Apple thật kỳ lạ. Là một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, họ lại đang tìm cách để giúp người dùng hạn chế sử dụng… điện thoại nhiều nhất có thể. Bằng chứng là với phiên bản iOS 12 mới công bố vào tháng 6 vừa qua, Apple đã tích hợp thêm tính năng Screen Time nhằm giúp chúng ta theo dõi và kiểm soát thời lượng sử dụng smartphone mỗi ngày. Nói trắng ra thì đây chính là phương pháp mà Apple đang âm thầm giúp chúng ta “cai nghiện” điện thoại một cách tự nhiên, tự nguyện và thoải mái nhất.
Screen Time sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về lượng thời gian mà bạn đã sử dụng từng ứng dụng cụ thể theo từng ngày hoặc từng tuần. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh và tự mình đặt ra những giới hạn cho bản thân, ví dụ như chỉ được phép dùng Facebook 2 giờ/ngày chẳng hạn. Nếu quá thời gian trên, bạn sẽ bị Facebook “đá” ra ngoài và không cho sử dụng nữa. Dần dần, điều này sẽ khiến tổng thời gian dán mắt vào màn hình điện thoại của bạn giảm đi rõ rệt.
Apple đang muốn giúp người dùng hạn chế sử dụng chính "đứa con cưng" iPhone của mình.
Về mặt lý thuyết thì là như vậy, nhưng trong điều kiện thực tế thì sẽ thế nào khi mà smartphone đã trở thành một công cụ quá quan trọng trong cuộc sống hiện nay? Tờ New York Times đã tiến hành thử nghiệm với một cô nàng 14 tuổi Sophie (Mỹ) để kiểm chứng, và kết quả thu được thật đáng kinh ngạc: Thời lượng sử dụng iPhone của Sophie đã giảm gần 1 nửa chỉ sau 3 tuần dùng Screen Time.
Cụ thể, Sophie có thói quen “đốt” rất nhiều thời gian cho các ứng dụng mạng xã hội như Snapchat để trò chuyện với bạn bè. Trong tuần đầu tiên thử nghiệm, cô nàng này thậm chí còn sử dụng smartphone đến hơn 6 tiếng mỗi ngày. Vì thế, khi cài đặt giới hạn dùng Snapchat xuống còn 60 phút/ngày trong Screen Time, Sophie đã cảm thấy rất bực bội và khó chịu. Cô thậm chí còn "lách luật" bằng cách truy cập vào Snapchat thông qua trình duyệt Safari, kết hợp với dùng ứng dụng chính chủ để tăng thêm thời gian sử dụng mạng xã hội này.
Sophie sử dụng smartphone hơn 6 tiếng/ngày trong tuần đầu tiên dùng Screen Time.
Tuy nhiên, Sophie cũng dần dần nhận ra ý nghĩa thực sự mà Screen Time mang lại. Cô nàng chia sẻ: “Trước đây tôi sử dụng smartphone cứ như một thói quen đã được lập trình sẵn vậy. Dù chẳng có việc gì tôi cũng sẽ mở máy, cắm mắt vào màn hình, thu mình vào một góc và chẳng thèm đi đâu cả. Điều đó thật kì lạ và tẻ nhạt, thế nên tôi muốn thay đổi thói quen này”.
Sang đến tuần thứ 2, thời lượng sử dụng iPhone của Sophie chỉ còn 4 tiếng 44 phút mỗi ngày, giảm 23% so với tuần trước. Cô nàng thậm chí còn đặt ra những giới hạn thời gian khắt khe hơn rất nhiều và tự mình cố gắng vượt qua. Cho đến tuần thứ 3 thì con số trên tiếp tục giảm mạnh xuống còn 3 tiếng 4 phút, nghĩa là chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Như vậy là bài thử nghiệm này đã đạt được thành công cực kỳ đáng ghi nhận trong quá trình “cai nghiện” điện thoại cho người dùng, đặc biệt là với giới trẻ. Screen Time thực sự mang đến hiệu quả thực tế chứ không chỉ là một tính năng “cho có” của Apple. Thế nhưng, hãy nhớ rằng thành công này có được cũng một phần là nhờ ý thức và sự quyết tâm của người dùng, giống như cách mà cô nàng teen Sophie đã làm được.
Tham khảo NYTimes
DG
Trí Thức Trẻ