Mấy hôm nay, dư luận bàn tán xôn xao về clip một cô giáo tiếng Anh mắng học sinh là “lợn”, “óc lợn”. Dư luận hầu hết cũng rất bất bình với cách mắng chửi học sinh, cách xưng hô ‘mày tao’ với học sinh của cô. Ngoài ra, biện pháp phạt tiền đối với học sinh không đi học, không làm bài tập của cô cũng gây ra nhiều ý kiến phản đối.
Mạnh Tử nói, con người có bản tính thiện. Phật gia cũng nói, con người ai ai cũng có Phật tính. Do đó, các thầy cô và bậc phụ huynh nếu chú ý khéo léo khơi dậy cái bản tính thiện của trẻ thì có lẽ đã đạt được hiệu quả giáo dục như mong đợi, mà không bị ‘lưỡng bại câu thương’ (cả hai đều bị thương) như hiện nay.
Thực ra cô có ý muốn cho các học sinh của mình chăm chỉ học tập, đạt kết quả tốt. Từ đó xây dựng được thương hiệu, danh tiếng cho trung tâm tiếng Anh của cô. Là giáo viên, ai chẳng muốn học sinh của mình giỏi giang, có thành tích cao. Là người kinh doanh (mở trung tâm tiếng Anh cũng là một hình thức kinh doanh tri thức, kỹ năng), ai chẳng muốn gây dựng được thương hiệu, được nhiều người biết đến.
Việc giáo viên mắng chửi, nói lời thô tục, thậm chí đánh học sinh khá nổi cộm hiện nay. Mà cũng không chỉ giáo viên, rất nhiều phụ huynh cũng áp dụng biện pháp ‘giáo dục’ này để dạy bảo con cái. Khi có người có ý kiến nhắc nhở, thì các giáo viên, hoặc phụ huynh này thường viện dẫn câu ngạn ngữ “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để củng cố lý do của mình.
Vài chục năm trước đây, hiện tượng này không phổ biến, và rất hạn hữu, có lẽ cũng chỉ một vài lần trong đời mà thôi.

Vậy tại sao hiện nay cha mẹ, thầy cô lại ‘lạm dụng’ hình thức đánh mắng, mạt sát học sinh, con em mình nhiều như vậy?
Mạnh Tử nói, con người có bản tính thiện. Phật gia cũng nói, con người ai ai cũng có Phật tính. Do đó, các thầy cô và bậc phụ huynh nếu chú ý khéo léo khơi dậy cái bản tính thiện của trẻ thì có lẽ đã đạt được hiệu quả giáo dục như mong đợi, mà không bị ‘lưỡng bại câu thương’ (cả hai đều bị thương) như hiện nay.
Lời nói không đơn giản là gió bay, nó gây ấn tượng rất lớn trong tâm khảm chúng ta, thậm chí nó có thể lấy đi sinh mệnh con người, và cũng có thể cứu sống sinh mệnh con người. Nếu các thầy cô và các bậc phụ huynh biết được đạo lý này như câu chuyện sau thì tin rằng, họ sẽ có cách nói năng, dạy bảo khác.
Từ câu chuyện hai con ếch…
Một đàn ếch di cư, đi xuyên qua một khu rừng thì hai con ếch trong đàn bị ngã, rơi xuống một cái hố khá sâu. Cả đàn dừng lại, thấy cái hố sâu quá, chẳng giúp gì được, chúng bèn nói với hai con ếch: “Hố sâu lắm, chẳng có tí hy vọng nào thoát được đâu”.
Nhưng hai con ếch chẳng để ý đến những gì đàn ếch nói, chúng cố sức nhảy thoát khỏi hố. Nhưng mặc dầu cố gắng thế nào đi chăng nữa, đàn ếch trên miệng hố vẫn hét lên: “Hố sâu lắm, cố gắng cũng vô ích thôi!”
Cuối cùng một con ếch cũng nghe theo lời khuyên của đàn ếch, nó không cố nhảy lên nữa, mà nhảy xuống chỗ sâu hơn rồi chết. Con ếch còn lại vẫn tiếp tục nỗ lực nhảy lên. Và đàn ếch lại hét lên với nó: “Hố sâu lắm, cố gắng cũng vô ích thôi. Hãy làm giống như con ếch kia cho đỡ đau đớn”.
Con ếch còn lại chẳng để ý, nó vẫn nhảy, nhảy, cố gắng, và cố gắng hơn nữa, cuối cùng nó đã thành công. Khi nó nhảy ra khỏi hố, những con ếch trong đàn xúm đến nói: “Bạn không nghe thấy chúng tôi hét à?”.
Con ếch này nói, tai nó bị nghễnh ngãng. Nó nghe thấy tiếng hét, nhưng không rõ tiếng gì, nghĩ rằng cả đàn đang khích lệ động viên nó cố gắng hơn, nên nó thấy có thêm sức mạnh để kiên trì nỗ lực.

… Suy ngẫm về chuyện nói năng
Lời nói của chúng ta có ảnh hưởng rất lớn, quyết định thành bại, thậm chí sống chết đối với người khác. Do đó chúng ta nên suy nghĩ trước khi nói.
Người xưa nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Lời nói đã nói ra thì xe tứ mã cũng không đuổi kịp). Câu nói thiếu suy nghĩ có thể hủy hoại một đời người. Một người đang trong cảnh tuyệt vọng, thì chỉ cần một lời nói tiêu cực cũng đủ khiến anh ta không muốn sống tiếp, cố gắng tiếp nữa, và sẽ kết thúc sinh mệnh.
Ngạn ngữ có câu: “Thiện ý một lời ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Lời ác ý còn độc hơn rắn độc, rắn cắn chỉ tổn thương thân thể một người, lời ác độc tàn phá nhân cách của 3 người: người nói lời ác ý, người bị lời ác ý phỉ báng và người bên cạnh vô tình nghe thấy. Lời ác cũng như mũi dao cắm vào tim, khiến người nghe rỉ máu, đau đớn, uất hận suốt cuộc đời: “Dao sắt cắt thân thể, vết thương còn dễ lành, lời ác tổn thương người, uất hận mãi khôn nguôi”.
Do đó người xưa khuyên chúng ta “Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”, là để chúng ta có đủ thời gian suy nghĩ, cân nhắc, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy xét vấn đề, từ đó tìm lời ăn tiếng nói phù hợp. Lời nói tích cực, động viên khích lệ, khiến người nghe cảm động, thêm sức mạnh, tinh thần để vượt qua khó khăn, thậm chí vượt qua cái chết. Lời thiện như ánh ban mai sưởi ấm lòng người, khiến họ vui vẻ, phấn khởi, hăng hái vững bước trên con đường đời đầy chông gai thách thức.

Chúng ta sống thời hiện đại, nhịp sống gấp gáp, ai ai cũng quay cuồng trong công việc, đều muốn mau chóng thành công, thiếu nhẫn nại, dễ nổi nóng, nên cũng không chú ý đến lời ăn tiếng nói, để rồi nói lời ác ngữ, hại người mà cũng là hại mình. Như cô giáo tiếng Anh kia, bị mọi người phê phán, bị đóng cửa trung tâm, bị phạt tiền… Nhưng cái mất lớn nhất của cô không phải những thứ đó, mà là mất đi sự tôn trọng của học sinh, phụ huynh, và của mọi người.
Thử nghĩ xem, liệu cô mở lại trung tâm dạy tiếng Anh, mọi người có cho con em đến học không? Công lao ăn học của cô, sự nghiệp cuộc đời cô cũng đã bị chuyển ngoặt theo hướng không mấy dễ chịu.
Nếu chúng ta chú ý những lời ông bà tổ tiên đúc kết “Học ăn học nói, học gói học mở”, chúng ta sẽ học được nhiều điều. Câu ngạn ngữ này rất đơn giản, ai ai cũng hiểu, nhưng sáng tỏ đạo lý trong đó, sẽ thu được lợi ích vô cùng, vì đó là ‘túi khôn’, là trí tuệ của người xưa.
Nam Phương
Có thể bạn quan tâm: