Danh sách những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ấn tượng nhất năm 2017 chắc chắn sẽ phải kể đến cái tên Jardine Cycle & Carriage. Nhà đầu tư đến từ Singapore này bất ngờ chi ra 9.000 tỉ đồng để thâu tóm hơn 48 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nâng tỉ lệ sở hữu lên thêm 5,53%, mặc dù giá cổ phiếu VNM đang ở mức cao kỷ lục. Tổng cộng tỷ lệ sở hữu của Jardine Cycle & Carriage là 10,03%.
Giữa lúc doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đang ráo riết tìm kiếm một thế hệ lãnh đạo mới, thay thế cho lớp lãnh đạo kỳ cựu đã lớn tuổi thì động thái thâu tóm quyết liệt của Jardine cho thấy tham vọng rất lớn của nhà đầu tư này. Jardine Cycle & Carriage không giấu tham vọng nhanh chóng tạo lập tầm ảnh hưởng, trở thành đối trọng thật sự của 2 cổ đông lớn hiện hữu là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC, sở hữu 36%) và Fraser & Neave (F&N, sở hữu 18,7%). Nhưng liệu điều này có dễ dàng? Thêm dòng vốn của nước ngoài, Vinamilk có thêm động lực thực hiện những tham vọng mới?
Cuộc đua tăng sở hữu
Sức hấp dẫn của Vinamilk hiển nhiên khá rõ đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong một thập niên trở lại đây, cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam luôn nằm trong đích ngắm của nhiều quỹ đầu tư tên tuổi như Dragon Capital, VinaCapital, DWS...
Thập niên vừa qua, thị giá cổ phiếu VNM đã tăng gần 300%, vốn hóa lớn nhất thị trường đạt hơn 11,6 tỉ USD. Tăng trưởng doanh thu các năm qua đều được duy trì ở mức hai con số để đạt tới hơn 46.900 tỉ đồng của năm 2016. Chín tháng đầu năm nay, mặc dù đối mặt với sức ép cạnh tranh dữ dội từ các đối thủ trong và ngoài nước nhưng Vinamilk cũng ghi nhận mức tăng trưởng 10,37% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận ròng tăng mạnh 13,45% (8.548 tỉ đồng). Kết quả này là nhờ chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tập trung vào ngành hàng có giá trị gia tăng cao hơn, hiệu quả hơn như dòng sữa organic, sản xuất từ vùng nguyên liệu sạch ở Đà Lạt.
Trong năm nay, mục tiêu lợi nhuận được giới lãnh đạo Công ty đặt ra là sẽ đạt 9.735 tỉ đồng nhưng một số công ty chứng khoán nhận định, lợi nhuận của Vinamilk có thể lần đầu tiên vượt qua cột mốc 10.000 tỉ đồng. Giá cổ phiếu VNM đang giao dịch trên thị trường ở mức 194.000 đồng, tăng gần 50% so với cách đây một năm.
Thị phần chung trên ngành sữa của Vinamilk tăng nhẹ 1,9% lên 57,8% vào cuối quý III/2017. Trong đó, thị phần ở mảng sữa nước là 58,1%, sữa bột là 40,5%, bên cạnh tiếp tục thống trị tuyệt đối ở mảng sữa đặc và mảng sữa chua, mặc dù thị trường sữa chua đón nhận thêm một đối thủ khá nặng ký là Nutifood.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Pannel, dư địa cho tăng trưởng ngành sữa trong nước vẫn còn khá lớn nhờ cơ cấu dân số, quá trình đô thị hóa đang diễn ra và thu nhập tăng lên. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ vào khoảng 17 lít/năm, vẫn khá thấp nếu so với thị trường Thái Lan với 35 lít/năm và Singapore với mức 45 lít/năm.
Sức mạnh của Vinamilk còn nằm ở quy mô kênh phân phối khi sở hữu tới 240.000 điểm bán lẻ trên cả nước. Bên cạnh đó, Vinamilk còn sở hữu 360 cửa hàng Vinamik, dự kiến sẽ tăng lên 400 cuối năm nay trong chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng lên con số 1.000. Có lẽ ngoài Masan, hiếm có doanh nghiệp ngành thực phẩm nào khác có hệ thống phân phối năng lực mạnh như Vinamilk hiện nay.
Đi cùng với chiến lược xuất sắc về marketing, cùng giá bán cạnh tranh so với các đối thủ khác, việc Vinamilk lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại cũng là điều hiển nhiên. Thật ra, Jardine Cycle & Carriage không phải là cái tên quá xa lạ đối với giới đầu tư trong khu vực. Jardine Cycle & Carriage là một tập đoàn có trụ sở tại Singapore và là thành viên của tập đoàn đầu tư đa ngành Jardine Matheson có trụ sở tại Hồng Kông. Một số thành viên khác trong nhóm này đang tham gia vào lĩnh vực khác ở Việt Nam như bất động sản (Hong Kong Land), nhượng quyền F&B như KFC Việt Nam, Pizza Hut...
Jardine Cycle & Carriage cũng là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải với tỉ lệ sở hữu 25,1%. Ngoài ra, công ty này cũng sở hữu gần 23% vốn của Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE). Đây cũng là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực của mình và đóng góp lợi nhuận đáng kể cho Jardine. “Vinamilk đã có thêm một nhà đầu tư tài chính dài hạn với bề dày kinh nghiệm. Jardine đóng góp thêm tính ổn định cho Vinamilk và có thể tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau”, Công ty Chứng khoán HSC nhận định.
Sự xuất hiện bất ngờ của Jardine khiến cho cục diện phân chia quyền lực tại Vinamilk trong thời gian tới rất khó đoán. Trong Hội đồng Quản trị đương nhiệm, cổ đông lớn nhất SCIC đang nắm 3 ghế, F&N đang giữ 2 ghế. Với tỉ lệ sở hữu hơn 10% cổ phần của Vinamilk, Jardine có thể giành được một ghế theo quy tắc bầu dồn phiếu và có thể tham gia vào các quyết định mang tính chiến lược của Vinamilk sau này.
Tất nhiên là các đối thủ khác không thể ngồi yên. Để giữ được tầm ảnh hưởng trước động thái thâu tóm quá quyết liệt của Jardine, F&N cũng nhảy vào cuộc đua khi đăng ký mua thêm gần 22 triệu cổ phiếu VNM từ nay cho đến đầu năm 2018. Nếu mua thành công, tỉ lệ sở hữu của F&N tại Vinamilk sẽ được nâng lên thêm 1,5%.
Hơn ai hết, F&N hiểu rõ giá trị mà bò sữa Vinamilk mang lại, thậm chí là phao cứu sinh trong Tập đoàn trong bối cảnh sức tiêu thụ ở các thị trường khác sụt giảm. Kết thúc năm tài chính 2017 vào ngày 30.9 vừa qua, F&N ghi nhận khoản lãi kỷ lục 1,28 tỉ đô la Singapore (SGD) so với con số chỉ 108,1 triệu SGD của năm trước. Đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho F&N là thu nhập bất thường trị giá 1,2 tỉ SGD từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Vinamilk theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Nếu không có khoản lợi nhuận bất thường từ việc giá cổ phiếu VNM tăng mạnh, F&N sẽ chứng kiến lợi nhuận ròng sụt giảm khoảng 8,3% so với năm 2016 do chi phí tài chính tăng mạnh (một phần do khoản đi vay để thâu tóm Vinamilk), doanh thu bán hàng sụt giảm và chi phí marketing tăng mạnh.
Bên cạnh F&N, các quyết định của cổ đông lớn nhất SCIC trong thời gian tới cũng ảnh hưởng lớn đến cục diện của thương vụ này. Mặc dù Vinamilk nằm trong danh sách sẽ thoái vốn hoàn toàn của SCIC từ đây đến năm 2020 nhưng các đợt chuyển nhượng cổ phiếu với tỉ lệ nhỏ giọt từ cuối năm 2016 đến nay cho thấy SCIC vẫn đang cân nhắc thận trọng.
Việc từ bỏ hoàn toàn “con gà đẻ trứng vàng” mà mỗi năm mang lại đến 90 triệu USD cổ tức là bài toán khó cho bất kỳ một nhà đầu tư tài chính nào. Đó là chưa kể, sau khi thoái vốn khỏi Vinamilk, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư có tỉ suất sinh lợi ngang ngửa cũng là một thách thức không nhỏ cho SCIC.
Sau khi chuyển nhượng cổ phần VNM cho nhà đầu tư Jardine, tỉ lệ sở hữu của SCIC vẫn đang đảm bảo quyền phủ quyết (cần tỉ lệ tối thiểu 35%). Dù vậy, thế trận đang ngày càng cân bằng hơn, bởi tổng lượng sở hữu của hai cổ đông ngoại Jardine và F&N hiện đã lên tới hơn 28%. Điều đó có nghĩa là nếu hai cổ đông ngoại đoàn kết, gia tăng thêm tỉ lệ sở hữu hay chỉ cần thỏa thuận với các cổ đông khác có lượng sở hữu ít nhất 8% thì họ sẽ có quyền phủ quyết tương tự SCIC.
Trước đó, Hội đồng Quản trị của Vinamilk đã đồng ý mở room ngoại lên mức tối đa (100%), càng tạo thêm cơ hội cho những nhà đầu tư bên ngoài vốn đang nhìn vào thị trường Việt Nam với ánh mắt khèm khát.
Tương lai của Vinamilk
Một động thái lạ của Vinamilk mới đây là chi ra ngàn tỉ đồng để thâu tóm Công ty Đường Khánh Hòa, đổi tên thành Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar), đánh dấu một cột mốc mới trong việc sử dụng công cụ M&A để vừa hoàn thiện chuỗi sản xuất, vừa hỗ trợ tăng trưởng.
Đây có thể xem là một bước đi khôn ngoan. Mặc dù hiệu quả hoạt động của Công ty đang rất tốt khi ROE được liên tục giữ ở mức xấp xỉ 40% các năm gần đây, nhưng với thị phần đã chiếm quá nửa cùng tăng trưởng doanh thu bắt đầu chậm hơn trước (HSC dự đoán doanh thu thuần năm nay của Vinamilk chỉ tăng trưởng 10,1%) thì việc tìm kiếm các động cơ tăng trưởng khác là điều cần thiết. “Các mục tiêu M&A khác có thể là ngành thức ăn chăn nuôi hoặc các doanh nghiệp F&B khác, tất nhiên là các thương vụ này có thể xảy ra trong dài hạn”, Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Tính đến cuối quý III/2017, tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Vinamilk là 517 tỉ đồng, rất khiêm tốn so với quy mô tài sản. Cơ cấu tài chính lành mạnh mang lại lợi thế đáng kể cho Công ty trong việc thực thi các thương vụ M&A với quy mô lớn.
Trong giai đoạn 2016-2021, Vinamilk đặt kế hoạch tăng trưởng trung bình năm 11,2% với doanh thu sẽ đạt cột mốc 81.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2021, Vinamilk đặt kế hoạch tăng trưởng trung bình năm 11,2% với doanh thu sẽ đạt cột mốc 81.000 tỉ đồng, đồng thời giữ vững biên lợi nhuận ròng ở mức 20%, tức thấp hơn một chút so với giai đoạn trước. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong các năm tới, Vinamilk sẽ đầu tư mở rộng nhà máy Mega với mục tiêu nâng gấp đôi công suất hiện tại từ 400 triệu lít/năm lên 800 triệu lít/năm trong bối cảnh nhà máy hiện đã chạy gần như hết công suất.
Vinamilk cũng lên kế hoạch gia tăng thêm đàn bò nguyên liệu lên con số 44.000 con vào năm 2021, chủ động đáp ứng được khoảng 20% nguồn sữa tươi nguyên liệu cho Công ty từ mức khoảng 9% hiện nay.
Trước đây, thị trường sữa nước chủ yếu thuộc về Vinamilk và FrieslandCampina với các đối thủ nhỏ hơn như Long Thành, Đà Lạt, Mộc Châu, Ba Vì... Những năm gần đây, xuất hiện thêm các đối thủ lớn như TH True Milk, Nutifood... cùng hàng chục thương hiệu sữa nước được nhập khẩu từ nước ngoài. Sức ép cạnh tranh này buộc Vinamilk phải gia tăng đầu tư hơn nữa để giữ ưu thế chiếm lĩnh thị trường. Vinamilk có dòng tiền rất tốt được tạo ra từ hoạt động kinh doanh ổn định, với mức tăng lợi nhuận cao. Đây là bệ đỡ cho việc thực thi linh hoạt các chiến lược kinh doanh, gây sức ép cho mọi đối thủ. Thực lực thị trường cho thấy, chỉ các đối thủ ngoại mới là đối thủ có khả năng đe dọa vị trí của Vinamilk.
Đi cùng với đó là mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có tiềm năng. Vinamilk có các nhà máy tại nước ngoài như Mỹ (sở hữu 100% nhà máy Driftwood tại bang California), Campuchia (sở hữu 100% nhà máy Angkormilk tại thủ đô Phnôm Pênh), New Zealand (sở hữu 22,8%) cùng 1 công ty con tại Ba Lan. Các sản phẩm của Công ty đã được xuất sang 43 nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, các nước thuộc khu vực Trung Đông…
Hiện mức đóng góp doanh thu, lợi nhuận của Angkormilk vào Vinamilk vẫn rất khiêm tốn nhưng đây là nhà máy có triển vọng tăng trưởng mạnh và có thể là mô hình để Vinamilk trong tương lai mở rộng sang các thị trường khu vực như Myanmar. Mới đây, Vinamilk đã ký biên bản ghi nhớ về việc cung cấp sản phẩm sữa cho thị trường Trung Quốc và kỳ vọng bắt đầu xuất khẩu những lô hàng đầu tiên từ năm 2018 sau khi kết thúc giai đoạn kiểm tra các tiêu chí của sản phẩm.
“Giá trị xuất khẩu ban đầu có thể chưa đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh chung nhưng đây sẽ là bước tiến lớn của Công ty khi có thể đưa sản phẩm đến một thị trường tiềm năng với dân số đông nhất thế giới”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá. Mục tiêu trở thành 1 trong 50 công ty sữa hàng đầu thế giới với doanh số 3 tỉ USD vẫn đang là thử thách tiếp theo mà Vinamilk cần chinh phục.
Vinamilk khi có nhà đầu tư ngoại tham gia sở hữu cổ phần lớn sẽ mang theo hy vọng công nghệ, vốn và thị trường giúp Công ty thực hiện tham vọng của mình. Tất nhiên các kế hoạch tham vọng nói trên cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu cơ cấu cổ đông của Vinamilk biến động mạnh và không đồng nhất.
Chia sẻ về viễn cảnh Vinamilk có thể lọt vào tay các nhà đầu tư khác, nhất là các nhà đầu tư ngoại, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là phải giữ vững và bảo vệ được thương hiệu. “Giữ được thương hiệu Vinamilk là điều mà bất cứ ai cũng luôn trăn trở. Việc mở room thì nhà đầu tư nước ngoài mua Vinamilk cũng chỉ để phát triển chứ không phải xóa, không nhà đầu tư nào lại xóa đi một thương hiệu đã lâu đời và vẫn đang hoạt động tốt”, bà Liên cho biết.
Nguyễn Sơn