Trong khi Thung lũng Silicon đang phải vật lộn chiến đấu với những scandal và bị tăng cường giám sát về mặt luật định, cựu CEO Microsoft, ông Steve Ballmer đã cảnh báo Facebook và Google rằng đừng mắc lại những sai lầm mà Microsoft từng mắc phải.
Trong một cuộc phỏng vấn với tổng biên tập Yahoo Finance, Andy Serwer tại Washington DC, vị cựu giám đốc điều hành này đã được hỏi xem ông đánh giá thế nào về những cơn giông bão hiện tại mà ngành công nghệ đang phải đối mặt. Câu trả lời của ông: các công ty công nghệ nên cố gắng làm việc nhanh chóng với chính phủ để tim ra giải pháp – không giống như những gì Microsoft từng làm dưới nhiệm kỳ của ông trước đây, khi công ty phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền từ chính phủ.
“Tôi không cố gắng làm điều gì đó kiểu như “ôi khốn khổ cái thân tôi”, nhưng nhớ rằng chúng tôi đã gặp phải một vụ kiện chống độc quyền tại Microsoft do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành. Những vụ việc có liên quan đến chính phủ […] là những thứ nghiêm trọng. Và nếu tôi biết những gì tôi biết bây giờ, tôi đã giải quyết được những vấn đề đó.” Ông Ballmer cho biết.
Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ việc chấp nhận hoàn toàn rằng mọi thứ đang không ở đúng chỗ mà nó cần ở, và cố gắng giải quyết những vấn đề đó sẽ là cách mà mọi người hiểu rằng bạn đang rất nghiêm túc về nó, trái ngược với bộ mặt kiêu ngạo thường xuất hiện cùng các công ty công nghệ, tôi hiểu điều đó.”
Ngành công nghệ Mỹ có một lịch sử được trải đầy hoa hồng, nhưng giờ điều đó đang thay đổi.
Facebook đang bị bao vây bởi những vụ bê bối, từ việc phát tán những lời tuyên truyền của Nga cho đến scandal Cambridge Analytica. Google, Microsoft và Amazon lại đang bị các nhân viên của chính mình phản đối, do những hợp đồng của công ty với các lực lượng thực thi pháp luật và quân sự.
Ngoài ra, việc giám sát còn đang được tăng cường để xem liệu các công ty công nghệ có quá nhiều quyền lực hay không, và những đề xuất các vụ kiện chống độc quyền cũng đang hiện ra ngày càng nhiều hơn.
Ông Ballmer đang thúc giục ngành công nghệ vượt qua nó, chấp nhận vấn đề và hợp tác với các cơ quan quản lý để sửa chữa nó.
“Tôi cũng nghĩ rằng điều quan trọng là phải làm rõ loại chỉ huy nào sẽ đến và sẽ đến đâu … ai đó phải quyết định những gì là ổn và những gì không.” Ông bổ sung. “Tôi không nghĩ đó nên là Quốc hội. Nói chung, tôi nghĩ nó nên là một trong những cơ quan quản lý. Họ có thể đào sâu hơn vấn đề, họ hiểu rõ vấn đề này, họ có thể giữ nó nằm ngoài lĩnh vực chính trị và các tập đoàn lớn.”
Tham khảo Business Insider
Nguyễn Hải
Trí Thức Trẻ