Trong tuần vừa qua, Ủy Ban Châu Âu đã ra án phạt lớn kỷ lục đối với Google, lên tới 5 tỷ USD. Cáo buộc từ phía Ủy Ban Châu Âu đưa ra đó là Google đã sử dụng sự độc quyền của mình để ép các nhà sản xuất di động cài sẵn Google làm trình tìm kiếm mặc định trên các điện thoại di động mà họ làm ra để đổi lại việc được truy cập vào Google Play. Ngoài ra Google cũng mua chuộc các đơn vị khác để cài các ứng dụng mặc định của họ. Điều này vi phạm nghiêm trọng vào luật chống độc quyền của EU vì nó làm giảm cơ hội thu hút người dùng của các nhà phát triển ứng dụng khác.
Ngược lại, phía Google thì lại cho rằng mình đang cung cấp miễn phí hệ điều hành Android cho các nhà sản xuất điện thoại di động. Điều này giúp cho các nhà sản xuất có thể giảm chi phí và bán điện thoại rẻ hơn, có lợi hơn cho người tiêu dùng. Hiện Android đang được sử dụng trên 24.000 dòng thiết bị của hơn 1300 nhãn hàng với đủ phân khúc giá cả.
Ngoài ra, giám đốc điều hành Google - ông Sundar Pichai còn cho biết thêm rằng họ đã đầu tư hàng tỷ USD suốt nhiều năm qua để phát triển, hoàn thiện hệ điều hành Android. Nếu EU quyết định áp dụng án phạt như vậy, họ sẽ buộc phải thu phí sử dụng Android để bù đắp lại khoản chi phí bỏ ra. Như vậy thì giá của các chiếc điện thoại sử dụng Android sẽ tăng lên đáng kể.
Đến lúc này thì dư luận đã đặt ra thêm một câu hỏi, đó là vậy từ trước đến nay, Google kiếm lợi như thế nào từ Android khi mà họ chẳng thu lại một đồng phí sử dụng nào?
Để tìm hiểu về điều này, chúng ta cần lật lại vụ kiện từ giữa năm 2016 giữa Google và Oracle. Trong sự kiện này, một thông tin đã được tiết lộ, đó là Google kiếm được doanh thu 31 tỷ USD và lợi nhuận là khoảng 22 tỷ USD từ Android tính từ thời điểm năm 2008. Doanh thu này đến từ các quảng cáo di động trên một loạt các ứng dụng như công cụ tìm kiếm, trình duyệt Chrome, Youtube, Gmail...
"Do cung cấp Android miễn phí nên Google phải kiếm tiền từ một nguồn khác.Trong đó phải kể đến chính là nguồn quảng cáo từ trình tìm kiếm của Google." Pinar Akman, giáo sư luật đại học Leeds phát biểu trên Business Insider.
Tất nhiên, đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với cả nhà sản xuất di động lẫn Google nhưng với việc cung cấp Android một cách miễn phí cùng sự phổ biến của nó, Google dễ dàng gây sức ép để đòi thêm quyền lợi từ các nhà sản xuất điện thoại sau này.
Theo EU thì việc yêu cầu các đơn vị sản xuất điện thoại cài sẵn trình tìm kiếm đã tạo thói quen cho người dùng sử dụng Google. Trong đó 95% lượt tìm kiếm trên Android thông qua Google. Tương tự như thời Microsoft bảo hộ cho công cụ tìm kiếm Bing của họ vậy, 75% các thiết bị của Microsoft sử dụng Bing làm trình tìm kiếm mặc định. Trong khi đó, người dùng thường có thiên hướng ít thay đổi các trình tìm kiếm mặc định và dần trở nên ít tìm hiểu tới các ứng dụng mới phát triển khác hơn.
Vụ kiện của Oracle cũng đã tiết lộ rằng Google phải chi tới hơn 1 tỷ USD cho Apple để Google trở thành trình tìm kiếm mặc định trên iPhone và iPad. Điều này cho thấy rằng đáng lẽ Google phải chi trả tiền cho các đơn vị sản xuất di động để cài sẵn trình tìm kiếm cùng các ứng dụng của Google trên mỗi chiếc điện thoại họ làm ra.
Chưa kể tới việc độ phủ hệ điều hành Android hiện đã lên tới 2 tỷ thiết bị trên toàn cầu, đủ để Google thu được hàng tỷ USD quảng cáo trên các thiết bị này.
Nguồn thu tiếp theo của Google đến từ các ứng dụng được đưa lên Google Play. Hiện có hơn 1,5 triệu ứng dụng. Một phần có yêu cầu trả phí và một phần miễn phí nhưng kiếm tiền nhờ quảng cáo. Cả hai đều phải chi trả doanh thu khoảng 30% cho Google.
Như vậy, có thể thấy được là Google đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ vào việc cung cấp Android "miễn phí" cho các công ty sản xuất điện thoại di động để dần tạo thế độc tôn của mình. Còn EU thì mong muốn gì khi áp dụng án phạt 5 tỷ USD?
Lúc này, viễn cảnh xảy ra sẽ là Google buộc phải dừng các hành vi cài sẵn ứng dụng của mình trên Android. Họ có thể sẽ thu phí sử dụng Android và chi phí này khiến cho giá các thiết bị di động sử dụng Android tăng lên.
Tuy nhiên, bù lại thì các nhà sản xuất điện thoại di động sẽ có lựa chọn để cài các hệ điều hành khác, hay các ứng dụng của các bên phát triển khác. Google nếu muốn được cài các ứng dụng của mình sẽ phải liên hệ và trả phí cho các nhà sản xuất điện thoại giống như cách mà họ trả tiền cho Apple để cài Google làm trình tìm kiếm trên iPhone, iPad. Khoản chi phí này sẽ bù lại được một phần cho phí sử dụng Android và thực tế là giá điện thoại vẫn sẽ được giữ cân bằng như trước đây. Và người chịu thiệt trong lần này sẽ chỉ có Google mà thôi.
Trang Thu
Theo Trí Thức Trẻ