất đi sự tự tin và có thể dẫn đến trầm cảm, sợ hãi với thế giới xung quanh cùng các hệ lụy không đáng có.
Trong đó, dạy trẻ biết cảm ơn và trân trọng là thật sự cần thiết vì đó là hai đức tính cần có trong nhân cách mỗi người. Bởi khi trẻ biết trân trọng cảm ơn, chúng mới biết công lao dưỡng dục của bậc sinh thành, biết sống sao cho khoan dung, nhẫn nại, lễ phép và trở thành một người có khả năng tự lập, tự gánh vác, có ích cho gia đình và xã hội sau này.
Nhã Thanh
Có thể bạn quan tâm: