Số tiền phạt dành cho Facebook tại Anh lên tới 500.000 Bảng và được coi là mức phạt cao bậc nhất dành cho những công ty công nghệ cho tới thời điểm hiện tại trong lĩnh vực bảo mật thông tin khách hàng. Ngược lại tại EU thì quy định về bảo vệ dữ liệu chỉ được xiết chặt hơn vào cuối tháng 05 nên Facebook không bị ảnh hưởng gì. Nếu luật này được áp dụng thì tại Châu Âu, Facebook sẽ có thể bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu, tương đương khoảng 2 tỷ USD.
Dù vậy nhưng có vẻ như án phạt tại Anh chẳng thể gây ảnh hưởng nhiều tới Facebook bởi theo các chuyên gia dự đoán thì Facebook sẽ có thể đạt lợi nhuận khoảng 22,6 tỷ USD trong năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc trong mỗi phút, Facebook sẽ có thể kiếm được 43.000 USD. Và số tiền nộp phạt cho chính phủ Anh sẽ chỉ tiêu tốn 15 phút doanh thu của Facebook mà thôi.
Một con số khá đáng thú vị khác đó là tài sản của CEO Facebook - Mark Zuckerberg theo thống kê của Bloomberg mới đây đã lên tới 81,6 tỷ USD. Số tiền phạt trên cũng chỉ chiếm khoảng 0,0008% giá trị tài sản của Zuckerberg mà thôi.
Nếu đem so sánh với các khoản chi của Facebook thì có thể thấy rằng số tiền 500.000 USD này thực sự chẳng phải là vấn đề đối với đơn vị này. Đơn cử như số tiền thưởng hàng năm Facebook dành cho COO của mình, Sheryl Sandberg là 25,2 triệu USD, trong đó có 21,1 triệu USD cổ phiếu Facebook cùng 2,7 triệu USD cho các chi dùng cá nhân. Vậy thì số tiền trên chỉ tương đương với 3% mức chi đãi ngộ dành cho COO của Facebook mà thôi.
Như vậy, có thể thấy rằng dù vấn đề bảo mật thông tin người dùng của Facebook đang gây nhiều sự chú ý nhưng nó cũng không khiến mạng xã hội này mất đi lượng khách hàng vốn có. Ngay cả những mức phạt từ các quốc gia đối với Facebook cũng chẳng làm suy chuyển được mạng xã hội này.
Trang Thu
Theo Trí Thức Trẻ