Quán quân thực sự của cuộc đua mã hoá không phải là người kiếm được nhiều tiền nhất. Họ là những người dẫn dắt thị trường mã hoá từ bóng đêm đến vị trí chính thống trên toàn cầu.
Cách đây không lâu, bitcoin vẫn chỉ là vật trao đổi trên internet của những kẻ nghiện máy tính. Năm 2010, một thanh niên đã sử dụng 10.000 BTC để mua một chiếc pizza và vẫn cho rằng "điều đó thật tuyệt khi chẳng cần tiền thật mà vẫn mua được pizza".
Nhưng ngày nay, tiền mã hoá đã thực sự trở thành một hệ sinh thái blockchain hoàn chỉnh. Các dự án phát triển lên cấp giao thức, cho phép thực hiện các giao dịch bất biến, minh bạch, không cần cho phép và chống kiểm duyệt, trong khi loại bỏ được vai trò của bên trung gian.
Sự kết hợp của những đặc tính vượt trội trên đã mở ra hy vọng mới cho những người ủng hộ chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa tự do trên toàn cầu. Nhưng bên cạnh đó, làn sóng ICO cũng tạo cơ hội cho một số công ty kiếm tiền nhanh chóng từ những bản sách trắng sơ sài, còn nhà đầu tư thì lướt sóng.
Quán quân thực sự của cuộc đua tiền mã hoá không nằm trong số những đối tượng trên. Họ là những người dẫn dắt thị trường tiền ảo từ bóng đêm đến vị trí chính thống trên toàn cầu. Dưới đây là chân dung 3 nhân vật nổi tiếng nhất trên thị trường tiền mã hoá.
Changpeng Zhao (CZ) - CEO Binance
Vào ngày 28/6 vừa qua, Binance đã mở sàn giao dịch tiền mã hoá - tiền pháp định tại Uganda. Có lẽ, nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao lại là Uganda, mà không phải là một thị trường phát triển có doanh thu lớn hơn. Trả lời câu hỏi này, CZ cho biết: "Uganda là một nền kinh tế tài chính kém phát triển với 11% dân số có tài khoản ngân hàng. Thuyết phục người dân chấp thuận sử dụng tiền mã hoá là câu chuyện không chỉ một sớm một chiều. Bạn phải giáo dục người dân, đóng góp vào nền kinh tế và xây dựng mọi thứ cần thiết từ đầu". Sứ mệnh của Binance là lan toả tính chính thống của tiền số trong đại chúng.
Về mặt phát triển kinh tế, Binance muốn tạo việc làm cho 5000 người trong vòng 5 năm với tham vọng dài hạn là 50.000 việc làm cho ngành công nghiệp tiền số. CZ nói: "Tôi muốn giúp châu Phi tăng trưởng. Tôi muốn giúp Nam Mỹ tăng trưởng. Tôi muốn giúp châu Á tăng trưởng. Tôi muốn giúp đỡ mọi người, nhưng sức lực tôi có hạn. Tôi tin rằng tiền mã hoá sẽ tạo ra rất nhiều tác động tích cực tới nhân loại".
Mở rộng đầu tư ra toàn thế giới không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đó cũng chính là lý do tại sao Binance thành lập quỹ đầu tư 1 tỷ USD mang tên Binance Labs, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain và đưa công nghệ blockchain vào ứng dụng thực tế. Binance mong muốn đưa ngành công nghiệp liên quan tới tiền số trở nên lớn mạnh hơn bằng cách "nâng cánh" các công ty trẻ trên toàn thế giới. Binance tin tưởng vào sứ mệnh này ngay cả khi ROI (chỉ số lợi nhuận trên đầu tư) chưa rõ ràng. Họ là một tổ chức có sức ảnh hưởng lớn và mang trong mình trọng trách của người dẫn đầu.
Ngoài ra, Binance còn có một quỹ từ thiện riêng mà họ đã dùng nó để quyên góp cho một vài dự án ở châu Phi. Binance yêu cầu sự minh bạch 100% trong tất cả các dự án này. Mọi thứ đều phải được ghi chép lại trên blockchain và Binance sẽ bao trả tất cả phí quản lý. Bằng cách này, Binance đã làm lan toả nhận thức về tiền mã hoá và giáo dục cộng đồng, cũng như thu hút sự chú ý và tiếp cận chủ động của các chính phủ.
Mick Hagen - CEO Mainframe
Mainframe cung cấp nền tảng tin nhắn chống kiểm duyệt. Họ ủng hộ trường phái tự do và riêng tư trên toàn thế giới. Mọi người nên được nói những gì họ muốn mà không có tổ chức chính quyền nào có thể can thiệp. Mainframe đã đi đến khắp các nơi trên thế giới, làm việc với cộng đồng và tổ chức các sự kiện airdrop (một dạng tặng quà) nổi tiếng.
Vừa qua, Mainframe đã tổ chức một sự kiện Airdrop toàn cầu thực sự ấn tượng nhằm chuẩn bị cho đợt phân bổ token vào ngày 4/7. Sự có mặt của họ tại nhiều nơi trên thế giới đã làm lan toả tính chính thống của phong trào phân quyền.
CEO Mainframe - Mick Hagen cho biết: "Cách mọi người sẵn sàng đi từ khắp nơi trên thế giới để đến tham dự những sự kiện của chúng tôi thực sự làm chúng tôi kinh ngạc. Một cô gái đã bay từ Trung Quốc đến Warsaw. Một nhóm người cũng đã lái xe suốt 25 giờ đồng hồ để đến sự kiện. Họ còn theo chúng tôi đi khắp châu Âu nữa".
Vitalik Buterin - Co-founder ETH
Ở góc độ kỹ thuật, Vitalik hiểu rằng mở rộng quy mô là thách thức quan trọng nhất cần phải giải quyết nếu muốn công chúng chấp nhận rộng rãi ứng dụng blockchain và cách ngắn nhất để vượt qua nó là cộng tác với các cộng đồng trên toàn thế giới. Một tổ chức phi lợi nhuận giám sát sự phát triển của Ethereum đã được thành lập từ tháng 1 năm nay, nhằm cung cấp từ 50.000 USD - 1.000.000 USD cho các cộng đồng trên thế giới thực hiện 2 chiến lược mở rộng quy mô là giao thức sharding và giao thức 2 lớp.
Trang Trang
Theo Trí Thức Trẻ