Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vị trí, tăng 2 bậc so với năm 2017 lên vị trí 45/126.
So với năm 2016, thứ hạng năm nay của Việt Nam được cải thiện hơn 14 bậc. Quan trọng hơn, Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột chính được lấy làm cơ sở đánh giá, xếp hạng.
7 trụ cột chính đó là: Thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh, sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Thể chế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, điển hình là chỉ số về nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tăng từ 74 lên hạng 57.
Nhóm chỉ số về trình độ phát triển của kinh doanh tăng 7 bậc, trong đó đáng kể nhất là chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số hợp tác đại học và doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59.
Chỉ số mới về sáng tạo trực tuyến là chỉ số tạo ứng dụng di động, Việt Nam xếp hạng 16 thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên Youtube của năm 2017.
Kết quả trên có được là nhờ trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là nước vượt trội về chỉ số đổi mới sáng tạo so với trình độ phát triển, đứng đầu trong ASEAN về đầu tư cho giáo dục và thu được những kết quả tốt ở các chỉ số về tăng trưởng năng suất lao động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. So sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giành điểm cao ở cả 7 trụ cột quyết định Chỉ số GII.
Trong 3 năm gần đây, điểm số và thứ hạng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam lúc tăng lúc giảm. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm đầu ra của đổi mới sáng tạo bao gồm: "sản phẩm của tri thức và công nghệ" và "sản phẩm sáng tạo". Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là còn yếu ở nhóm chỉ số về "môi trường kinh doanh", "xếp hạng các đại học", "việc làm đòi hỏi tri thức", "tỷ lệ lao động nữ có trình độ"...
Để cải thiện chỉ số này, Chính phủ đã ra Nghị quyết thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phân công đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện cải thiện chỉ số do Chính phủ phân công.
Cũng theo đánh giá của WIPO, Việt Nam cùng với một số nền kinh tế của ASEAN như Indonesia, Philippines, Thái Lan hiện được coi là những "con hổ châu Á" mới đang lên.