Tổng cộng 292 người đã bị bắt giữ trên khắp nước Pháp sau khi đội bóng của quốc gia này vô địch World Cup 2018, Bộ Nội vụ nước này cho biết. Nghiêm trọng hơn, truyền thông địa phương còn cho biết có hai cổ động viên đã thiệt mạng trong những màn ăn mừng quá phấn khích và cảnh sát đã buộc phải dùng vòi rồng để ngăn cản đám đông cuồng nhiệt. Đã bao giờ bạn thắc mắc về cơ sở khoa học cho những hành vi bạo lực diễn ra sau khi đội bóng mà họ yêu thích chiến thắng hay chưa?
Vì sao người hâm mộ có cảm xúc mãnh liệt với đội bóng của họ?
“Chúng ta là những sinh vật có tính xã hội. Chúng ta có xu hướng muốn được thuộc về,” Daniel Wann, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Murray State chia sẻ.
Con người thường có xu hướng phân chia họ dựa theo công việc, chủng tộc, giới tính hay nhiều yếu tố khác. Không giống như chủng tộc hay giới tính mà con người không có quyền lựa chọn, hâm mộ bóng đá cũng chẳng khác gì một thứ “tôn giáo”: Chọn đội bóng yêu thích là tự nguyện nhưng cũng bị ảnh hưởng lớn bởi môi trường, trong đó bao gồm gia đình và những người bạn lớn lên cùng họ.
Cảm giác được thuộc về này có thể mang lại lợi ích. Trong một nghiên cứu trên sinh viên đại học, Wann tìm ra rằng một người hâm mộ bày tỏ tình cảm mãnh liệt với một đội bóng nào đó ít có xu hướng cô đơn hơn và có sự tự tin cao.
Nhà tâm lý xã hội Edward Hirt tại Đại học Indiana chia sẻ: “Cứ thử nghĩ về những gì chúng ta tương tác trong mỗi trận đấu mà xem - đặc biệt là với đàn ông. Chúng ta ôm và chạm vào nhau theo cách mà bình thường chẳng bao giờ làm. Chúng ta muốn là một phần của một điều gì đó vượt quá bản thân chúng ta.”
Điều gì diễn ra trong não bộ của một người hâm mộ khi đội bóng của họ thua hoặc tháng?
Tình cảm với một đội bóng có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và thậm chí cả thể chất của người hâm mộ.
Để đo lường ảnh hưởng này, Hirt thực hiện một nghiên cứu vào những năm 1990 với sự tham gia của những người hâm mộ bóng rổ tại trường đại học. Những người thấy đội tuyển của họ thắng tin rằng họ có thể hoàn thành tốt hơn các công việc không liên quan, ví dụ như giải các câu đố chữ cái hay ném phi tiêu. Cùng lúc, nhóm chứng kiến đội bóng của mình thua nghĩ rằng họ sẽ làm tệ hơn.
Điều này thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sự hấp dẫn của bản thân trong suy nghĩ của một người. Khi được cho xem ảnh của một người khác giới có ngoại hình gấp dẫn và được hỏi về khả năng bạn có thể mời người này hẹn hò, nhóm có đội bóng yêu thích thua cuộc bi quan hơn về cơ hội của mình.
Về thể chất, mức độ testosterone trong cơ thể con người tăng lên khi đội tuyển họ thắng cuộc và giảm xuống khi đội tuyển mình cổ vũ thua, theo nhiều nghiên cứu. Một nghiên cứu vào năm 2013 tìm ra rằng người hâm mộ của đội tuyển thua cuộc trải qua cảm giác thèm ăn các chất đường, béo vào ngày sau đó trong khi người hâm mộ đội thắng lại chọn các món ăn lành mạnh hơn.
Thôi thúc bạo lực đến từ đâu?
Nhiều nghiên cứu khẳng định con người thường hành xử rất khác khi ở trong đám đông.
“Có một lý thuyết lan truyền. Chúng ta biết rằng khi mọi người ở trong đám đông thì họ sẽ không làm điều đó một mình. Họ nghĩ họ ẩn danh,” Jason Lanter, một giáo sư tâm lý tại Đại học Kutztown chia sẻ. Ông đã có hàng thập niên nghiên cứu về hành vi bạo lực của người hâm mộ khi ăn mừng. “Họ quyết định rất tồi tệ khi ở trong đám đông.”
Trong đám đông, người ta dễ đánh mất sự tự nhận thức và cảm nhận về sự an toàn. “Thường thì rượu, bia, cùng thêm dầu vào lửa,” Wann nói.
Khi ở trong đám đông, các nhà thần kinh học tìm ra vỏ não giữa trước trán, một phần chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và hành động của một người, có xu hướng ít hoạt động. Điều này khiến họ có thể hành động theo kiểu mà bình thường không bao giờ làm vậy, Mina Cikara, một nhà thần kinh học tại Đại học Harvard tiết lộ. Thế nhưng không phải điều này lúc nào cũng tiêu cực, ở trong một nhóm còn có thể kích thích các điểm tốt ví dụ như làm từ thiện, quyên góp…
Lewis, nhà xã hội học từng viết một cuốn sách về bạo lực của người hâm mộ vào năm 2007, tin rằng các cuộc bạo loạn của người hâm mộ là cách để xác định và tham gia vào chiến thắng của đội bóng. Đám đông này thường có phần đa là các nam thanh niên trong đó phụ nữ và người già ít xuất hiện.
“Họ không thể ném một trái bóng đi xa nhưng họ có thể ném đá qua cử sổ hoặc đạp đổ đèn đường,” Lewis nói. “Với họ, đây là cách thể hiện sức mạnh và kĩ năng.”
Một số khác lại cho rằng tính chất của thể thao đóng góp cho xu hướng bạo lực. “Xem một trận đấu vừa tích tụ và giải toả các ‘năng lượng có tính phá hoại,” tác giả cuốn sách “Bạo lực và sự công kích trong các cuộc thi đấu thể thao” xuất bản năm 2012 cho biết.
“Đối với một nhóm các cổ động viên, xem các môn thể thao bạo lực cũng không để để họ giải toả được ‘thứ năng lượng đó đến mức có thể chịu đựng,’ và chỉ có những ‘hành động bạo lực’ do chính bản thân trải nghiệm mới có thể giảm bớt được căng thẳng tích tụ trước, trong và sau trận đấu,” người này nhận định.