Ở thời điểm hiện tại, có lẽ bạn cũng đã quá quen với Sơn Tùng M-TP cùng hình ảnh hào nhoáng của một nghệ sỹ thành công. Tuy nhiên, thực tế thì nam ca sỹ người Thái Bình cũng có một thời tuổi trẻ bình dị như bất kì ai trong số chúng ta. Điều này có lẽ cũng một phần nào được thể hiện qua chiếc máy tính đầu tiên mà anh có cơ hội sở hữu.
Sơn Tùng từng chia sẻ chiếc máy tính đầu tiên mà anh có là một chiếc máy cũ được một người anh dành tặng. Cũng từ đây, cậu bé Nguyễn Thanh Tùng đã mày mò, tìm đến với âm nhạc và có thể nói nó chính là cửa ngõ đầu tiên giúp Sơn Tùng tiếp cận đến với những nền tảng để về sau có thể mang đến cho thị trường những bản hit gây sốt.
So với những chiếc máy tính để bàn hiện đại hay những chiếc laptop, những chiếc máy tính cách đây chỉ khoảng trên dưới một thập niên là quá đồ sộ và cồng kềnh. Tuy nhiên, nó lại là một hình ảnh gắn bó với những ngày đầu được tiếp xúc với máy tính của không ít người thuộc thế hệ 8x hay 9x đời đầu.
Ngày đó, phần màn hình máy tính thường có kích thước khá lớn do sử dụng một công nghệ màn hình có tên là CRT. Màn hình CRT theo đó sử dụng phần màn huỳnh quang để hiển thị các điểm ảnh. Để các điểm ảnh có thể phát sáng theo đúng màu sắc cần hiển thị, chúng cần được các tia điện tử tác động vào để tạo ra sự phát xạ ánh sáng. Tất cả các khâu tạo ra tia điện tử này được thực hiện bằng ống phóng CRT.
Điểm cộng của loại màn hình này nằm ở việc chúng có khả năng hiển thị màu sắc trung thực và có độ phân giải cao. Vì thế nó khá được yêu thích bởi giới game thủ hay các nhà thiết kế, xử lý đồ hoạ. Tuy nhiên điểm trừ của nó nằm ở kích thước lớn, nặng nề và tốn năng lượng tiêu thụ. Loại màn hình này còn được cho là có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng bởi có thể chứa tới 2,2 kg chì. Đó là lý do tại sao không ít máy tính ngày đó được gắn thêm các tấm lọc màn hình.
Thực tế sự xuất hiện của chì trên màn hình CRT có hai lý do. Thứ nhất, chì giúp cải thiện chất lượng hình ảnh hiển thị. Thứ hai, bản chất chì cũng là một chất đóng vai trò bảo vệ người dùng khỏi những tia phóng xạ sản sinh ra từ cơ chế hoạt động của màn hình CRT. Vấn đề nằm ở chỗ một lượng nhỏ chì cũng có thể gây ra ngộ độc chì và ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Chuột máy tính thời đó phần lớn cũng là chuột bi chứ không phải chuột quang như hiện nay. Với không ít người trẻ sau này, chuột bi là một khái niệm vô cùng xa lạ với họ.
Nhìn những chiếc máy tính hiện đại và những chiếc máy tính ngày đó, có lẽ bạn cũng đã có thể thấy được công nghệ phát triển tới chóng mặt ra sao.