Hàng chục năm trước, người ta từng coi pizza là một loại thức ăn vô cùng lành mạnh. Lí do vì nó chứa cả 3 chất dinh dưỡng đa lượng : chất béo, protein và carbohydrate. Khoa học dinh dưỡng tại thời điểm đó nói rằng các loại thực phẩm như vậy tốt cho sức khỏe.
Nhưng đến ngày nay, pizza được coi là một loại junk food , hay còn gọi là thực phẩm rác. Hóa ra, khoa học dinh dưỡng đã xác định lại rằng: Nó nó chứa quá nhiều carbohydrate tinh chế, hàm lượng chất béo cao và đặc biệt là nhiều muối.
Vậy mà cả một thế hệ đã từng coi pizza là lành mạnh, họ lớn lên và ăn pizza bất cứ lúc nào có thể.
Hàng chục năm trước, người ta từng coi pizza là một loại thức ăn vô cùng lành mạnh
Tại sao kết quả nghiên cứu dinh dưỡng có thể quay ngoắt 180 độ?
Trước khi bạn cười khẩy quan niệm dinh dưỡng ngây ngô của ông bà mình hồi xưa, hãy xem xét lại chính bản thân bây giờ. Ngay lúc này, hàng chục thông tin sai lệch về dinh dưỡng vẫn có thể vẫn đang in đậm trong đầu mà bạn không hề hay biết.
Bạn có từng mua sữa tách béo, đếm calo, uống nước ép trái cây để thanh thải độc tố? Có phải quảng cáo là thứ tác động đến niềm tin dinh dưỡng của bạn hay không? Nhưng ngay cả khi bạn đã đọc hoặc nghe những điều đó từ chính miệng một giáo sư, chuyên gia hay bác sĩ, khoa học dinh dưỡng vẫn có thể đang nói dối cả họ lẫn bạn.
Từ xưa đến nay, dinh dưỡng vốn là một lĩnh vực nghiên cứu đặc trưng bởi những cuộc tranh cãi, những kết luận nửa vời và thường xuyên quay ngoắt 180 độ. Hãy nghĩ xem. Vừa mới ngày nào, chất béo được coi là xấu. Nhưng sau hơn 20 năm nghiên cứu, người ta phát hiện nó cũng tốt.
Trong hàng thập kỷ, mọi người vẫn vô tư ăn đường. Nhưng đột nhiên một ngày, đường được coi là "cái chết trắng" của thời đại mới . Rượu tàn phá sức khỏe, nhưng có nghiên cứu nói rằng nó có thể phòng và hỗ trợ chữa ung thư.
Thế nhưng mới đây, một nghiên cứu ủng hộ việc tiêu thụ rượu đã bị rút lại. Lí do vì người ta phát hiện chính ngành công nghiệp rượu đã giấu lẹm hàng chục triệu USD tài trợ cho nghiên cứu này.
Việc các ngành công nghiệp tham gia thao túng khoa học dinh dưỡng không còn là câu chuyện hiếm.
Các công ty thuốc lá trong quá khứ đã từng làm điều này. Và vụ việc hiệp hội mía đường mua chuộc 3 nhà khoa học Harvard vào năm 1965 đã tạo ra một sự hiểu lầm trầm trọng về tác hại của chất béo, đồng thời lấp liếm sự nguy hiểm của đường trong nghiên cứu khoa học suốt nhiều thập kỷ.
Các ngành công nghiệp thực phẩm thường xuyên muốn thao túng kết quả nghiên cứu dinh dưỡng
Nghiên cứu về dinh dưỡng ngày nay vẫn đầy rẫy các phương pháp luận yếu kém, sai sót của con người và thiên kiến của các nhà khoa học thực hiện chúng. Các bài báo, các quảng cáo phóng đại các nghiên cứu cũng là một vấn đề. Nhưng đi sâu hơn nữa, nhiều khi chính kết luận của nghiên cứu đã tự nó hàm chứa sự mâu thuẫn.
Hướng dẫn chế độ ăn mới nhất của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho rằng trứng chứa quá nhiều cholesterol và chất béo nên không được coi là lành mạnh. Nhưng cũng chính FDA lại vẫn liệt kê trứng vào danh sách thực phẩm bổ dưỡng cho bữa sáng.
Có một số nghiên cứu muốn xác định liệu chúng ta có thể phân biệt calo “tốt” và calo “xấu” hay không. Nhưng nó đã thất bại khi các nhà khoa học không thể thiết lập một nhóm đối chứng chuẩn xác, đổ sông đổ bể hơn 40 triệu USD tài trợ. Bây giờ, chúng ta thậm chí không thể nói chắc chắn rằng ăn 10 kcal từ sô cô la hay súp lơ xanh sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Ngay đầu tháng, một nghiên cứu lớn liên quan đến chế độ ăn Địa Trung Hải đã bị rút lại. Nghiên cứu nói rằng chế độ ăn giàu rau quả này có thể giúp giảm 30% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã tìm ra những lỗi sai cơ bản trong quá trình thực hiện nó.
Tất cả những gì kể trên đặt ra một câu hỏi: Tại sao rất khó để khoa học xác định liệu một chế độ ăn uống hoặc một thực phẩm nhất định có tốt cho con người hay không? Liệu thế hệ chúng ta có phải chịu hậu quả từ những sai lầm của nghiên cứu dinh dưỡng, khi bây giờ người ta nói cà phê tốt cho sức khỏe, rồi mai sau họ phát hiện nó gây ung thư ?
Chúng ta không chắc 10 kcal từ sô cô la hay súp lơ xanh sẽ tốt hơn cho sức khỏe
Làm thế nào để cải thiện chất lượng nghiên cứu dinh dưỡng?
Sự thật là, nếu muốn cải thiện khoa học dinh dưỡng, chúng ta phải tìm ra cách tốt hơn để kiểm soát mọi nhiễu loạn ảnh hưởng đến kết quả của các nghiên cứu.
“Nghiên cứu dinh dưỡng là một nhiệm vụ khó khăn bởi tất cả các biến ngoại sinh cần được kiểm soát”, Kelly Pritchett, một nhà khoa học dinh dưỡng tại Đại học Central Washington cho biết. “Do đó, điều quan trọng là phải xem xét hoặc kiểm soát càng nhiều biến số càng tốt, tức là bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến chế độ ăn, ngủ, sinh hoạt, thời gian trong năm, mức độ hoạt động, tiền sử bệnh tật…”
Các biến không thể dự đoán trước này được gọi là các yếu tố gây nhiễu, thứ có thể bác bỏ kết luận của cả một nghiên cứu học thuật. Quản lý tốt hơn các biến đó có thể cứu được nghiên cứu về chế độ ăn Địa Trung Hải khỏi bị gỡ bỏ.
Trong một thế giới lý tưởng, các nghiên cứu về chế độ ăn uống sẽ được tiến hành trong một phòng thí nghiệm vô trùng, nơi mọi thứ từ lượng calo nạp vào để tập thể dục cho đến giấc ngủ của mỗi người tham gia đều nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các nhà khoa học.
Tất nhiên, điều này không đơn giản - nghiên cứu dinh dưỡng phải mất nhiều năm mới phát hiện ra bất kỳ lợi ích sức khỏe hoặc rủi ro nào của một loại thực phẩm nhất định. Bạn không thể ép buộc hàng ngàn người sống trong phòng thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu như vậy.
Hơn nữa, mỗi khi áp đặt một điều kiện kiểm soát mới vào nghiên cứu dinh dưỡng, bạn sẽ đánh mất một chút ứng dụng của nó trong đời sống thực. Xét cho cùng, không một ai trong số chúng ta sống trong phòng thí nghiệm. Mọi người phải ra ngoài thế giới, cố gắng cân bằng chế độ ăn uống khi họ làm việc, học tập, tập thể dục, ngủ nghỉ và giải trí.
Ngay cả việc xây dựng chế độ ăn hộ các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, thay vì để họ tự suy nghĩ xem phải ăn gì, cũng giúp họ bớt căng thẳng. Mà căng thẳng đã được khoa học tìm ra là có ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và lượng mỡ tích trữ trong cơ thể.
Như vậy, ngoài việc kiểm soát các yếu tố gây nhiễu, các nhà khoa học còn phải tìm cách thiết kế các thí nghiệm sát thực hơn với lối sống thường ngày, như vậy các dữ liệu và kết luận mới có giá trị với chúng ta.
Nghiên cứu dinh dưỡng là không hề dễ dàng
May mắn thay, các nhà khoa học đang nỗ lực để làm được điều đó. Mới đây, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã tài trợ cho các nhóm nghiên cứu tại Đại học Indiana và Tufts để ban hành các hướng dẫn lâm sàng cho nghiên cứu dinh dưỡng ngẫu nhiên, có kiểm soát.
“Hiện tại, các hướng dẫn như vậy đã có cho thử nghiệm thuốc và thiết bị y tế nhưng chưa được áp dụng vào nghiên cứu dinh dưỡng. Hy vọng rằng nỗ lực này [của NIH] sẽ đưa được các hướng dẫn vào nâng cao chất lượng khoa học của các nghiên cứu về chế độ ăn uống”, Connie Weaver, một nhà khoa học dinh dưỡng tại Đại học Purdue cho biết.
Chưa rõ các hướng dẫn này sẽ có những quy định cụ thể nào, nhưng đó sẽ là những tiêu chuẩn tốt nhất mà chúng ta có được từ các ngành khoa học khác, đem áp dụng sang cho nghiên cứu dinh dưỡng.
Còn tại thời điểm này, chúng ta vẫn phải để mắt lên những thông tin về nghiên cứu dinh dưỡng. Trong khi các nhà khoa học vẫn cần phải đóng vai trò là những nhà giám sát trung thực, công chúng cũng phải đọc kỹ hơn để tự thẩm định nguồn tin của mình.
"Tôi nghĩ rằng công chúng có xu hướng tập trung vào tiêu đề và phần tóm tắt hơn là đọc toàn bộ bài báo", Pritchett nói. "Tôi sẽ nói với công chúng như tôi nói với các sinh viên của tôi: đọc phần thảo luận trước rồi sau đó mới tự suy luận lại lên phần giới thiệu".
Ví dụ, mọi người bây giờ chỉ thường lướt Facebook hoặc Twitter, họ có thể sẽ đọc thấy các tiêu đề nói rằng mì ống không gây tăng cân. Nhưng điều gì phía sau tiêu đề ấy mà họ không thấy được? Đó là bài báo được tài trợ bởi các công ty sản xuất mì ống.
Chịu khó đọc kỹ và thẩm định các nguồn thông tin sẽ đem lại cho bạn cái nhìn sáng suốt nhất, mặc cho khoa học dinh dưỡng hiện tại vẫn là một mớ hỗn độn.
Tham khảo Futurism
ZKnight
Trí Thức Trẻ